Học trò con nhà... mồng tơi

Chẳng ai biết mồng tơi đã trở thành “biểu tượng” của sự nghèo khó từ khi nào, chỉ biết rằng mỗi khi nói về cái nghèo, người ta lại nhắc đến loài dây leo bên giậu này: nghèo rớt mồng tơi! Vậy học trò “con nhà mồng tơi” đến trường với nỗi niềm như thế nào?

“Quạ” không thể biến thành “Công”!

Đó là tâm trạng của BN (lớp 10 TTGDTX, Q.Tân Bình). Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa nên N luôn cảm thấy chán đời, thường đến lớp với vẻ mặt u sầu, chẳng buồn nói huống chi mở miệng cười. Bạn bè xúm vào hỏi han vì tưởng N có chuyện buồn, bạn chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Chẳng những biếng nói biếng cười, BL (lớp 12 trường Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình), NB (lớp 12 trường Lê Hồng Phong, Q.5) còn không bao giờ tham gia bất kì một hoạt động nào của lớp, của trường, mặc cho các bạn rủ rê.

Còn PT (lớp 12 trường Lê Hồng Phong, Q.5) thì lẩn tránh luôn cả bạn bè, buổi trưa bạn thường bỏ ra ghế đá ngồi một mình, vừa ăn phần cơm đạm bạc mang theo, vừa ứa nước mắt khi nghĩ đến những phần cơm thịt cá ngon lành của nhiều bạn trong lớp.

Với những bạn luôn tự ti phận nghèo, tự cô lập mình như thế, lúc đầu bạn bè còn quan tâm, khuyên nhủ, tìm cách để họ gần hơn với tập thể. Nhưng dần dần, mọi người cũng chán và thôi không nói đến những “chú quạ” này nữa.

Đũa mốc càng phải... chòi mâm son!?

Nhìn HB (lớp 11 trường Lý Tự Trọng, Q.Tân Bình) ăn mặc chải chuốt, đi học bằng chiếc “Su xì-po”, tay trái lủng lẳng MP3, tay phải cầm cái di động O2... ai cũng nghĩ chắc nhà anh chàng giàu có lắm. Mấy ai biết gia đình bạn chẳng dư dả gì, mẹ bán tạp hóa ngoài chợ để nuôi cả gia đình nên rất vất vả. Cái O2 và MP3 thật ra chỉ là đồ hỏng mà B xin được từ tiệm điện thoại của chú hàng xóm, còn xe thì mượn của anh họ với lý do “học thêm nhiều, đi xe đạp không nổi”.

Cũng quần áo láng coóng đến lớp, NH (lớp 9 trường Tân Bình, Q.Tân Bình) mở miệng ra là khoe những món đồ hiệu mình đang xài. Lần nọ tình cờ đến nhà H chơi, bạn bè ngỡ ngàng khi thấy căn nhà xập xệ, và còn bất ngờ hơn khi thấy H đang bị cô hàng xóm đòi... tiền góp. Thì ra, những món đồ hiệu mà H thường khoe chỉ là hàng giá bèo được gắn mác ngoại, mua góp mỗi ngày 2.000 - 3.000đ mà thôi.

Mặc cảm với thân phận nghèo khó nhưng không biết chia sẻ những vất vả lo toan của ba mẹ, gia đình; đã có những bạn vẫn còn tâm lý đua đòi, cho bằng bạn bằng bè nên mới có những câu chuyện dở khóc dở cười như thế...

Giấy rách... khỏi cần giữ lề!

Cả nhóm bạn của Phương Anh (18 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Phú Nhuận) đều là con nhà khá giả, trừ HP. Biết thế nên các bạn trong nhóm vẫn thay nhau trả tiền giùm P mỗi khi cả nhóm đi mua sắm, ăn uống... Rất nhiều lần, P mượn tiền Phương Anh để “đóng tiền học, mua sách vở” và dặn dò “đừng nói cho ai biết”. Thông cảm với hoàn cảnh của P, sợ bạn mặc cảm nên Phương Anh luôn giữ kín mọi việc.

Lần nọ, tối khuya rồi mà P còn đến gõ cửa mượn Phương Anh 500.000đ để “đưa mẹ đi bệnh viện”. Thương bạn quá, Phương Anh vét hết tiền, đưa luôn cho P gần 800.000đ. Sáng hôm sau, Phương Anh còn vào lớp quyên góp thêm tiền để đi thăm mẹ P. Trên đường đi, vô tình cả nhóm gặp bác ấy... đang đi chợ. Quay về tìm P, Phương Anh thất vọng ghê gớm khi thấy bạn mình đang săm soi hàng loạt mỹ phẩm đắt tiền vừa mua bằng tiền “nuôi mẹ bệnh”.

Ra là P thấy bạn bè hay xài nước hoa, phấn thơm, tinh dầu tắm... nên cũng muốn có cho bằng được. Ngỡ ngàng hơn khi Phương Anh còn biết thêm rằng P đã nhiều lần mượn tiền những bạn khác trong nhóm và cũng dặn “đừng nói cho ai biết”... “Nghèo tiền nghèo bạc thì có sao đâu, nhưng mà nghèo cả đạo đức, nhân cách như thế thì mình... thất vọng quá đi mất !” - Phương Anh tâm sự.

Và khi “mồng tơi” vẫn nở hoa

Học trò con nhà... mồng tơi - 1

Ngoài việc học hành, học trò con nhà nghèo còn phải canh cánh nỗi lo cơm áo...

Sống trong cảnh thiếu thốn vật chất, có đọt mồng tơi úa vàng, tự biến mình thành “quạ”, thành “đũa mốc” và tự đánh mất tư cách của mình, nhưng không hiếm những đọt mồng tơi vẫn xanh rờn, vươn cao và thậm chí còn nở hoa.

Mai Thanh (lớp 12 trường Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp), Thùy Trang (lớp 11 trường Nguyễn Trãi, Q.4), Huyền Trang (lớp 12 trường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh), Thu Nga (lớp 11 trường Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình) đều xuất thân từ “giậu mồng tơi”. Đôi lúc đến trường, Mai Thanh không có đồng bạc nào trong người, còn Thùy Trang, Huyền Trang, Thu Nga thường hay thức thâu đêm để giúp mẹ may giỏ xách, xếp giấy gói kẹo, bán hàng ăn khuya.

Tuy thế, các bạn vẫn dành thời gian tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” thật nhiệt tình, xông xáo và rất “lửa” trong tất cả hoạt động lớn nhỏ nào của lớp. Chính vì thế, bạn bè đều rất “kết” mấy “đọt mồng tơi” đáng yêu này!

Thanh Thảo (lớp 12 TTGDTX Q.Gò Vấp) cũng vậy. Mẹ mất sớm, ba bệnh nặng, mỗi sáng Thảo phải đi giúp việc nhà, chiều phụ bó rau để kiếm tiền nuôi ba đứa em nhỏ, tối mới ôm cặp sách đến trường học. Vậy mà đến lớp, cô bạn vẫn rất cởi mở, thích kể chuyện cười cho các bạn và chẳng bao giờ tự ti khi nói về hoàn cảnh của mình.

Hai người bạn Lý Chí Phú và Nguyễn Lê Phước (học chung lớp 12C1 trường Mạc Đĩnh Chi, Q.6) cùng là “con nhà mồng tơi” nhưng đã làm bạn bè cảm động bởi tình bạn tuyệt vời suốt ba năm nay của họ.

Nhà Phú nghèo, ngoài giờ học, bạn tranh thủ làm thợ may để kiếm tiền trang trải học phí, quần áo Phú mặc đều do bạn tự may lấy để tiết kiệm. Phước thậm chí không có xe đạp đi học, nên mỗi ngày bạn phải cuốc bộ gần nửa tiếng đến trường. Cái khó càng nặng trĩu khi Phước mang trong người căn bệnh thần kinh khiến trí nhớ ngày càng giảm sút, còn đôi mắt thì cứ mờ dần.

Phú và Phước chơi thân với nhau không phải vì cùng phận “mồng tơi” mà vì cả hai có chung sự lạc quan, ý chí vươn lên và niềm tin yêu vào cuộc sống. Không có điều kiện đi học thêm, giờ tan trường, hai bạn thường nán lại lớp, mỗi đứa một góc tự ôn lại bài học trong ngày, có gì không hiểu lại trao đổi, bàn luận với nhau.

Thấy Phú mê ngành thiết kế thời trang và đã “rinh” nhiều giải nhất trong các cuộc thi thiết kế thời trang do trường, quận tổ chức, Phước động viên bạn tham gia các cuộc thi lớn hơn để có cơ hội thử sức mình. Còn Phú thì “phụ” nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ của “thằng bạn nghèo nối khố” bằng việc giúp Phước vượt qua những khó khăn của người có sức khỏe không bình thường.

Không để kiếp nghèo ám ảnh, không hiếm học trò “con nhà mồng tơi” còn làm bạn bè phải “ghen tị” với năng lực và thành tích học tập của mình. Như cô bạn có chiếc răng khểnh xinh xắn Thu Thảo (lớp 11A1 trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Hóc Môn) chẳng hạn. Nhà Thảo nghèo lắm, nhưng bạn sở hữu một “bộ sưu tập” rất giá trị : 9 năm liền là học sinh giỏi, thủ khoa kì thi tốt nghiệp THCS năm học 2003 - 2004, giải nhất tiếng Anh học sinh giỏi thành phố, ba năm liền “rinh” trọn giải văn hay chữ tốt do công ty Prudetial tổ chức, giải nhất môn chạy tiếp sức ở huyện...

Được hỏi bí quyết “nghèo mà học giỏi”, Thảo cười bộc bạch: “Mỗi người một hoàn cảnh riêng, mình không so sánh rồi cố gắng trở thành ai cả, chỉ cố gắng vượt qua bản thân mình thôi”. Với suy nghĩ như thế, Thảo đã nhận được bằng khen trong Liên hoan thanh niên tiên tiến đất vườn trầu năm 2004.

Mỗi người trong chúng ta đều có một giá trị nhất định, và hẳn nhiên giá trị đó không thể đong đo bằng tiền bạc, của cải mà nó được khẳng định bởi nhân cách của chính mình. Bởi thế, nghèo tiền nghèo bạc không phải là cái tội, cũng không có gì để phải mặc cảm xấu hổ. Chỉ khi nào nỗi niềm “con nhà mồng tơi” khiến bạn nhìn cuộc sống bằng đôi mắt tự ti, không có ý chí vươn lên và thậm chí buông mình theo những cám dỗ của vật chất... thì bạn mới phải xấu hổ vì bản thân...

Theo Mực Tím