Hoàng tử 4-2-1

Trong khu phố này, không ai có số “hoàng tử” như cu Hoàng. Là con một, Hoàng không chỉ được bố mẹ yêu thương mà còn được cả ông bà nội ngoại tranh nhau chăm sóc. Biệt hiệu “hoàng tử 4-2-1” xuất phát từ đấy.

Hồi Hoàng còn nhỏ, gia đình hai bên cũng đã nhiều lần tranh cãi nhau chỉ vì những chuyện liên quan đến “cục vàng” của gia đình.

 

Cu Hoàng lớn lên trông cũng kháu khỉnh. Hai nhà lại tranh nhau từng nét đẹp “nhờ giống nội mắt mới được hai mí”, “cái mũi xẹp này chỉ tại giống bên nhà kia”. Cả nhà gọi bé bằng đủ biệt danh: cục vàng, cục cưng, “cái thằng đẻ bọc điều”…

 

Phương pháp dạy thằng bé của tập thể “4 - 2 - 1” mới là chuyện lớn. Hoàng là ưu tiên  một nên chẳng cần kính ai nhường ai. Vào bàn ăn, khoái món nào là thò tay bốc trước vì cậu nghĩ “nếu không bốc những thứ ngon ấy thì ông bà cha mẹ cũng tự động nhường mình thôi mà!”

 

Một lần ăn phải xương do bà ngoại nấu canh lọc không kỹ, Hoàng phun phèo phèo cả ra mâm cơm. Chị Như kéo ra đánh phét vào đít một cái thì chạm phải làn sóng phản kháng. Ông nội hầm hừ: “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Ông ngoại vừa xoa chỗ đau vừa giả đánh mẹ Như: “Đập chết cho chừa, dám ăn hiếp cháu tao hả?”

 

Do phương pháp dạy dỗ không thống nhất, người rèn, kẻ bênh; anh Quang và chị Như nhiều lần định viện cớ công việc để xin thuê nhà trọ. Thế là bốn ông bà khóc lóc, bảo vợ chồng anh đi đâu thì đi, còn thằng Hoàng cứ phải ở lại. Anh chị ngày càng bất lực, buông xuôi, còn “ông trời con” thì tha hồ tự tung tự tác vì đã có tới bốn người “bảo kê”.

 

Sáu người lớn cũng áp đặt lối chơi, học hành của nó. Cấm Hoàng đi chung với bạn nghèo hay chọn thức ăn rẻ tiền. Nó thích học thổi sáo nhưng ông bà cứ ép nó học đàn piano cho... quý tộc.

 

Năm lớp 1, Hoàng còn đạt học sinh xuất sắc, lên lớp 4 thì đội sổ. Lâu lâu Hoàng đạt điểm 8 là cả nhà rộn lên. Số tiền thưởng cả trăm ngàn từ 6 “cổ đông”, Hoàng ném vào các dịch vụ chơi game, bắn súng, dán hình xăm giả.

 

Quen được chiều chuộng Hoàng trở nên hỗn hào, vô cảm và thiếu trách nhiệm. Giận bà nội, nó đùng đùng bỏ qua nhà ngoại. Bà ngoại vuốt giận rồi rủ rỉ: “Vậy là bà nội đâu có thương Hoàng tử của bà”.

 

Mỗi khi ai làm trái ý, Hoàng đấm đá phình phịch bất kể người già, trẻ nhỏ. Đã không khuyên bảo nó, bà nội còn cười hề hề: “Con nít không quậy là đâu có khoẻ, đâu có khôn!”.

 

Trong lớp, Hoàng là học sinh cá biệt.  Khi cô giáo phạt tội mượn bạn giải toán, Hoàng dằn mặt cô giáo: “Bà chưa thấy quan tài hả?”. Ngay hôm sau, “Hoàng tử” kéo cả “triều đình” vào trường mắng mỏ, vu khống cô giáo chẳng tiếc lời. Mọi việc rồi cũng dàn xếp xong, nhưng từ sự cố hôm ấy, trừ những ông trời con trong lớp, còn lại không bạn nào chơi với “Hoàng đại bàng” nữa.

 

Điều đáng nói là trong số những học sinh chăm ngoan, học giỏi ấy có nhiều bạn cũng là “number one” trong mô hình gia đình 4 - 2 - 1. Chỉ khác là các bạn được ông bà cha mẹ yêu chứ không chiều như kiểu gia đình Hoàng.

 

Theo Diệu Hiền
Sài Gòn Tiếp Thị