Kỹ sư về vườn!

(Dân trí) - Có lẽ anh nói đúng, mỗi người một cách suy nghĩ và lựa chọn khác nhau, thành công đến đâu chỉ bằng một con đường! Đôi khi chỉ cần chúng ta có cách nhìn rộng hơn một chút là có thế mang đến những bứt phá không ngờ.

Ảnh minh họa (Internet)

Ảnh minh họa (Internet)

Tôi có một anh bạn, gọi là bạn chứ thực ra anh ấy hơn tôi tận bảy tuổi. Anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin và đã có nhiều năm làm việc ở thành phố. Dạo mọi người lại thấy anh về nhà và  bận rộn với việc đào xới mảnh vườn rộng mấy nghìn hecta để trồng đào, chở đất, chở cát,… về xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà… Người dân trong làng xì xào bảo nhau : “Thằng Tùng nó làm cái gì thế nhỉ? Học đại học mà về làm vườn là thế nào?”.
 
Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, suy nghĩ của con người ngày càng thoáng hơn trong mọi chuyện nhưng việc một người tốt nghiệp đại học về làm vườn đối với người dân quê tôi thì có vẻ không hợp lý lắm. Mọi người đều cho rằng ai đã từng học đại học, đã tiêu tốn tiền bạc cho những năm tháng ngồi trên giảng đường thì nhất định sau khi ra trường phải  làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp…
 
Tôi mon men sang xem thực hư ra sao, xem anh có giống như các phương tiện truyền thông vẫn thường hay nêu gương những trí thức trẻ về quê làm giàu, phát triển kinh tế chính trên mảnh đất quê mình hay không?
 
Bước chân sang đến nhà anh tôi hơi ngạc nhiên, khu vườn có vẻ khác trước nhiều, thực ra trước đây trông nó lộn xộn bây giờ trông có vẻ bằng phẳng hơn, nơi nào trồng cây,nơi nào đặt chuồng gà, nơi nào đặt chuồng lợn đã được bố trí lại rõ ràng…Nhìn thấy anh đang hì hụi cọ chuồng lợn tôi cười tít bảo: “Anh Tùng không làm kỹ sư công nghệ thông tin mà về nhà nuôi lợn là sao?”, anh bảo: “Ái chà! Cô cũng suy nghĩ giống mọi người quá nhỉ!”.
 
Rồi anh bảo: “Thế cô xem anh làm có được không, có bằng các bác ở nhà làm không?”. Tôi đáp: “Em thấy mọi thứ được sắp xếp, quy hoạch khá hợp lý nhưng mà sao anh lại có ý định về nhà và làm vườn vậy ạ?”.
 
Anh nhẹ nhàng phân tích: "Anh thích làm kinh tế vườn, đất đồi nhà anh rộng cho nên anh quyết định về nhà và làm trang trại. Ban đầu  bố mẹ anh cũng phản đối nhiều lắm nhưng rồi anh đã thuyết phục và nói rõ cho bố mẹ hiểu. Đã qua rồi cái thời chúng ta cứ quan niệm học đại học là phải trở thành ông này, bà nọ. Anh nghĩ bây giờ học ra là phải lăn lộn với cuộc sống, làm giàu theo cách của mình miễn sao mình thấy phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh là được.
 
Mỗi người chọn cho mình một hướng đi khác nhau, trở về nhà và bắt đầu lập nghiệp trên chính mảnh đất nhà mình là lựa chọn của anh. Thế anh không thấy phí phạm mấy năm trời học đại học à? Cô này nói lạ, cô nói thế hóa ra có bao nhiêu người như anh đều là những người phí phạm thời gian học hành cả à? Thực ra học đại học trang bị cho chúng ta nhiều thứ chứ đâu chỉ riêng chuyên nghành hả cô.
 
Đối với anh điều quan trọng nhất đó chính là vốn sống, là sự sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi, là sự kiên nhẫn và quyết tâm để khi vào đời mình có thể làm được nhiều việc. Cô cứ chờ xem nhé, một thời gian nữa thôi anh sẽ cho cô thấy thành quả công việc của anh, khi đó sẽ có nhiều người lại muốn làm như anh đấy…"  Anh cười nheo nheo đôi mắt bảo tôi vậy.
 
Có lẽ anh nói đúng, mỗi người một cách suy nghĩ và lựa chọn những con đường khác nhau để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, thành công có được đâu chỉ đi bằng một con đường. Đôi khi chỉ cần chúng ta thay đổi đi một ít là có thế mang đến những bứt phá không ngờ.
 
Và chính sự linh hoạt, táo bạo trong cách nghĩ của người trẻ sẽ còn đem đến nhiều đổi thay nữa bởi họ biết lựa chọn con đường của mình, dám nghĩ, dám làm và hãy tin rằng dù gặp nhiều khó khăn, rào cản nhưng rồi họ sẽ thành công vì thế cần lắm sự thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ và giúp đỡ từ gia đình và cộng đồng để những người trẻ có thể khẳng định được bản thân.
Thảo Nguyên - Cao Thị Dung
(Minh Thành, Yên Thành, Nghệ An)