Hạnh phúc vì…trượt nguyện vọng 1!

Nếu bạn cảm thấy mình chưa thật sự may mắn khi không đủ điểm vào trường ĐH mong muốn vào năm nay, đừng vội oán trách bản thân.

Vì có rất nhiều bạn cảm thấy vô cùng cảm ơn số phận đã cho họ trượt nguyện vọng 1 và đậu nguyện vọng 2 đấy!

 

Đang học những gì mình thực sự đam mê

 

Sau một năm, Đào Hiền Thy (sinh viên năm 2 khoa Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH & NV) vẫn không hề cảm thấy hối hận khi quyết định chọn học nguyện vọng 2 thay vì đợi năm sau thi lại.

 

“Năm ngoái, mình là dân chuyên ban A, thi khối A vào ĐH Kinh tế và khối D1 trường Nhân văn. Khối A mình thiếu nửa điểm để đậu, còn khối D thì đậu với số điểm khá cao. Mình thi Kinh tế theo mong muốn của gia đình và của cả bản thân mình. Nhưng mình biết, mình thật sự thích học ngoại ngữ và đam mê tìm hiểu về xứ Hàn”.

 

Hiền Thy tự nhủ, nếu trượt Kinh tế, cô nàng sẽ đi tìm một trường tuyển nguyện vọng 2 thuộc khối ngành kinh tế để học. “Nhưng rất tiếc, với số điểm của mình, muốn vào một trường công lập có chất lượng đào tạo tốt, điểm nguyện vọng 2 thấp hơn điểm mình hiện có, quả là khó khăn. Thế là mình quyết định trở thành sinh viên khoa Hàn Quốc học”, Thy nói

 

Học kì 1 ở năm đầu, bạn bè đều cảm thấy ngưỡng mộ trước số điểm các môn đại cương của cô nàng. Rất cao và gần như hoàn hảo. Riêng môn chuyên ngành tiếng Hàn, điểm trung bình của cậu ấy là 9.0, có khi là 10.

 

“Đến bây giờ mình vẫn rất hài lòng với chuyên ngành hiện tại. Mình thật sự yêu thích và đam mê. Mình tin, với vốn kiến thức mình có được, thì cơ hội việc làm sau này của mình sẽ có rất nhiều. Nếu đậu ĐH Kinh tế, có lẽ bây giờ mình đang vật lộn với các con số và cảm thấy chán nản.

 
Hạnh phúc vì…trượt nguyện vọng 1!  - 1

Trượt NV1 không đồng nghĩa với "thảm họa", bạn ạ (ảnh mang tính minh họa)
 

Môi trường học quá ổn!

 

Thùy Trang (SV năm 2 trường CĐ Kinh tế đối ngoại) vẫn không có ý định thi lại đại học mà sẽ quyết tâm học kết cao đẳng, sau đó liên thông. “Năm vừa rồi mình trượt ĐH Kinh tế, nhưng thi CĐ được 26 điểm, thế là học luôn.

 

Ba mẹ cũng ủng hộ điều này vì đây là trường CĐ chất lượng, sau khi học xong có thể liên thông lên ĐH Kinh tế hay ĐH Ngoại thương đều được. Môi trường học của mình lại rất chất lượng, cơ sở vật chất tốt và mình hoàn toàn chú tâm vào học khi các bạn trong lớp đều siêng năng và có tinh thần cầu tiến cao”, Trang chia sẻ

 

Nếu học cao đẳng mà chất lượng, có vốn kiến thức vững chắc, thì thay vì chờ đợi 1 năm để được thi lại đại học trong sự may rủi, hãy chọn cách đi đường vòng, vững chắc và an toàn. Hơn nữa, điều quan trọng là kĩ năng và kiến thức chứ không phải chuyện đậu, trượt nguyện vọng 1, đúng không?

 

Một bước ngoặt mới

 

Nguyễn Tuấn Danh (tân sinh viên trường ĐH KHXH & NV) hiện nay vẫn còn đang ngập tràn niềm vui khi hoàn thành xuất sắc kì thi tuyển sinh đại học vừa qua với 23đ khối D1 (không nhân hệ số).

 

Năm ngoái, Danh thi khối D1 nhưng không may mắn lắm, thế là cậu ấy quyết định học nguyện vọng 2 trường ĐH Việt Đức. Sau một thời gian cảm thấy không hợp, Danh quyết tâm thi lại vào ngành mình thật sự đam mê. Và kết quả thật không ngờ, cậu ấy đã đậu với số điểm cao ngoài mong đợi.

 

“Nếu năm ngoái đậu nguyện vọng 1, mình đang học ĐH Tôn Đức Thắng, vào một ngành mình không thật sự đam mê. Mình chỉ chọn ngành đó đơn giản vì mình thấy khả năng của mình đủ để đậu vào ngành này. 1 năm qua, mình rất áp lực. Nhưng rồi với quyết tâm và đam mê. Mình đã thành công. Không có gì là quá muộn để bắt đầu. Cảm ơn vì đã trượt nguyện vọng 1!”, Danh chia sẻ

 

o0o

 

Nếu bạn đang ngồi sầu muộn vì không được may mắn trong kì thi năm nay, đừng vội bi quan hay có những suy nghĩ tiêu cực, chán nản. Tương lai nằm trong tay bạn, thành công do chính bạn tạo nên.

 

Vì vậy, trượt nguyện vọng 1 có khi lại là một bước ngoặt để bạn đi theo một hướng khác, nhờ đó bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, trưởng thành hơn. Biết đâu được, một thời gian sau, bạn sẽ nhận ra “trượt nguyện vọng 1 cũng đâu có gì là quá tệ” như ba nhân vật trong bài viết này

 

Theo Mực Tím