Mốt độc thân của giới trẻ châu Á

Trong hơn một thập niên trở lại đây, ngày càng có nhiều thanh niên châu Á chọn cách sống độc thân. Mỗi người có những lý do riêng khi quyết định như vậy, song sự lựa chọn này đang làm chính phủ các nước phải đau đầu.

Tại sao phải lấy chồng khi tôi đã có đủ các thứ? Đây là triết lý của các cô gái Singapore có công việc với mức thu nhập cao hay còn gọi là những cô gái 4C (4 chữ C là chữ cái đầu của các từ car, credit, cundominum, club).

Sự nghiệp thành đạt, vật chất đầy đủ, tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ yêu thích, họ không có nhu cầu lập gia đình. Lim Bee Yong, 31 tuổi cô sinh viên người Sing đang theo học tiếng Việt tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, cho biết ở Singapore, có hai loại người không lập gia đình. Một, là những người không cần có gia đình như các cô gái nói trên và một, muốn có gia đình nhưng không kịp nữa vì những năm tháng tuổi trẻ họ đã dành hết cho học hành, công việc, sự nghiệp.

Không chỉ Singapore, Nhật cũng là một quốc gia châu Á có số thanh niên độc thân ở độ tuổi 20-40 tăng vọt trong hai thập kỷ qua. Theo thống kê của một tờ báo ở Nhật thì có 25% nam và 16% nữ thanh niên ở độ tuổi 30 quyết định sống độc thân và không sinh con. Một trong những lý do là lịch học tập và cường độ làm việc quá căng thẳng khiến thanh niên Nhật không còn có thời gian để hẹn hò. Tuy nhiên, theo chị Yamamoto Ryoko, có chồng là người Việt Nam, thì lý do chính lại là thanh niên Nhật đang ngày càng trở nên ích kỷ, họ thích tự do, hưởng thụ chứ không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.

Thay vì “dại gì lấy chồng cho khổ theo cách nói của Yamamoto, họ đi du lịch khắp nơi, mua sắm đủ thứ và sống với những gì mình thích. Ngoài những lý do nêu trên, theo một nhà tâm lý học người Nhật, sự bùng nổ của Internet cũng góp phần không nhỏ vào sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn trong giới trẻ bởi các trò chơi trên máy tính đang hấp dẫn nam thanh niên hơn là quan hệ với bạn gái.

Ở Hàn Quốc, tình hình cũng không có gì khả quan hơn. Lee Kyung Bum, chàng trai Seoul 21 tuổi, mới sang Việt Nam được 2 tuần, cho biết 50% thanh niên Hàn Quốc chọn cuộc sống độc thân. Theo Bum, có rất nhiều nam thanh niên Hàn Quốc không muốn lấy vợ vì sợ cuộc sống gia đình ảnh hưởng đến thăng tiến trong sự nghiệp. Cũng theo anh chàng này, có một số khác không cưới vì không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình tương lai.

Bô lão ra tay, công ty môi giới hốt bạc

“Ông Tadashi Saito, 59 tuổi, tưởng tượng ra cảnh con trai mình rời sở làm trở về nhà sau một ngày dài mệt nhọc. Căn hộ dành cho người độc thân lạnh lẽo, tối om, trên bàn không một đĩa thức ăn nóng sốt nào. Ông quyết định vào cuộc. Saito đã đi trước một bước: Tham gia vào hội các bậc cha mẹ có con độc thân - một loại hình đang nở rộ ở Nhật Bản.

Đây là một đoạn trong bài báo Nhật Bản “Giới trẻ không chịu cưới, các bô lão ra tay” của hãng tin AP: “Trước trào lưu sống độc thân của thanh niên Nhật vì không có thời gian để tìm hiểu “đối tác”, rất nhiều vị phụ huynh như ông Saito đã bí mật tìm đến các văn phòng mai mối để tìm bạn đời cho con. Điều này chỉ khiến các văn phòng hay các hãng môi giới hôn nhân sung sướng vì càng nhiều bậc phụ huynh lo lắng, họ càng có cơ hội hốt bạc”. Cũng theo bài báo này, chi phí cho các hãng môi giới hôn nhân thông thường ở Nhật không hề rẻ: 3.460 USD.

Chính phủ kêu gọi 5C

Xu hướng sống độc thân của thanh niên đang làm đau đầu giới lãnh đạo các nước châu Á, vì sinh suất giảm đã gây ra thiếu hụt lao động và mất cân bằng về dân số (số lượng người già ngày càng tăng trong khi số lượng người đi làm đóng thuế ngày càng giảm). Chính vì vậy, tại các nước như Singapore, Nhật, chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích sinh đẻ với những khẩu hiệu như: “Sinh con là yêu nước”.

Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, đã kêu gọi giới trẻ nước này rằng không chỉ có 4 chữ C, các bạn cần phải đạt được 5 chữ C (chữ C thứ năm là children, nghĩa là có con) và đích thân ông còn vận động thanh niên kết bạn qua dịch vụ mai mối vì nhiều thanh niên Singapore cứ mải miết làm việc, không có thời gian để hẹn hò.

Không chỉ khuyến khích bằng những khẩu hiệu suông, nhiều nước còn có cả những chương trình hành động thiết thực nhằm làm xoay chuyển tình hình. Ở Singapore, mỗi cặp vợ chồng sinh con sẽ được trợ cấp 20.000 đôla Singapore. Còn ở Nhật, theo Yamamoto, có nhiều địa phương đã thực hiện chế độ trợ cấp cho những cặp vợ chồng nào sinh con, mỗi cặp 10.000 yen.

Nhiều công ty Nhật còn cho các nhân viên nam nghỉ trong thời gian vợ sinh con. Có những công ty còn cho nhân viên (cả nam lẫn nữ) nghỉ chăm con mà vẫn được hưởng 80% lương. Mặc dù vậy, tỷ lệ kết hôn tại các nước này vẫn không tăng theo như mong đợi của chính phủ.

Dường như thanh niên châu Á hiện đang quan tâm đến những vấn đề của thế hệ mình hơn là gìn giữ nòi giống cho thế hệ sau.

Theo Kiến Thức Ngày Nay