Muôn màu đời sống sinh viên ngày cuối năm

(Dân trí) - Nửa đêm. Chuông điện thoại reo. Alô, cậu còn tiền cho tớ mượn 200 ngàn mua vé xe về tết được không? Một lát sau. Chuông điện thoại lại reo. Alô, anh ơi em mất xe đạp rồi… Đó là những cú điện thoại của các bạn sinh viên những ngày cuối năm.

 
 
 
Muôn màu đời sống sinh viên ngày cuối năm - 1

Bạn Nguyễn Thị Mỹ Lệ bần thần vì chiếc xe đạp mới mất


 
Nhiều người một cảnh

 

Năm hết tết đến, không khí tết rộn ràng khắp phố phường cũng là lúc các cô cậu sinh viên lao đao với mọi khoản chi tiêu. Bạn Trần Cẩn - sinh viên năm 2, khoa Ngữ Văn - Trường ĐH Dân lập Phú Xuân, thở dài: “Cuối năm rồi, nào tiền phòng, quà tết, vé xe… đến ngót nghét tiền triệu. Biết xoay sở thế nào đây”.

 

Cùng cảnh với Cẩn, bạn Trần Thị Bích, sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế cũng không giấu nổi nỗi buồn. “Tuy mình là sinh viên nhưng tết đến cũng muốn mua ít bánh kẹo về làm quà cho gia đình ngoài quê. Nhưng cứ cái đà này thì tiền vé xe cũng chưa có mà mua nữa là…”. Gần một tháng nay Bích tự tìm giải pháp bằng cách ăn mì gói trừ bữa. “Biết là cực nhưng về quê có chút quà chút bánh vẫn vui hơn”, Bích giải thích.

 

Hết tiền, nhiều sinh viên phải đi vay mượn bạn bè, người thân nhưng… cuối năm ai cũng cần tiền cả. “Bây giờ điện cho bố mẹ ở nhà gửi tiền vào thì lại khổ gia đình. Bố mẹ cũng đang phải lo biết bao nhiêu thứ”, một bạn thở dài. Nhiều bạn sinh viên khốn đốn vì tiền mua vé xe đã trót tiêu vào việc khác, mà không về quê thì cũng phải lo tiền ăn, tiền tiêu trong mấy ngày tết. Ra đường, nhìn cảnh phố phường nhộn nhịp, ai cũng muốn mua sắm chút quà hay một vài bộ quần áo về tết cho thêm vui nhưng cũng không biết xoay sở bằng cách nào. Để có tiền trang trải, nhiều bạn đành mang xe đạp, đồng hồ, máy vi tính đi bán với giá rẻ hoặc “gửi” ở các tiệm cầm đồ.
 
Muôn màu đời sống sinh viên ngày cuối năm - 2

Những dãy phòng trọ như thế này luôn là điểm nhòm ngó của kẻ trộm

 

Coi chừng mất cắp!

 

Mấy ngày nay bạn Nguyễn Thị Mỹ Lệ - lớp K5, khoa Ngữ văn - Trường ĐH Dân lập Phú Xuân bần thần cả người. Số là cách đây hai ngày, Lệ bị mất cắp chiếc xe đạp mini Nhật mới mua hồi đầu năm học. “Mình cũng đâu có giàu có gì, đi làm thêm cả tháng trời, rồi điện về xin thêm tiền ba mẹ mới đủ mua chiếc xe đi học. Vậy mà…”, Lệ kể lại, giọng buồn buồn.

 

Không những xe đạp mà những chiếc điện thoại di động cũng là những “mặt hàng” được kẻ trộm “nhòm ngó”. Sau một buổi ngủ trưa quên không khóa cửa phòng, khi ngủ dậy, bạn Nguyễn Thị Thanh Thư - Sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Y Huế - tá hỏa vì chiếc điện thoại Motorola mới mua với gần 500 ngàn đồng trong tài khoản đã “không cánh mà bay”. “Biết có đợt Viettel khuyến mãi, mình dồn cả số tiền tiết kiệm từ đầu năm học đến giờ để nạp thẻ về tết lấy cái liên lạc… Bây giờ biết xoay đâu ra tiền mua điện thoại đây!” - Thanh Thư nói như than.

 

Còn bạn Hồ Sỹ Liên, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Sư Phạm Huế cũng mới mượn tiền các bạn trong lớp để mua chiếc điện thoại Nokia lấy phương tiện liên lạc, thế nhưng chưa đầy một tuần lễ, chiếc điện thoại đã “chia tay” Liên để về với chủ mới. Liên tâm sự: “Nhà mình nghèo, cả 4 năm học mình đâu có dám dùng điện thoại. Năm nay phải đi thực tập nên mình mới vay mượn bạn bè mua chiếc điện thoại để ra tết liên lạc với bạn bè trong lớp và các thầy cô”.

 

Theo nhiều bạn sinh viên, đối tượng trộm cắp trong dịp này chủ yếu là các bạn sinh viên trong cùng xóm trọ cần tiền nên “làm liều”. Mặc dù biết các bạn cũng cùng cảnh với mình nhưng vẫn “chôm”. Bạn Trần Thị Huệ, thuê trọ trên đường Duy Tân, cho biết: Từ trước đến nay xóm trọ của Huệ chưa khi nào xảy ra tình trạng mất cắp. Vậy mà chỉ tính riêng trong dịp gần tết này, trong xóm đã mất một xe đạp, hai điện thoại di động, một CPU máy vi tính… “Có người mới hôm trước phải đi mượn tiền của các bạn trong xóm trọ, hôm sau đã thấy có tiền đi shop sắm đồ. Số tiền đó ở đâu ra?”, Huệ bức xúc.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Đông