Giải mã hội chứng "sợ yêu" ở giới trẻ

Mai Linh

(Dân trí) - Nỗi sợ này xuất hiện khi ta đối mặt với các thể rối loạn cảm xúc liên quan đến tình yêu, hoặc có thể nó là ám ảnh kinh niên.

Giải mã hội chứng sợ yêu ở giới trẻ - 1

Ở mỗi người, các triệu chứng tâm lý sẽ xuất hiện khác nhau (Ảnh: Canva).

Philophobia là gì?

Philophobia là hội chứng "sợ yêu". Hội chứng này còn có thể là nỗi sợ bước chân vào một mối quan hệ hay nỗi ám ảnh về việc sẽ không thể duy trì một mối quan hệ. Trong nhiều hoàn cảnh, Philophobia có thể khiến con người cảm thấy thiếu tình yêu thương hay bị cô lập.

Philophobia có một số điểm tương đồng với hội chứng rối loạn ràng buộc xã hội thiếu kiềm chế (DSED), một chứng bệnh tâm lý thường gặp ở trẻ em dưới 18 tuổi.

Hội chứng DSED sẽ khiến người mắc chứng này khó hình thành mối liên hệ sâu sắc với người khác. Thông thường, hội chứng này thường bắt nguồn từ những tổn thương tâm lý ở thời thơ ấu.

Nỗi sợ này xuất hiện khi ta đối mặt với các thể rối loạn cảm xúc liên quan đến tình yêu, hoặc có thể nó là ám ảnh kinh niên.

Dù hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa ghi nhận Philophobia vào cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm lý (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), nhưng họ đều công nhận nỗi sợ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cá nhân.

Philophobia từ đâu mà ra?

Nguyên nhân của nỗi sợ này tùy thuộc vào tính cách hay quá khứ của mỗi người mà sẽ có cách lý giải khác nhau. Nhưng chúng ta có thể khoanh vùng những nguyên nhân thông thường sau đây.

Thứ nhất, do biến cố hay chấn thương tâm lý. Khi cuộc sống của bạn bị đảo lộn bởi nhiều mối quan hệ độc hại trong quá khứ, bạn dần mất niềm tin vào những mối quan hệ hay những con người bạn tiếp xúc hiện tại; thậm chí, bạn còn mất niềm tin vào chính mình.

Rối loạn lo âu trong bạn dần dần trở nên nghiêm trọng hơn, bạn sẽ có khuynh hướng ngăn bản thân bộc lộ những cảm xúc riêng tư hay không để mình dấn thân vào bất cứ cuộc tình nghiêm túc nào. Điều này dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và tạo tiền đề cho hội chứng Philophobia xuất hiện.

Thứ hai, do ảnh hưởng tâm lý từ thuở bé. Khi bạn được sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, phải chứng kiến những cuộc ẩu đả hay chính bạn lúc bé bị bạo hành trong gia đình. Những điều này sẽ liên kết các trải nghiệm của bạn từ quá khứ và hiện tại với nhau và hình thành nên tư duy về tình yêu - không tốt đẹp như bản chất vốn dĩ.

Giải mã hội chứng sợ yêu ở giới trẻ - 2

Để có một cuộc sống an yên và vui vẻ hơn, đừng ngần ngại nói ra cảm xúc của bản thân hay lắng nghe tư vấn bởi chuyên gia tâm lý. Suy cho cùng, ai cũng có mưu cầu hạnh phúc, dù là những người sợ tình yêu đi nữa (Ảnh: Pinterest).

Các triệu chứng của Philophobia

Ở mỗi người, các triệu chứng tâm lý sẽ xuất hiện khác nhau. Chúng có thể bao gồm cả phản ứng cảm xúc khi nghĩ đến việc yêu:

- Cảm giác sợ hãi hoặc hoảng sợ dữ dội

- Sự tránh né

- Đổ mồ hôi

- Tim đập loạn nhịp

- Khó thở

- Buồn nôn

Bạn vẫn có thể nhận thức được sự tồn tại vô lý của nỗi sợ ấy nhưng vẫn sẽ cảm thấy không thể kiểm soát được nó.

Tuy nhiên, ta có thể làm một cuộc khảo sát nhanh để xem mình có mắc chứng Philophobia này không, thông qua 7 dấu hiệu phổ biến:

- Cảm thấy gò bó khi ở trong một mối quan hệ

- Sợ những tổn thương

- Khó trao niềm tin

- Khó mở lòng

- Quá quen với cuộc sống một mình

- Không thể quên chuyện cũ

Philophobia cần được điều trị như thế nào?

Với những nỗi sợ khác, các bác sĩ thường điều trị bằng cách cho người bệnh tiếp xúc dần dần với đồ vật, con vật, địa điểm hay cảm giác gây cho họ nỗi sợ đó. Đây được gọi là liệu pháp "tự phơi nhiễm", tương tự với Philophobia.

Đôi khi bác sĩ tâm lý sẽ chỉ định một số loại thuốc để ta dùng song song trong quá trình điều trị, như thuốc an thần hay thuốc chống trầm cảm.

Đối với những trường hợp bệnh nặng hơn, các bác sĩ sẽ cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, tư vấn phương pháp trị liệu tâm lý khác. Song, Cognitive Behavioral Therapy (CBT) vẫn được xem là liệu pháp hiệu quả nhất chống lại Philophobia hay nhiều hội chứng khác. CBT tập trung tìm hiểu nguyên nhân hình thành nỗi sợ yêu của mỗi người và chuyển đổi suy nghĩ ấy trở nên tích cực hơn.

Để có một cuộc sống an yên và vui vẻ hơn, bạn trẻ đừng ngần ngại nói ra cảm xúc của bản thân hay lắng nghe tư vấn bởi chuyên gia tâm lý. Suy cho cùng, ai cũng có mưu cầu hạnh phúc, dù là những người sợ tình yêu đi nữa.