TPHCM:

Nhiều tài năng trẻ còn bị… “bỏ quên”

(Dân trí) - “Thông tin về các cuộc thi, giải thưởng sáng tạo, khoa học còn bó hẹp, nhiều đối tượng không tiếp cận được nên bỏ qua nhiều cơ hội cho các ý tưởng sáng tạo, nhiều tài năng trẻ bị bỏ quên”.

Đó là ý kiến của TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM tại diễn đàn “Phát triển và bồi dưỡng tài năng trẻ” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TPHCM tổ chức ngày 4/1.

Nhiều tài năng trẻ còn bị… “bỏ quên” - 1

Nhiều tài năng trẻ ít được biết đến vì thiếu thông tin, không biết giới thiệu những nghiên cứu, sáng tạo của mình ở đâu

Ông Nguyễn Văn Long, phụ huynh em Nguyễn Minh Châu (một học sinh tiểu học từng đoạt nhiều giải thưởng Sáng tạo trẻ) phát biểu: “Khi con tôi biết đến thông tin về cuộc thi Sáng tạo trẻ thì chỉ còn 3 ngày là hết hạn nộp sản phẩm. Con tôi đến hỏi cô Tổng phụ trách Đội thì cô cũng không biết gì về thể lệ cuộc thi dù cuộc thi do một đơn vị của Thành Đoàn tổ chức. Con tôi phải tự tìm hiểu và thức suốt 3 đêm để hoàn thành đề thi”.

Anh Lã Minh Trường, nhân viên công ty thiết kế Hải Đạt cũng đồng tình: “Thông tin về các cuộc thi, giải thưởng còn quá ít. Tại các khu công nghiệp hầu như là không có. Nếu tôi không tham gia các tổ chức như Đoàn thanh niên thì không thể nào biết được những hoạt động như thế này. Phải tuyên truyền rộng rãi hơn trong các bạn thanh niên công nhân, họ có những sáng tạo tuy nhỏ nhưng rất có giá trị kinh tế”.

Anh Hà Đình Nam hành nghề đạp xích lô nhưng vẫn rất đam mê sáng tạo. Anh cho biết: “Dù ít kiến thức, nhưng bằng cái nghề của mình cộng với kinh nghiệm lăn lộn trong xã hội, tôi cũng muốn có những kiến nghị cho sự phát triển của thành phố. Nhưng tìm nơi để phát biểu những ý kiến, đóng góp ấy khó quá! Tôi phải chú ý lắm mới biết được diễn đàn này sẽ tổ chức trong hôm nay và đến tham dự”.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều tài năng trẻ ít được lộ diện là… cái lệ đề cử. Anh Nguyễn Lê Xuân Trường, cán bộ trường ĐH KHTN, mới tốt nghiệp tiến sĩ từ Úc về nghi hoặc: “Tôi nghe nói nhiều nhà khoa học trẻ ở ta không thể tham gia các đề tài nghiên cứu lớn, khó tiếp cận các nguồn hỗ trợ để thực hiện các đề tài lớn thuộc chuyên môn của mình vì muốn vậy phải có các nhà khoa học có uy tín giới thiệu, đề cử…”.

TS Lê Hoài Quốc cũng thừa nhận vấn đề này là có, chính ông cách đây 20 năm cũng từng rơi vào trường hợp như vậy. Nhưng ông cho biết: “Bây giờ quy định cũng thoáng hơn. Anh em có thể tự tìm hiểu các vấn đề mà xã hội đang quan tâm, nếu mình thấy có thể giải quyết được thì tự đề xuất với Sở để nghiên cứu, không nhất thiết phải có sự giới thiệu của trường”.

Còn anh Huỳnh Tiến Hoa, giảng viên ĐH Ngoại thương thì băn khoăn về vấn đề kinh phí nghiên cứu. Anh nói: “Một đề tài cấp Bộ đòi hỏi phải có khảo sát, số liệu minh chứng… mà chỉ có 70 triệu đồng thì rất khó có kết quả thực chất. Trong khi đó, ở các nước Châu Âu mỗi đề tài đều được hỗ trợ 30.000 USD/năm, nghiên cứu suốt 10 năm vẫn chưa ra sản phẩm nhưng vẫn được tài trợ thực hiện”.

Chính vấn đề kinh phí này mang lại nhiều hệ lụy khác cho ngành khoa học. Giảng viên Huỳnh Tiến Hoa nhận định: “Nghiên cứu là phải có kết quả nhưng kinh phí ít nên người ta phải làm mọi cách để có kết quả, đạt mục đích. Từ đó “rèn luyện” cho các nhà khoa học trẻ tính đối phó và bệnh hình thức. Còn kết quả nghiên cứu thì không dùng làm gì được. Nhiều bạn trẻ tự trọng biết khó nên dù có ý tưởng hay cũng không dám nghiên cứu”.

Anh cho rằng: “Nên hợp lý lại kinh phí nghiên cứu khoa học, sàng lọc thật kỹ để có những đề tài thật có ích và đầu tư thỏa đáng, cho ra những kết quả đi vào thực tiễn, mang lại lợi ích”.

Tổng kết diễn đàn, TS Lê Hoài Quốc phát biểu: “Tài nguyên sáng tạo của người Việt ta không kém. Tôi đến thăm nhiều trường ĐH lớn ở Hàn Quốc thì thấy lực lượng nghiên cứu chính ở đây lại là các nghiên cứu sinh người Việt. Tài nguyên là hữu hạn, sáng tạo là vô hạn. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên khai thác cái “mỏ” vô hạn này”.

Tùng Nguyên