Hương bồ kết...

Hồi học cấp ba, cứ mỗi lần về nhà là được mẹ chuẩn bị bao nhiêu thứ, những món quà be bé con con, gói ghém kỹ càng cả tình thương cho khoảng cách hơn 50 cây số, trong kí ức xa xôi ngày ấy là cả khoảng trời diệu vợi...

Trong những món quà của mẹ, luôn có gói bồ kết thơm hương quê, mẹ biết chắc rằng sẽ quấn quyện dịu dàng trên tóc người con gái. Mái tóc ấy từ nhỏ đã chẳng thể phù hợp với loại dầu gội nào dù đắt tiền đến mấy. Chỉ một tác động nhỏ thôi, tự nhiên tóc xác xơ đi hoặc rụng thật nhiều, kể cũng lạ!

 

Vậy mà chỉ cần thứ nước hơi khắt, hơi cay nhưng lắng đọng cả cái khiết tinh của hương gió đồng nội, mẹ chắt ra từ những trái bồ kết khô giòn, đủ cho con một mái tóc thiết tha cả một thời thiếu nữ...

 

Hồi đầu, mẹ hay chuẩn bị những túi bồ kết nguyên quả, cộng thêm một ít chanh nữa, đi học xa con sẽ tự ngâm lấy mà dùng. Rồi sau, mẹ dày công hơn một chút, tán nhỏ những quả bồ kết thành bột, con cần lúc nào là có, không cần ngâm nữa.

 

Hôm ấy mẹ tán bột cho con mà cay nhòa cả mắt, mẹ nhỉ? Cũng chẳng biết nữa, thi thoảng nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ hương bồ kết từng vuốt ve mái tóc ngày xưa, mắt con cũng cay nhòa như thế, chẳng biết do bồ kết cay hay nước mắt mẹ ấm nồng?

 

***

 

Hôm nay ngâm một ít bồ kết để gội đầu. Cả bồ kết, cả sả, cả đủ thứ hương liệu được tán thành bột, người ta bán chưa đầy 1.000 đồng/ gói. Đã lâu lắm rồi, nhớ đến vô cùng cái hương bồ kết ngày xưa của mẹ; đã lâu lắm rồi và lúc nào đó, ta đã quên...

 

Con đã... cắt tóc. Tóc ngắn đi, nó cũng dễ tính hơn ngày trước. Nó khá... “trơ lì” trước Hà Nội đầy bụi, nó dễ dàng hơn với đủ thứ dầu gội, không dị ứng, không khác đi quá nhiều nữa. Cách đây lâu lâu vẫn có đứa bạn nói rằng: “Tóc mi đẹp, mới gội xong, đứng gần gần cứ có cảm giác như mùi... kẹo ngọt ấy, chỉ muốn hít thật lâu và nuốt chửng lấy cái hương đằm thắm ni thôi”.

 

Thế nhưng, con vẫn biết rằng trong nó đã mất đi một cái gì của ngày xưa, một chút mong manh yếu đuối, một chút tinh khiết dịu dàng... Cái gì nhỉ? Có lẽ là như trong câu thơ của Nguyễn Bính: “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...”.

 

Hình như có một cái gì đằng sau góc khuất, khiến con nhớ, nhớ vô cùng...

 

Theo Lê Thị Hằng Nga

(K50 Đông Phương học, ĐHKHXH&NV Hà Nội)

Tiền Phong