“Mẹ ơi, con ngại Tết!”

Con gái bé bỏng vừa được kết quả thi học kỳ I cực tốt, tôi cười cười bảo: “Tết đến mẹ mua quần áo mới và dẫn đi chơi để thưởng nhé!”. Con ngây thơ bảo: “Sao phải chờ đến Tết ạ, Tết có gì đặc biệt đâu mẹ”.

Với con, Tết chỉ là kỳ nghỉ cuối tuần dài chút xíu, được nghỉ học, được chơi game thỏa thích, được ba mẹ dẫn đi khắp nơi để chúc Tết nhận lì xì. “Nhưng mà đi ít ít thôi chứ đi nhiều con sẽ mỏi chân, với lại gặp toàn người lớn không à, con ngại lắm!”.
 
 
Nghe lời trẻ con thủ thỉ, thấy lòng chênh chao nghĩ về những ngày tuổi nhỏ. Tết luôn mang cái không khí gợi nhớ những thứ ký ức đẹp đẽ xa vời đem về. Tết là những ngày rất nắng, những ngày rất ấm. Nắng rực vàng để hong khô những nong củ kiệu, dưa hành,.. Nắng lung linh trên những vỉa hè kín đầy những mai vàng, hướng dương, vạn thọ. Mỗi dạo mẹ chở đi học về ngang qua chợ, thấy ngập màu xanh mát của lá dong, lá chuối, của những quả dưa hấu tròn lẳn như đàn lợn con, rực rỡ màu trắng, hồng, vàng, xanh của những nong mứt dừa, mứt bí, là đã háo hức hỏi mẹ “Mẹ ơi, sắp Tết rồi à?”.
 
Nhớ những cái Tết của những ngày thơ bé với rất nhiều ước ao, những điều nhỏ nhặt níu giữ thứ cảm giác bình an, ấm áp và quấn quít của gia đình. Không khí những ngày giáp Tết bận rộn nhưng nô nức, ai cũng như quên hết mệt mỏi. Thích làm chân lon ton sai vặt của cả nhà, phụ mẹ làm cơm cúng ông Táo một chút, phụ ba lau dọn nhà cửa một chút, rồi hí hửng khi được ông bà xoa đầu khen ngoan. Nhớ mùi lá cây ngai ngái mỗi lúc phụ ông lặt lá mai, mùi kiệu hăng hăng, mùi mứt ngào ngọt lịm. Nhớ đến cả mùi nhang trầm thơm ngát tối 30, hồi bé con, tôi cứ hít hà gọi đây là mùi của Tết. Và rồi sáng Mùng Một thức dậy thấy mai vàng xòe cánh cạnh những chồi non xanh mướt, mỏng mảnh nhưng cứng cáp. Mùi của Tết, vị của Xuân luôn ấm dịu lạ lùng, thế là thành nhớ thương.

“Mẹ ơi, con ngại Tết!” - 1

Trẻ con bây giờ ngập trong những dư vị đủ đầy của cuộc sống, của bố mẹ ông bà chăm lo cho, nên chẳng còn mấy háo hức với Tết. Những muốn nói với cô cháu những gì mình cảm, mình nghĩ, nhưng rồi lại thấy bất lực, vì làm sao con hiểu được những nô nức trong lòng khi con chưa từng trải qua?
 
Hồng Ân