“Nam tiến” lập nghiệp

(Dân trí) - Không phải là các ngôi sao ca nhạc, thời trang, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng đang có xu hướng “Nam tiến” để lập nghiệp. Có nhiều người thành công ở mảnh đất hứa này, nhưng cũng không ít bạn trẻ phải gói ghém đồ đạc trở về quê trong nước mắt và nỗi chua cay.

Tốt nghiệp Trung cấp cơ điện, không xin được việc đúng chuyên ngành, Vũ Đình Ba đành vào làm việc trái nghề cho một công ty lớn ở khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Sau một năm làm việc, ban lãnh đạo công ty luân chuyển một số cán bộ, công nhân vào nhà máy sản xuất ở Bình Dương làm việc. Dù chưa biết ở mảnh đất mới có những gì nhưng Ba vẫn xung phong đi. Đơn giản cậu nghĩ rằng, hẳn điều kiện làm việc, sinh sống trong kia sẽ tốt hơn nhiều.

 

Và quả đúng như thế, đối với những người miền Bắc được công ty cử vào Nam thường được ưu ái hơn nhiều. Không cần lo nhà cửa, ăn uống, không phải chật vật từng đồng như ở Hà Nội, Ba cảm thấy cuộc sống mình thoải mái và dễ chịu hơn nhiều. Hơn một năm ở Bình Dương, giờ đây cậu đã dám khẳng định với bạn bè rằng: “Mình sẽ ở lại nơi này”.

 

Cũng như Ba, Mạnh Tân, sau khi tốt nghiệp khoa QTKD, ĐH Thương mại Hà Nội, đường đường là một trai Hà Nội, thông minh, nhanh nhẹn, nhưng chỉ một thời gian ngắn làm việc ở đất Bắc, cậu cũng đã đi theo tiếng gọi của Sài thành. Tân nói: “Đó là nơi có thể làm ăn được, là nơi mình có thể phát triển. Người trong Nam tính tình dễ hơn ngoài này, quan trọng là năng lực, chứ không phải bằng cấp”.

 

Làm việc hơn một năm cho chi nhánh công ty thép ở TPHCM, Tân thực sự đã thu lượm được rất nhiều. Tuy nhiên, gia đình, người yêu đều ở đất Bắc nên chỉ một năm cậu đã phải rời xa Sài Gòn với bao niềm hối tiếc. Nhưng với những kinh nghiệm thu được trong một năm, cậu đã có hẳn một CV (Hồ sơ xin việc) khá đẹp nên cũng không khó gì để xin làm việc ở những công ty có tiếng ở Hà Nội. Gặp bạn bè, cậu vẫn thường nhắc: “Nói gì thì nói, muốn làm giàu thực sự thì nên đi vào Nam”.

 

Như Ba hay Tân thì họ có một điều kiện thuận lợi mà ít người có được ấy là công ty đã lo cho chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng và không phải lo lắng bất cứ điều gì. Còn vẫn không ít bạn trẻ không những không có nền tảng gì mà hiểu biết về cuộc sống miền Nam cũng quá ít nên đã rơi vào những trường hợp đầy xót xa.

 

Thanh Thủy, Nguyễn Hiền (Nho Quan, Ninh Bình) thi trượt ĐH, CĐ. Không như những bạn khác, dùi mài thêm một năm để năm tới thi tiếp hoặc theo học các trường dạy nghề, hai bạn quyết định xin gia đình khăn gói vào Nam xin việc.

 

Một vài tháng liêu xiêu trên đất Sài Gòn lạ nước lạ cái, nhà cửa khó khăn chưa nói gì đến làm việc. Tìm được vài người quen nhờ vả thì họ cũng chỉ lắc đầu: “Đừng nghe dân quê mình nói, họ cứ tưởng đi xa sung sướng lắm. Ai biết được rằng vào đây phải cực lắm mới đủ sống lại còn gom góp gửi về quê nữa”.

 

Thủy và Hiền chỉ biết nhìn nhau nhưng cả hai đều không dám quay trở về. Trở về thì “mất mặt” lắm. Khi đi quyết tâm làm ăn là thế, giờ về không có gì trong tay thì cũng “nhục lắm”.

 

Một vài tháng, Thủy xin được vào làm công nhân may, Hiền thì nhắm mắt làm bồi bàn cho một quán ăn. Lương tháng 700, cực chẳng đã, Hiền đã buông xuôi, để rồi cô ngã vào vòng tay một kẻ Sở Khanh thường lui đến quán. Ngày cô báo tin cô có thai thì tên họ Sở cũng cao chạy xa bay. Hiền, Thủy chỉ biết ôm nhau mà khóc. Hiền phá thai và hai cô bé 18 tuổi trở về quê trong nỗi tủi hổ vô bờ. Thủy nói: “Giờ chúng em sẽ quyết tâm ôn thi. Chỉ có học bọn em mới khôn lên được”.

 

Về các vùng quê ở miền Bắc và miền Trung hiện nay, có thể thấy một tình hình chung hiện nay là: Không đỗ đạt thì chỉ có con đường, một là vào Nam làm ăn, hai là đi xuất khẩu lao động, ba là ở nhà làm ruộng. Với giấc mộng đổi đời, hầu hết các bạn trẻ đã chọn con đường thoát khỏi cổng làng. Nhưng thiếu tri thức, thiếu bản lĩnh, không ít người đã quay quắt nơi quê người rồi trượt dài vào những cạm bẫy.

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, hàng trăm nghìn học sinh đã trượt. Trong số đó, hẳn không ít các em lại chạy theo “tiếng gọi của miền Nam” mà chưa hề ý thức được công việc trong đó thế nào, sinh sống ra sao?... Có bao nhiêu người lại như Thủy, như Hiền?...

 

TPHCM và các tỉnh lân cận phía Nam luôn được đánh giá là cao về môi trường năng động, nhiều cơ hội. Nhưng “miền đất hứa” này cũng chất chứa nhiều thử thách đòi hỏi bạn trẻ phải đủ tri thức và bản lĩnh để vượt qua.

 

H.P