Nhà quản lý trẻ cần tư duy đột phá trong thời đại "đa cực"

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, thời đại "đa cực" vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho nhà quản lý trẻ học hỏi, chuyển hóa để thích nghi, thăng tiến và tạo dấu ấn sự nghiệp.

Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức Tọa đàm "Tư duy đột phá cho các nhà quản lý trẻ trong thế giới VUCA". 

Các diễn giả của tọa đàm gồm 3 doanh nhân thế hệ mới: ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp đồ thể thao hàng đầu trong nước và xuất khẩu; ông Vũ Minh Trà, doanh nhân thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử và bà Phạm Ngọc Mai Anh, doanh nhân nổi bật trong ngành công nghệ sáng tạo.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nhân đã chia sẻ câu chuyện vượt qua khủng hoảng, hướng tới thành công của bản thân. Trong đó, tập trung vào mô hình tư duy chiến lược hành vi, lấy tĩnh chế động và làm chủ công nghệ; đưa ra kỳ vọng đối với người trẻ làm quản lý trong chính doanh nghiệp của họ. Đây là kinh nghiệm thương trường quý báu cũng như nguồn cảm hứng đổi mới cho các sinh viên, học viên sắp trở thành quản lý trong lĩnh vực kinh doanh.

Nhà quản lý trẻ cần tư duy đột phá trong thời đại đa cực - 1
Các diễn giả tham dự tọa đàm - Ảnh: N.Liên

Trong phần giao lưu, một học viên gợi dẫn vấn đề nhiều người chuyển hướng từ kinh doanh offline (trực tiếp) sang online (trực tuyến), tuy nhiên sau một thời gian lại phải chuyển về hình thức offline. Học viên đặt câu hỏi tới doanh nhân Vũ Minh Trà về kinh nghiệm để thành công chuyển từ kinh doanh offline sang online.

Trả lời băn khoăn trên, ông Trà cho biết bản thân là người từng kinh doanh cả 2 hình thức và nhận thấy chúng bị vướng với nhau rất nhiều, rất khó để giải quyết mâu thuẫn giữa việc bán online và bán offline.

"Đối với tôi, tôi lựa chọn đã online thì dừng offline. Lý do bởi bán offline thì phân phối là đa kênh, bạn sẽ phải có chi phí cho đại lý, nhà cung cấp, cho phân phối. Khi bán offline, bạn có thể chỉ phải cạnh tranh với 5 cửa hàng bên cạnh, nhưng khi làm online sẽ phải cạnh tranh với hàng nghìn shop có thể mở được trên sàn thương mại điện tử. Do đó, bạn sẽ không linh hoạt được về chính sách, chiến lược giá cũng như chiến lược sản phẩm", ông Trà nói.

Doanh nhân này phân tích, thực tế có những người bán hàng online với tâm thế "thấy người khác bán nên cũng bán", nhưng họ bị mâu thuẫn với chính kênh offline của mình. Bên cạnh đó, khách hàng có thể loay hoay không hiểu giá online với giá offline khác nhau ra sao, sản phẩm khác nhau như thế nào. Hệ lụy là dù bán online tốt, doanh số kênh offline lại bị tụt, trong khi chi phí tổng vẫn như cũ. Cuối cùng, họ phải tắt kênh online, chỉ quay về hình thức offline.

"Có những người làm tốt cả 2 hình thức, nhưng theo tôi nhìn nhận, sẽ không có quá nhiều người thành công được như vậy", ông Trà chia sẻ.

Một học viên khác nêu quan điểm "chỉ những công ty có nguồn tài chính dồi dào mới giữ được người lao động trong thời kỳ dịch Covid-19" và đặt câu hỏi tới ông Phan Minh Chính: "Các công ty vốn nhỏ nên làm thế nào để giữ được người lao động trong khủng hoảng".

Chia sẻ suy nghĩ về vấn đề trên, doanh nhân Phan Minh Chính cho hay, một trong những giá trị lõi doanh nghiệp cần theo đuổi là sự bền vững. Bởi vậy, luôn cần cân bằng các chỉ số về tài chính, trong đó có chỉ số tiết kiệm.

"Từ kinh nghiệm cá nhân, vào lúc xã hội có rất nhiều cơ hội đầu tư, tôi vẫn duy trì làm thứ tôi giỏi là sản xuất năng suất cao, chất lượng tốt; kết hợp duy trì, nâng tầm khách hàng và tiết kiệm để tiếp tục phát triển, đề phòng tình huống khó khăn", ông Chính nói.

Ông nêu quan điểm, đối với những doanh nghiệp còn nhỏ, nguồn lực chưa đủ mạnh, khi gặp khó khăn như trên thì không còn cách nào khác là phải tái cấu trúc lại tổ chức, tùy vào năng lực tài chính và năng lực con người để đi đến quyết định cuối cùng.

"Lời khuyên của tôi là thời gian còn rất dài để chúng ta làm được nhiều việc. Bởi vậy, khi nguồn lực chỉ vừa phải, chúng ta cần lên một chiến lược dài hơi và hết sức bình tĩnh với thời cuộc. Trước mắt cần duy trì để doanh nghiệp của mình tồn tại, đi tiếp được, sau đó mới tính tiếp", doanh nhân Phan Minh Chính cho hay.

Được biết, từ VUCA trong tên tọa đàm là viết tắt của 4 điều kiện gồm biến động (Volatile), không chắc chắn (Uncertain), phức tạp (Complex) và mơ hồ (Ambiguous). Trong thế kỷ 21, thế giới bước vào kỷ nguyên VUCA - thời đại "đa cực" thỏa mãn 4 điều kiện trên. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những nhà quản lý trẻ học hỏi, chuyển hóa để thích nghi, thăng tiến và tạo dấu ấn cho sự nghiệp của mình.