Mối nguy hại khó lường khi tạo ảnh chân dung "xinh lung linh" từ AI

Việt Trinh

(Dân trí) - Cho ra những hình ảnh "không tỳ vết" với mức giá hợp lý, ứng dụng tạo ảnh AI (trí tuệ nhân tạo) đang trở thành trào lưu tại Trung Quốc.

Miaoya Camera là ứng dụng có sẵn trên nền tảng nhắn tin WeChat, cho phép người dùng đăng hình của mình, từ đó nhận về bộ sưu tập các bức ảnh chân dung có nhiều góc chụp, ánh sáng, biểu cảm khuôn mặt khác nhau được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.

Mối nguy hại khó lường khi tạo ảnh chân dung xinh lung linh từ AI - 1

Ứng dụng Miaoya Camera có thể tạo ra hình chân dung của khách hàng từ 20 bức ảnh mà người dùng cung cấp (Ảnh: Weibo).

Theo Sixth Tone, để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần bỏ ra 9,9 nhân dân tệ (khoảng 33.000 đồng) và chờ 5-10 tiếng là có thể sở hữu những bức ảnh với đa dạng chủ đề. Mặc dù được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, loạt hình này có tính ứng dụng khá cao.

"Người khác vẫn có thể nhận ra tôi trong tấm hình, chúng chỉ trông chau chuốt và chỉn chu hơn. Tôi và những người bạn của mình thường dùng ảnh của Miaoya Camera để làm ảnh hồ sơ khi đi xin việc", người dùng họ Lưu đến từ Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ.

Mặc dù "làm mưa làm gió" và thu hút hàng nghìn người dùng ngay khi mới ra mắt, Miaoya Camera khiến một số người hoài nghi về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư.

Theo thỏa thuận sử dụng của ứng dụng, khi đăng ký, người dùng sẽ "cho phép công ty sử dụng nội dung dưới bất kỳ hình thức, phương tiện truyền thông hoặc công nghệ (trong hiện tại và tương lai) nào".

Tuy nhiên, sau khi nhiều người lên tiếng về mối quan ngại bảo mật, nhà phát triển ứng dụng đã sửa đổi thỏa thuận, cam kết các bức ảnh người dùng cung cấp sẽ chỉ được sử dụng để tạo hình chân dung mà không nhằm bất kỳ mục đích nào khác.

Mối nguy hại khó lường khi tạo ảnh chân dung xinh lung linh từ AI - 2

Mặc dù sản xuất ra những bức ảnh "không tỳ vết", ứng dụng này lại dấy lên nỗi lo về bảo mật (Ảnh: Xiaohongshu).

Song Yuhao - nhà nghiên cứu bảo mật độc lập - cho rằng, sự rò rỉ dữ liệu do tấn công từ bên ngoài hoặc nội bộ có thể gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng.

"Ảnh và thông tin của người dùng có thể bị bán trên thị trường chợ đen, dẫn đến nguy cơ lừa đảo có chủ đích hoặc các hoạt động tội phạm khác", ông chia sẻ với The Paper.

Sự phổ biến của những nội dung do AI tạo ra, đặc biệt là các công nghệ deepfake (phương tiện thay thế chân dung của người này bằng chân dung của người khác), đã làm dấy lên mối quan ngại đáng kể về quyền riêng tư cá nhân và bảo vệ dữ liệu ở đất nước tỷ dân.

Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng này, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để tăng cường khung pháp lý quản lý của mình trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu của người dùng về việc xóa dữ liệu và những mục đích sử dụng dữ liệu cá nhân của họ.