Khi “đồ chùa” vào tay sinh viên

(Dân trí) - Khó có thể thấy cái gì thảm hại hơn khi những tài sản được xem “đồ chùa” vào tay một số sinh viên kém ý thức

-Ấn nút chờ đi, nó sắp ra rồi đấy!

- Lâu vậy mày? - Vừa hỏi lại người bạn đang đứng sau mình đang gọi điện thoại, cô nữ sinh không ngừng đưa tay ấn liên tục vào nút “open” để chế độ chờ ở thang máy dù ngay cạnh đó có tấm biển lưu ý: “Không bấm nhiều lần vào các nút mở - đóng”.

Hóa ra một nhóm SV trong thang máy ấn nút dừng để chờ bạn của mình. Người ấn nút, người gọi điện í ới giục bạn… Vừa chờ họ vừa nói chuyện ầm ĩ không hề để ý đến những người xung quanh.

Hơn một phút trôi qua, cánh cửa thang máy vẫn không ngừng đóng vào rồi lại bị nhóm bạn này mở ra, Có người khó chịu lên tiếng phản đối nhưng họ vẫn tỉnh bơ. Mãi một lúc sau, không thấy người bạn kia ra họ mới chịu cho đóng thang máy để tiếp tục lên lầu.

Khi “đồ chùa” vào tay sinh viên - 1

Sinh viên làm việc nhóm kém vì họ thiếu ý thức trách nhiệm chung (Ảnh mang tính minh họa).

Nghe một người phụ nữ góp ý: “Thang máy mà bấm như vậy rất dễ hỏng” thì cả nhóm bạn cùng cười ồ lên. Đến tầng 4, xô đẩy cả những đứng trước mình để ra bước ra, họ mới quay lại “phán” góp ý của người phụ nữ lúc nãy. Một nữ sinh nói: “Mình không bấm thì người khác cũng bấm, hỏng là hỏng thôi à, có giữ cũng chả được!”. Cô khác chêm vào: “Có hỏng cũng đâu đến lượt bọn mình sửa đâu mà lo”…

Câu chuyện xảy ra tại trường ĐH M (TP.HCM) và một buổi trưa thứ 7. Có thể thấy rõ sự vô ý thức của nhóm bạn nhưng hành vi thờ ơ với tài sản chung như trên không phải là ngoại lệ trong giới SV.
 
Chỉ cần một lần chứng kiến SV dùng tài sản chung ở trường học như đi thang máy, nhà vệ sinh, sử dụng quạt, máy lạnh … nhiều người sẽ phải giật mình trước “cách sử dụng” của họ. Thiếu ý thức bảo vệ đã đành, một số người còn mang nặng tâm lý… đồ chùa dùng thế nào cũng được, hỏng cũng chẳng sao.

Chẳng những tài sản ở trường mà bất kỳ ở đâu, không khó nhìn thấy ý thức bảo vệ tài sản chung của SV rất kém. Cái gì được xem là “đồ chùa” họ tận dụng tối đa nhưng thiếu trách nhiệm giữ gìn, chỉ cái gì thuộc về mình họ mới chịu giữ bo bo.

Tại nhiều chỗ trọ, đồ dùng sinh hoạt chung của cả khu như bóng điện, vòi nước, cánh cửa nhà tắm… do chủ nhà chi trả. Thế rồi họ phải bỏ tiền sửa và thay đồ liên tục vì SV xài “đồ chùa” thì chỉ được ngày một ngày hai đồ xịn mấy cũng hỏng. Tình trạng này chỉ được khắc phục khi chủ trọ “gạt” khoản chi chung này sang túi SV.

Nói về ý thức giữ gìn tài sản chung của SV, chị Lê Thị Mai, chủ một dãy nhà trọ ở P.4 (Q.Gò Vấp, TPHCM) lấy dẫn chứng về chiếc que phơi đồ ở khu trọ nhà mình. Chỗ phơi đồ của các phòng nằm trên cao nên chị bỏ tiền mua chiếc que phơi đồ cho các phòng dùng chung và có chỗ treo nhất định.
 
Thế nhưng, dùng xong chẳng người nào treo lên, mà tiện đâu vứt đó, có người còn đập cho gãy… hoặc đưa vào phòng làm của riêng nên chỉ được tuần, hai tuần chị lại phải mua cái mới.

“Chổi quét sân hay sọt rác gì cũng vậy, chẳng bỏ tiền ra các bạn không giữ đâu, mình mua rất tốn kém. Cuối cùng, tôi không sắm nữa mà để phòng ai người nấy lo. Đồ mình thì các bạn giữ ghê lắm”.

Chị Mai cho biết thêm trước đây chị thuê phòng không thu tiền nước, chỉ yêu cầu các bạn sử dụng tiết kiệm nhưng rồi chỉ phải hoảng với khối lượng nước hàng tháng. “Không những dùng thoải mái mà các bạn dùng tẹt ga luôn, nước đầy xô không thích là đổ ngay. Từ khi tôi thu tiền nước (3.000 đồng/khối) thì… lượng nước dùng cả xóm chỉ bằng 1/5 trước đó”, chị Mai nói.

Việc thiếu ý thức với “đồ chùa” tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến SV làm việc và hoạt động nhóm kém vì họ có tâm lý ỷ lại cho rằng đó là việc của người khác, không phải là trách nhiệm của mình, mình có làm hay không thì cũng vậy. Chính điều đó trở thành điểm yếu của SV khi ra trường, đặc biệt khi tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế.

Tại một hội thảo hợp tác giáo dục, Tổng giám đốc một tập đoàn về công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở ở Việt Nam chia sẻ về khả năng, kiến thức của SV Việt Nam khi ra trường hề thua kém các SV các nước tiên tiến bởi các bạn rất chăm chỉ và chịu khó. Tuy nhiên, hạn chế của SV trong nước là làm việc nhóm kém, thiếu ý thức bảo vệ tài sản chung và trách nhiệm tập thể đã làm “mất điểm” của họ rất nhiều.

Hoài Nam