Nghiện game teen thành tội phạm

(Dân trí) - Một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên hiện đang nghiện game online, kéo theo nhưng tác hại hết sức tiêu cực, từ bỏ học, trộm cắp đến cả giết người…

Mười năm tù cho tội giết người và cướp tài sản khiến không ít người tham dự phiên toàn ngày 15/04/2010 bức xúc. Tuy nhiên, mức án đó đã là lời răn đe đối với bị cáo Nguyễn Bích Huyền (15 tuổi, ngụ Tp. Biên Hòa, Đồng Nai), cũng như cảnh báo nhiều bạn trẻ còn tuổi teen khác đang nghiện game online và có những biểu hiện mất tính người. Được biết, năm 2009, bị cáo Huyền khi ấy mới 14 tuổi, đã biết lấy khăn quảng đỏ xiết cổ rồi dùng tay bịt miệng, mũi cho đến khi bé Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 2006) không còn cử động chỉ để cướp đôi bông tai bằng vàng để chơi game qua đêm.

Trước đó, cuối năm 2007, bị áo Bùi Long Trường Vũ (16 tuổi, quận Gò Vấp) rơi những giọt nước mắt ân hận khi TAND TPHCM tuyên phạt 6 năm tù về tội giết người do… tranh giành “báu vật” khi chơi game online. Vũ đã nhặt một khúc gỗ và đập hai cái vào đầu khiến nạn nhân bị chấn thương sọ não (tỷ lệ thương tật 38% vĩnh viễn).
 
Nghiện game teen thành tội phạm  - 1

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Không những chỉ ở những thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… mà game online hiện đang xuất hiện ở tất cả các tỉnh thành với những hậu quả đáng tiếc. Cuối năm 2007, do thiếu tiền chơi game, Đinh Thế Dân, 13 tuổi (học sinh Trường THCS Trực Phú, tỉnh Nam Định), đã dùng dây điện siết cổ bà ngoại cho đến chết để lấy 140.000 đồng.

Bản thân game online không có hại, nó giúp con người có những phút giây thư giãn sau những ngày học tập và lao động mệt nhọc. Tuy nhiên, một số bạn trẻ đã đẩy game online đi một cách quá đà và xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Nhìn nhận vai trò quản lý của mình trong việc hạn chế sự tha hóa trong lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, HSSV cũng như việc HSSV nghiện game online, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại phía Nam, cho rằng: “Vấn đề cốt lõi nhất để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của game online không phải chỉ là cấm đoán mà phải tạo ra sức tự đề kháng cho thanh thiếu niên, HSSV”.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh công tác đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, thân thiện; lồng ghép việc giáo dục đạo đức, lối sống trong tất cả các hoạt động của nhà trường; đặc biệt là xây dựng tổ tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục để giải tỏa ức chế của HSSV…

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp của Bộ GD-ĐT thì việc gia đình và xã hội cũng phải có trách nhiệm trong việc giải quyết vấn nạn này.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, "cố vấn của Google", thì: “Thực tế đáng buồn là thanh thiếu niên Việt Nam đang lạm dụng internet chỉ để… chơi game, trong khi họ là những người trẻ, năng động và đầy hoài bão. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam chúng ta phải có những hành động cụ thể để giúp đỡ họ, tạo điều kiện để cho họ học tập, định hướng tương lai hay khởi nghiệp kinh doanh”.

Mới đây, dưới sức ép mạnh mẽ của dư luận cũng như tác hại của game online, Bộ Thông tin Truyền thông vừa yêu cầu từ 1/9, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ngắt đường truyền đối với các đại lý từ 23 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

Song, điều mà dư luận quan tâm và chờ đợi từ các cơ quan chức năng là những giải pháp định hướng lâu dài hơn...
 
Duy Anh