Nhật ký thế hệ “Open”

“Viết nhật ký đâu có gì là xấu. Mình có quyền cho mọi người biết suy nghĩ của mình chứ!”. Cũng với suy nghĩ cởi mở như thế, hàng trăm ngàn blog của bạn trẻ Việt Nam, phổ biến nhất là trong thế hệ 8X- 9X, hay còn gọi là thế hệ “Open” đã hình thành.

Có lẽ qua rồi cái thời viết nhật ký cho riêng mình, giới trẻ hiện nay đem nhật ký của mình lên mạng bằng cách tạo blog, gọi là nhật ký cá nhân trực tuyến

“Thế là hôm nay chỉ đi làm buổi sáng. Vừa ngó vào máy tính là thấy đầu bưng bưng. Bụng lại cồn cào. Bệnh, giống như em bé. Sáng ăn không nổi, mẹ bắt hâm nóng ly sữa tươi to đùng... Trời ơi! Biết bao giờ mới lớn nổi!!! Thấy thương người lớn quá, lúc nào cũng lo lắng cho mình...”.

Tưởng chừng, những ghi chép cá nhân như thế chỉ có trên một cuốn sổ đang nằm sâu trong ngăn tủ nào đó, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Hiện nay, những trang nhật ký này đang được viết cho nhiều người cùng đọc.

Trào lưu blog

Từ khi tiếp xúc với các tiện ích hiện đại của trang web cung cấp blog khổng lồ Yahoo!, ngày nào Ni cũng phải kết nối Internet nhưng không để phí thời gian tán gẫu (chat), chơi game online hay vào các diễn đàn cãi nhau như lúc trước mà để... viết nhật ký. Những buồn vui riêng tư trong ngày đều được cô viết, chọn hình ảnh minh họa và trình bày cho bạn bè cùng đọc.

Tựa như một căn hộ trên mạng, các bạn trẻ sử dụng blog luôn cố gắng “làm đẹp” cho cuốn nhật ký trực tuyến của mình bằng cách chọn lựa màu sắc, sưu tầm và thêm vào những hình ảnh sinh động.

“Blog cũng nói lên phong cách của người viết”, theo cách nghĩ đó, Trang (ĐH KHXH&NV TP HCM) thay đổi hình ảnh trên blog của mình khá thường xuyên. Cô tâm sự: “Sống xa nhà, phòng trọ nay dời mai đổi, trang trí blog cũng là cách xây dựng không gian riêng cho mình. So với những trò chơi game online kéo dài hàng chục giờ, việc đọc, thay đổi màu sắc blog cũng tốn ít thời gian hơn rất nhiều”.

Song song với những câu chuyện kể về bản thân, trên các trang blog cá nhân của bạn trẻ Việt Nam hiện nay xuất hiện không ít những dòng nói lên cảm nhận về cuộc sống, về gia đình và cả những sự kiện vừa xảy ra. “Mình mệt mỏi với kiểu sống hai mặt rồi, đôi lúc cũng muốn bỏ bớt một cái mặt nạ ra để xem cuộc đời này, nếu chỉ nhìn dưới một góc độ nào đó trông nó sẽ như thế nào, nhưng dường như khi càng muốn cởi nó ra, nó lại càng dính chặt hơn...”, (trích blog của nick Petitcricket).

Như một cách sẻ chia

Điểm đặc biệt của blog là chức năng liên kết rất rộng. Từ blog của một người, người truy cập có thể kết nối với hàng trăm ngàn blog khác qua thanh công cụ Friends list. Ngẫu nhiên, blog trở thành nơi giao lưu, kết nối bạn bè khắp mọi nơi. Khác với chat, sự kết bạn qua blog có lựa chọn.

Huy (quận 2, TPHCM) rất tâm đắc với những hình họa trang trí trên gốm sứ. Một lần vào blog của nick Joker qua blog của một người bạn thân, Huy phát hiện một bộ sưu tập hình ảnh hoa văn gốm sứ được trình bày rất bắt mắt. Sau vài lần trao đổi, Huy đã có thêm một người bạn cùng sở thích.

Tuy nhiên, với những người mang nhật ký lên mạng, điều thú vị nhất vẫn là khả năng nhận xét, góp ý hay động viên nhau sau mỗi bài viết. Qua những trang viết, niềm vui, nỗi buồn của bạn bè đều được cảm thông.

Đến tận bây giờ, Như (ĐH Mở TPHCM) vẫn chưa quên những lời bạn bè động viên mình trên blog. Thi trượt Đại học Ngân hàng, Như trở nên bi quan, mặc cảm. Tuy nhiên, sau mỗi bài viết đẫm nước mắt thất vọng trên blog, Như nhận được hàng chục, có khi hàng trăm lời động viên của bạn bè thân quen lẫn chưa quen. Thậm chí, có cả lời an ủi của người chung cảnh ngộ. Những lời sẻ chia ấy đã phần nào giúp cô lấy lại cân bằng. Cô đăng ký học nguyện vọng 2 tại ĐH Mở và tiếp tục ôn luyện cho kỳ thi đại học sắp tới.

Trái với dự đoán blog sẽ khó phát triển tại Việt Nam do thói quen sống khép kín của người Việt, thế mà nó đang ngày càng phổ biến trong thanh niên Việt Nam. Bên cạnh chức năng giao lưu, kết bạn, việc nói lên những tâm tư, suy nghĩ và cảm xúc của mình qua những trang blog của những người trẻ còn thể hiện sự tự tin và mối quan tâm đến người khác. Một khi đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình, chắc chắn những dự định, những ước mơ của họ sẽ có thêm động lực.

Theo Người Lao Động