Một người thầy rất… sinh viên

(Dân trí) - Thế là rất nhiều sinh viên đã mất đi một người thầy, một người bạn lớn. Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Trần Hòa Bình đã ra đi, để lại bao nỗi nhớ thương và sự tiếc nuối.

Người cưu mang những sinh viên “cá biệt”

Trần Hòa Bình là giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Nhưng sinh viên đều coi anh là một người anh, một người bạn lớn. Dù đã trở về với cát bụi nhưng nhưng câu chuyện về tấm lòng bao dung, rộng lượng của anh sẽ vẫn được các thế sinh viên kể mãi cho nhau.

Có lẽ cái mà anh giàu nhất là tấm lòng: anh đã từng cưu mang rất nhiều những sinh viên “cá biệt” hay những sinh viên sa cơ lỡ vận. Phải chăng nhờ vậy mà tất cả họ giờ đây đều đã trưởng thành, có công việc ổn định. Điều quan trọng nhất là họ đều trở thành những người tử tế, không ít trong số họ nay là những nhà báo nổi tiếng.

Chuyện sinh viên được Trần Hòa Bình cưu mang, cứu giúp thì nhiều lắm, có lẽ chính anh cũng không thể nhớ nổi có bao nhiêu cô cậu học trò đã chịu “cái ơn”của mình. Nhưng không bao giờ anh coi đó là làm ơn, là sự giúp đỡ, mà đơn giản chỉ là những việc mình nên làm, vì lòng trắc ẩn của một người thầy. Bởi anh quan niệm rằng, thiếu đi lòng trắc ẩn thì chỉ là một nửa của ông thầy. Những người đã được Trần Hòa Bình giúp đỡ chắc chắn không bao giờ quên được cái cảm giác được người thầy của mình che chở, đùm bọc như một người anh trong gia đình.

Tôi được Trần Hòa Bình kể lại câu chuyện mà anh rất nhớ, từ khi anh đang giảng dạy môn Văn ở trường Đại học Sư phạm 2. Một tối anh thấy hai cậu sinh viên đang được mình cho “tá túc” có biểu hiện rất lạ: trang trọng pha trà lại còn bóc thuốc thơm mời thầy... Đó là hai cậu sinh viên thi "vượt rào" không qua. Các cậu không dám "vác mặt" về nhà, được anh cưu mang, cho ăn ở trong nhà.

 
Một người thầy rất… sinh viên - 1

Uống xong mấy tuần nước, ấp úng mãi hai cậu mới vừa khóc vừa nói: "Thầy ơi hôm qua chúng em đi cướp!" "Sao các cậu lại đốn mạt như thế?" - Trần Hoà Bình sững người. "Chúng em biết thầy thương chúng em. Hôm qua dù thầy giấu nhưng chúng em vẫn biết nhà đã hết gạo, tiền thì thầy đã phải vay mượn cả rồi. Chúng em thấy mình vô tích sự quá, làm khổ cả thầy nên hai thằng đã vác gậy ra cầu định trấn lột... Hai cậu lại ôm mặt sụt sịt... Đã định bụng gặp người đi qua cầu đầu tiên là sẽ ra tay... Nhưng 1...2...3 người đi qua mà chúng em không thể làm được việc đó. Thầy đối với chúng em như thế thì dù có phải chết đói chúng em cũng không thể nào trở thành thằng đốn mạt được".

Có cả những sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, không dám về nhà, anh cho tá túc trong nhà mấy tháng trời cho đến khi tìm được việc. Rồi cả câu chuyện về một cô nữ sinh túng quá định sẽ bán thân nuôi miệng được anh cứu giúp. Sau này, cô học hành thành đạt, có công việc ổn định và không bao giờ quên ơn anh.

Một người thầy rất… sinh viên
 
Có lẽ bao thế hệ sinh viên được Trần Hòa Bình dạy dỗ không ai biết được tuổi của anh cho đến khi đọc… cáo phó. Có thể anh sợ mọi người nhắc đến tuổi của mình, vì tâm hồn anh luôn trẻ trung, trái tim luôn rực cháy ngọn lửa tình yêu.
 
Một người thầy rất… sinh viên - 2

Học trò quý anh vì cái tính nghệ sỹ phóng khoáng rất… sinh viên của anh. Ngày nào cũng quần bò, áo phông trông rất “bụi”. Có người bạn của anh nói vui rằng, nếu bắt Trần Hoà Bình mặc quần vải, áo sơ mi thì không khác gì tra tấn anh!

Trong cuộc sống riêng, dù nhiều nỗi đoạn trường nhưng Trần Hòa Bình vẫn giành được nhiều tình yêu từ bạn đọc, những người phụ nữ và nhiều lứa sinh viên tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Hà Nội). Có một nhà báo đã dùng câu hát của Trịnh Công Sơn để nói về anh như thế này: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”. Nhưng đặc biệt, anh luôn thật lòng với những người tình của mình. Có những mối tình khi chia tay chỉ một mình anh đau khổ…

Trong cuộc đời sáng tác của mình, Trần Hoà Bình viết không nhiều, nhưng như anh từng thổ lộ: “Mỗi năm chỉ cần viết một bài thơ thôi, nhưng viết phải ra viết, thơ phải ra thơ”. Và bài thơ cuối cùng “ra thơ” ấy là bài “Chợ tình Khâu Vai”. Đây là bài thơ anh đã ấp ủ bao năm, viết đi viết lại bao lần mới thành công, mà thành công ngoài sức tưởng tượng. Anh tâm đắc với bài này đến nỗi tưởng rằng đó là bài thơ tuyệt mệnh của mình -“Những mối tình khôn ngoan/ Những mối tình vụng dại/ Đều đã sống và chết ở đây/ Không khôn ngoan, không vụng dại…”.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng, những ai đã biết đến Trần Hoà Bình đều thuộc lòng bài thơ tình nhẹ nhàng mà sâu lắng “Thêm một”: “Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu/ Thêm một tiếng chim gù/ Thành ban mai tinh khiết…”

“Thêm một chiếc lá rụng” về cõi vĩnh hằng, dù chiếc lá ấy hãy còn xanh và còn tràn đầy sức sáng tạo.

Trần Hoà Bình sinh ngày 3 tháng 2 năm 1955 tại thị xã Sơn Tây. Từ thời học phổ thông, Trần Hoà Bình đã bộc lộ năng khiếu văn học của mình.

 

Trong kỳ thi đại học năm 1973, bài văn của anh đã được hội đồng chấm thi nhất trí cho vượt ngưỡng (10,5) vì những suy nghĩ "vừa hồn nhiên, vừa chân thực, vừa sâu sắc". Một sự kiện hiếm có trong các kỳ thi tuyển sinh vốn rất chặt chẽ.

 

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội I, năm 1979, Trần Hoà Bình trở thành giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Sau đó anh về dạy tại khoa Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền - Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

 

Trần Hoà Bình đã viết và cho công bố gần 2.000 bài báo (tập hợp in hơn 10 đầu sách) nhưng đến lúc chia xa cõi thế, anh vẫn chưa in được cho mình một tuyển tập riêng.

 
                                                                                                 Phạm Nguyễn