Lao động trẻ nông thôn Trung Quốc thích ra thành phố

(Dân trí) - Ngày nay, thanh niên nông thôn ở Trung Quốc ít bỡ ngỡ khi phải xa quê đi làm ở thành phố. Họ muốn tìm người yêu, thích lướt mạng Internet và thực sự muốn hòa mình vào cuộc sống đô thị.

Chuyên gia xã hội Thạch Dương, phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội tỉnh Thiểm Tây, gọi đây là “Thế hệ công nhân nhập cư thứ hai”. So với thế hệ công nhân nhập cư thứ nhất, thế hệ thứ hai có học vấn cao hơn, thông thường chưa kết hôn và đa số đều hiểu biết ít về nông nghiệp bởi vì họ làm việc ở thành phố sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Liu Yong, 23 tuổi, nông dân một làng miền núi ở Baoji, tỉnh Thiểm Tây, làm việc ở Tây An được 5 năm nay. Anh chỉ về thăm nhà được 3 ngày vào dịp Tết.

Nhưng thực ra, Liu cũng chẳng thiết tha với quê hương vì “ngày lễ Tết ở quê không có gì sôi động, nhà thì lạnh, không được sưởi ấm, đường xá thì lầy lội khi trời có mưa tuyết” rồi “lại không có các hình thức giải trí như hát karaoke và bi-a”.

Với nhiều người thanh niên nông thôn ra thành phố làm việc như Liu Yong, dịp Tết là thời gian duy nhất để họ thăm bố mẹ và người thân vì quanh năm họ đều sống và làm việc ở thành phố.

Vương Cung, giám đốc một công trình xây dựng nơi có nhiều lao động nhập cư làm việc, nhận xét là công nhân nhập cư ngày nay khác với thời trước. Họ thích chơi game máy tính, chat trên mạng, kết bạn và thích hòa nhập với dân thành thị.

Trương Lộc Triều (26 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam đến làm công nhân ở Tây An) là một ví dụ điển hình của những người lao động nông thôn thành công ở thành phố.

Triều rời quê nhà để vào thành phố làm việc sau khi tốt nghiệp phổ thông. Anh đã làm qua nhiều loại công việc và từ đó thu được những kinh nghiệm đáng quý để mở công ty riêng. Triều đã mua được nhà ở thành phố và trở thành dân thành thị.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công như Triều.

Cũng là người nông thôn lên phố tìm việc, nhưng với mức lương tháng 1.000 nhân dân tệ, Liu Yong chỉ ở trong nhà thuê với giá 180 nhân dân tệ/tháng và ăn cơm tại căng tin của nhà máy nơi anh làm việc.

“Tôi không tiết kiệm được nhiều tiền và tôi chẳng hoạch định được gì cho tương lai. Điều duy nhất tôi biết hiện giờ là không thích sống ở nông thôn và tôi sẽ tiếp tục làm ở thành phố.”, Yong tâm sự.

Chuyên gia xã hội Thạch Dương kết luận rằng điều quan trọng nhất là xã hội Trung Quốc cần giúp những lao động nông thôn trẻ tuổi phát triển sự tự tin. Thanh niên nông thôn cần phải hiểu rằng họ chỉ có thể dựa vào chính mình để tạo dựng tương lai của mình ở thành phố.

Còn Ban Li, giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách thuộc Liên đoàn Phụ nữ tỉnh Thiểm Tây, nói rằng công nhân nhập cư nên làm việc chăm chỉ để phát triển kỹ năng và đặt ra kế hoạch cho tương lai nhằm ổn định cuộc sống nơi đô thị.

Xuân Vũ
Theo Chinadaily