Jamail Larkins - phi công siêu hạng tuổi 22

(Dân trí) - Trong giới học sinh, sinh viên Mỹ, không ai không biết đến Jamail Larkins bởi không chỉ là một sinh viên xuất sắc, Larkins còn là một tay phi công siêu hạng. Cậu là một trong những phi công nhào lộn trẻ nhất và là nhà hùng biện tài năng đại diện cho thanh niên Mỹ.

14 tuổi, một mình lái máy bay đến Canada

 

Sinh ra và lớn lên tại Augusta, bang Georgia, ngay từ nhỏ, Larkins đã mê đắm bầu trời, thích những âm thanh ồn ào của động cơ máy bay và mơ ước được trở thành phi công bay lượn trên bầu trời bao la.

 

Chính vì niềm đam mê ấy mà khi chưa đầy 10 tuổi, cứ có thời gian rảnh rỗi sau giờ học trên lớp, cậu bé Larkins lại một mình tới sân bay địa phương gần nhà, xin được lau máy bay cùng những người thợ, làm những công việc vặt chỉ với một mục đích duy nhất, được tiếp cận với loại phương tiện chuyên chở khổng lồ. Cuối cùng, mơ ước của Larkins đã được đền đáp bằng một học bổng do trường Đại học Không quân Embry-Riddle tại Daytona Beach, bang Florida tài trợ.

 

Nhiều năm trước khi bạn bè của Larkins được phép cấp bằng lái xe, cậu đã bắt đầu làm quen với việc sử dụng máy bay. Năm 12 tuổi, Larkins lần đầu tiên được quan sát mặt đất từ không trung trong khuôn khổ chương trình mang tên Young Eagles do Hiệp hội thử nghiệm máy bay phản lực tài trợ nhằm mục đích giới thiệu với trẻ em về ngành công nghiệp hàng không.

 

14 tuổi, Larkins được phép một mình lái máy bay tới Canada; 16 tuổi, lái máy bay vòng quanh nước Mỹ. Điều đó đã giúp cậu bé Larkins trở thành một trong những phi công trẻ nhất, giỏi nhất của nước này.

 

Jamail Larkins cho biết: “Khi bay lần đầu tiên, tôi biết cuộc đời mình sẽ gắn bó với bầu trời và nghề phi công mãi mãi. Thật hạnh phúc là tôi đã thực hiện được ước mơ của mình”.

 

Truyền lửa đam mê cho giới trẻ

 

Năm nay 22 tuổi, ngoài việc học tập tại Đại học Không quân Embry-Riddle, Jamail Larkins còn đi khắp đất nước, tới hàng trăm các trường phổ thông, đại học, nói chuyện về nghề nghiệp mình đang theo đuổi nhằm khuyến khích, động viên các học sinh, sinh viên cần phải nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ. Chàng trai trẻ Larkins đã trở thành một tấm gương sáng cho thanh niên Mỹ.

 

Trong một bài nói chuyện với hơn 300 học sinh trường trung học A. Philip Randolph tại Harlem, Larkins tâm sự: “Khi mới bước vào nghề, tôi không nghĩ mình lại có thể làm được những điều vượt quá sức tưởng tượng. Nhưng nếu đã mơ ước, hãy tìm mọi cách để thực hiện đến cùng ước mơ đó và đừng bao giờ bỏ cuộc. Thành công sẽ không đến với người chỉ biết ngồi một chỗ… Nếu bạn muốn có một tương lai tươi sáng với nhiều cơ hội, hãy đến với chúng tôi. Bạn không chỉ có thể bay với những phi công mà còn có thể chế tạo, thiết kế ra chúng và còn hàng trăm công việc khác đang chờ bạn”.

 

Sau khi nghe Larkins nói chuyện, Emmanuel Harrison, 17 tuổi, một sinh viên của A. Philip Randolp vui mừng nói: “Anh ấy thật là một người tuyệt vời. Khẳng định chính mình từ khi mới lên 12 tuổi thật sự không bình thường chút nào. Larkins đã cho tôi thêm sức mạnh để thực hiện những điều mà tôi hằng ấp ủ”.

 

Ông Greg Martin, phát ngôn viên của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết: “Trong vòng 10 năm tới, sẽ có khoảng 7.000 nhân viên của FAA về hưu và chúng tôi phải tuyển con số tương tự vào làm việc. Hơn nữa, ngành công nghiệp hàng không cũng phải đối mặt với những sự thay đổi lớn, đòi hỏi những chuyên gia giỏi để đáp ứng nhu cầu.

 

Tấm gương về Larkins và những cuộc nói chuyện của chàng trai trẻ với các học sinh, sinh viên khắp đất nước có một ý nghĩa quan trọng nhằm khuyến khích nhiều bạn trẻ đến với ngành công nghiệp hàng không - một nghề nghiệp không mới nhưng chưa được quảng bá nhiều tại Mỹ”.

 

Bùi Then

Theo Guardian