Gen Z kể chuyện duy tâm gieo quẻ đầu năm cầu may mắn

Diệu An

(Dân trí) - Đi lễ xin quẻ hay gieo quẻ đầu năm từ lâu đã trở thành một phong tục của người Việt. Nhiều bạn trẻ đến đền, chùa cầu mong một năm mới sức khỏe, tài lộc và hạnh phúc.

Đã từ lâu, việc gieo quẻ đầu năm diễn ra ở khắp mọi nơi, từ đền, phủ, miếu, điện, chùa chiền… Hiện nay, có rất nhiều phương pháp gieo quẻ phổ biến, như gieo quẻ Quan Tế Công, gieo quẻ Khổng Minh, gieo quẻ dịch số,… Nhiều người tin rằng việc luận giải quẻ sẽ giúp họ dự trắc được vận trình cuộc sống trong một năm tới.

Gen Z kể chuyện duy tâm gieo quẻ đầu năm cầu may mắn - 1

Hình ảnh người dân đi lễ đầu năm (Ảnh: Đỗ Quân).

Quẻ thẻ ngày xưa thường được làm bằng tre, trên quẻ có ghi số hiệu hay ghi một câu bằng tiếng Hán rất ngắn gọn. Tuy nhiên, ngày nay, các địa điểm sẽ thay thẻ tre bằng các thẻ giấy và chữ quốc ngữ để người xin quẻ có thể đọc và tự phân tích quẻ thẻ của mình mà không cần nhờ đến các thầy đồ.

Tục lệ đầu năm gieo quẻ vẫn được ưa chuộng ở thời của Gen Z

Người trẻ gieo quẻ đầu năm xuất phát từ mong muốn sẽ gặp được nhiều may mắn, an lành trong suốt cả năm đó. Đây là một phong tục đẹp đã được bao thế hệ lưu giữ từ lâu và phổ biến nhất mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Bạn trẻ Thúy Quỳnh (Đà Nẵng) thường đi gieo quẻ vào dịp Tết Nguyên đán cùng với gia đình như như một hoạt động truyền thống đầu năm và nó thỏa mãn sự tò mò của cô về tương lai.

Quỳnh chia sẻ: "Không chỉ có dịp đầu xuân năm mới, mình thường gieo quẻ khi gặp phải những vấn đề quan trọng mà chưa có hướng giải quyết. Đứng trước các kỳ thi quan trọng, những việc liên quan đến gia đình hay kiện tụng, mình thường xin quẻ để giải tỏa áp lực tâm lý và lấy lại bình tĩnh. Thay vì quyết định mơ hồ, mình sẽ có niềm tin hơn khi dựa vào quẻ thẻ. Dù kết quả đưa ra không phải là cơ sở khoa học nhưng mình có thể tham khảo để đưa ra quyết định hoặc trấn an bản thân".

Gen Z kể chuyện duy tâm gieo quẻ đầu năm cầu may mắn - 2

Đối với Quỳnh, không có yếu tố bên ngoài tác động đến niềm tin vào việc gieo quẻ, chỉ là tự bản thân cảm thấy tin tưởng vào việc làm này thôi (Ảnh: NVCC).

Phương Thanh (Hải Phòng) cho biết cô cùng gia đình thường đi chùa đầu năm, vừa du xuân, vừa gieo quẻ cầu mong một năm mới mọi chuyện suôn sẻ. Hoạt động này được duy trì và trở thành thói quen, trở thành việc làm không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến.

Thanh bộc bạch: "Khi mình gieo quẻ, các quẻ thẻ sẽ nói về hầu hết các vấn đề như sức khỏe, tài lộc, sự nghiệp, gia đạo, vận hạn,… Vì còn đang đi học nên bản thân mình để ý đến vấn đề sức khỏe, học hành và công việc nhiều hơn".

"Niềm tin vào việc gieo quẻ của mình đến từ những trải nghiệm trong cuộc sống. Khi xâu chuỗi các vấn đề lại thì mình cảm thấy tin vào những câu chuyện tâm linh và tin vào việc gieo quẻ hơn. Tất nhiên là điều may rủi còn đến từ nhiều yếu tố khách quan khác nhưng cũng không thể phủ nhận những luận giải vận hạn qua quẻ thẻ", Thanh nói thêm.

Gen Z kể chuyện duy tâm gieo quẻ đầu năm cầu may mắn - 3

Thanh tiết lộ rằng bản thân tin vào những luận giải vận hạn qua quẻ thẻ (Ảnh: NVCC).

Cẩn trọng khi lựa chọn nơi đặt niềm tin

Có thể thấy, giới trẻ ngày nay tìm đến gieo quẻ mỗi khi căng thẳng, lo lắng về tương lai của mình. Họ mong nhận được lời khuyên, mách bảo hướng đi để tham khảo và tin vào điều đó. Những câu hỏi người trẻ thường đặt ra là: Công việc trong năm tới có thuận lợi không? Việc học có suôn sẻ không? Có nên chia tay người yêu không? Tôi có thể bám trụ lại với công việc này không? Tôi phải làm gì để có công việc như mong muốn?...

Lợi dụng niềm tin của nhiều người, ngày càng xuất hiện nhiều chiêu trò gian lận đằng sau việc gieo quẻ. Những người luận giải quẻ nắm bắt tâm lý hoang mang, nhức nhối của người đi gieo quẻ, dùng những từ ngữ không rõ ràng, gây hoang mang để lừa đảo lòng tin, tiền bạc,…

Về vấn đề này, Thúy Quỳnh thẳng thắn bày tỏ: "Hành vi lợi dụng truyền thống tốt đẹp để trục lợi, gây rối trật tự xã hội, làm tổn hại sức khỏe cần tới sự can thiệp của pháp luật. Bên cạnh đó, để tránh việc bị lợi dụng từ hoạt động trên, mỗi người cần học cách tự phòng tránh, cẩn trọng khi lựa chọn nơi đặt niềm tin của mình. Mỗi người nên phân biệt được đâu là phong tục tập quán và đâu là mê tín dị đoan để tránh rước họa vào thân".

Cùng quan điểm, Phương Thanh chia sẻ thêm: "Hoạt động gieo quẻ đầu năm là một nét đẹp truyền thống và nên được duy trì. Đối với mình, mái chùa, quẻ bài… là những hình ảnh mang hương vị ngày Tết, mang bản sắc dân tộc Việt và sẽ in sâu vào tiềm thức mãi đến sau này. Việc này gây hại hay không phụ thuộc vào người xem quẻ chứ không làm thay đổi bản chất của việc làm đó. Nếu gieo quẻ không còn thì mỗi dịp đầu năm sẽ rất trống vắng và có phần mất đi vị Tết".

"Mong muốn được bình an, sung túc là nguyện vọng chính đáng của mọi người. Việc đi lễ, gieo quẻ đầu năm mới là tập tục tốt đẹp tuy nhiên, quẻ thẻ cũng chỉ là một "bản phác thảo" tương lai để mỗi người tham khảo và không nên quá đặt nặng niềm tin vào đó. Bởi vận mệnh là do con người quyết định và mọi thứ đều có thể thay đổi", Thanh nói.