Mặt sau “làm người yêu thuê”

“Các bạn gái đi làm người yêu thuê, rất có thể sau một thời gian thì các bạn sẽ bị chai sạn, bị công thức hóa khi yêu thật, khiến các bạn rất khó rung động…”, TS.Trịnh Hòa Bình nói.

Gần đây báo chí Việt Nam đề cập nhiều đến các dịch vụ cho thuê người yêu, cho thuê chồng, ... Thừa nhận sự phát triển “khôn cưỡng” của các dịch vụ tế nhị này, tuy nhiên, TS.Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, đây là một “cuộc chơi” mà các bên tham gia có thể không lường hết được những hệ lụy của nó.
 
Mặt sau “làm người yêu thuê” - 1

TS.Trịnh Hòa Bình

 

TS. Trịnh Hòa Bình: Bước đầu có thể thấy, việc thuê một cô người yêu hay một ông chồng có tính chất biểu diễn, để làm điểm tựa trong những thời điểm nào đó của đời sống gia đình là một phương cách nhằm thỏa mãn nhu cầu phong phú, đa dạng của con người trong xã hội hiện đại. Tôi cho rằng, xu hướng này sẽ dần dần được khẳng định, dù chưa biết có thể thành công đến đâu. Còn nó có đáng bị phê phán hay không thì lại phải xem xét tùy từng trường hợp và tùy góc nhìn.

 

Xét dưới góc độ kinh tế, chúng ta chỉ thấy được sự năng động, nhạy bén của những người giỏi kiếm tiền trong nền kinh tế thị trường. Điều này không xấu. Tuy nhiên, nếu mọi thứ đều đem ra mua bán thì sẽ không còn chỗ cho tình người. Đó là xu hướng tiêu dùng về tình cảm, như có lần tôi từng đề cập. “Lập trình” cả những vấn đề thiêng liêng như tình yêu đôi lứa, cơ học hóa, vật chất hóa tình cảm thành những món hàng nhằm thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào nảy sinh trong đời sống, phần nào thể hiện một sự xuống cấp về mặt đạo lý, nhân văn.

 

Nhưng thưa ông, xã hội có vẻ hoàn toàn chấp nhận loại hình dịch vụ này vì sự cần thiết của nó đấy chứ?

 

Câu hỏi này chưa dễ trả lời ngay tắp lự bởi nó liên quan đến hệ giá trị. Hệ giá trị trong xã hội chúng ta đang có sự vận động, chuyển đổi, thậm chí, có nơi, có lúc nó còn bị đảo lộn.

 

Ở những nước phương Tây còn có những dịch vụ kỳ quái hơn rất nhiều. Phải chăng, đạo đức của họ cũng bị “xuống cấp”?

 

Chúng ta đang xét trong bối cảnh hệ giá trị của chúng ta, bao gồm đời sống tinh thần, tình cảm, ứng xử... của người phương Đông với ảnh hưởng tương đối sâu sắc từ Nho giáo. Có lẽ chữ “xuống cấp” nên được hiểu theo nghĩa là tôn trọng một số “vùng cấm” mang tính truyền thống mà con người Việt Nam vốn rất mẫn cảm trong việc bảo vệ. Còn với những xã hội tạm coi là văn minh hơn chúng ta về mặt phát triển vật chất thì ngày nay, họ dễ chấp nhận sự rành mạch đến lạnh lùng, chẳng hạn như việc luật hóa nhiều vấn đề “nhạy cảm” như khi hai người lấy nhau thì phải ký hợp đồng hôn nhân, kết ước sẵn về cách xử lý nhiều tình huống không như mong muốn có thể xảy ra trong cuộc sống, nhất là về tài sản...

 

Trên một tờ bào dành cho giới trẻ mới đây có đăng một phóng sự về dịch vụ cho thuê chồng tại TPHCM, nhiều nam sinh viên, trí thức trẻ tham gia dịch vụ này. ông có thể lý giải, tại sao một bà góa chồng lại phải thuê một ông có học thức về làm chồng để “giúp việc nhà”, trong khi, bà ta có thể dễ dàng thuê người giúp việc ấy theo cách thông thường?

 

“Chồng hờ” đi thuê thì đúng là chẳng có khác biệt nhiều về “giá trị sử dụng”, ngoài việc anh có học thì tâm lý, khéo léo hơn, hiểu ý nhanh hơn... Nhưng ở đây là tâm lý an toàn xã hội. Người ta không thích nhờ vả một người mà mình cảm thấy không tin cậy. Thí dụ, bà kia có thể thuê ông xích lô, ba gác, trông vạm vỡ, sức vóc hơn nhiều so với anh thạc sĩ, cử nhân. Nhưng thuê anh có học thì dù sao cũng thấy yên tâm hơn về mặt nhân cách. Đôi khi, một số người còn có tâm lý kiêu hãnh ngầm: “Đến hạng ấy, nếu muốn, tôi vẫn thuê được!”.

 

Mặt khác, cũng dễ nhận thấy, những người sử dụng dịch vụ kiểu này đều thuộc nhóm trung lưu trở lên trong xã hội. Chứ nếu thu nhập thấp thì không hội đủ cả điều kiện (kinh tế) lẫn nhu cầu để có thể được “sướng theo đủ các cách” như thế. Mà đã có đòi hỏi cao thì tất nhiên, họ không dễ bằng lòng với một “ông chồng” làm xích lô, ba gác.
 
Mặt sau “làm người yêu thuê” - 2
Theo nhiều chuyên gia tâm lý thì dịch vụ "cho thuê người yêu" sẽ phát triển, nhưng sẽ không giúp con người lấp được chỗ trống khi thiếu vắng tình cảm thực trong đó... (Ảnh minh họa)

 

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ, vì muốn thử thách bản thân nên đôi khi không lường hết được những tác hại có thể có khi tham gia dịch vụ cho thuê người yêu. Theo ông, những tác hại này là gì?

 

Sẽ có một tỷ lệ nhất định bị lẫn lộn giữa ảo và thật. Các bạn sẽ phải trả giá cho việc muốn nếm trải. Các bạn có quyền làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm nhưng không có nghĩa các bạn không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Chẳng hạn, các bạn gái đi làm người yêu thuê, rất có thể sau một thời gian thì các bạn sẽ bị chai sạn, bị công thức hóa khi yêu thật, khiến các bạn rất khó rung động. Thế cho nên tôi vẫn nghĩ, chúng ta không nên khuyến khích loại hình dịch vụ này. Nói thẳng ra, nó là một thứ “nghề nguy hiểm”.

 

Anh cứ hình dung, đến một lúc nào đó, người ta có thể chế tạo được những con robot biết chảy nước mắt. Nhưng có một thứ chắc chắn chẳng bao giờ có thể dùng vật liệu, linh kiện hay sự lập trình tinh vi nào thay thế được, đó là trái tim con người.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 

TS. Tâm lý Nguyễn Kim Quý: Về mặt tích cực, nó giúp người có hoàn cảnh đặc biệt ứng xử tốt trong thời điểm nhất định (ra mắt gia đình, dự tiệc, tham dự cuộc họp), thỏa mãn nhu cầu thể hiện mình, làm hài lòng một số người (như trường hợp bố mẹ yêu cầu con giới thiệu người yêu). Người trong cuộc cảm thấy vui vui vì đã giúp đỡ được khách hàng. Công việc này cũng tạo cho nhiều bạn có việc làm thêm, có thu nhập. Các bạn có cơ hội gặp gỡ, mở rộng mối quan hệ.

Nhưng sẽ có nhiều vấn đề đằng sau câu chuyện này. Bạn gái tham gia dịch vụ này có nguy cơ rủi ro cao, khách hàng có thể có những thái độ không tôn trọng, có hành động không tế nhị. Bạn đến với dịch vụ khi chưa hiểu rõ người đàn ông mình sắp gặp là ai, tính tình như thế nào, có phải là người tốt, lịch sự hay không. Nhiều vấn đề phức tạp có thể đến, và nguy cơ bạn có thể bị lợi dụng…

Nếu người yêu bạn biết bạn tham gia dịch vụ này, họ dễ bị tự ái, không chịu được cảnh người yêu mình đóng thế, mối quan hệ cá nhân bị xúc phạm. Chuyện đổ vỡ trong tình yêu có thể xảy ra. Dù anh có yêu bạn đến mấy, thương và hiểu bạn đến mấy nhưng anh không chấp nhận được việc mà bạn đang làm, cho dù bạn hoàn toàn trong sáng. Ý tưởng của dịch vụ ra đời là tích cực, nhưng để dịch vụ không quá phức tạp hay xấu nhất là bị biến tướng thành một hoạt động trá hình là việc rất khó khăn…

 

 

 

Theo Sinh Viên Việt Nam