Gặp chàng trai chỉ thích “làm cho vui thôi”

(Dân trí) - Sở hữu chiều cao đến 1m82, dáng chuẩn kèm nụ cười đầy vẻ nam tính, Trọng Nghĩa luôn xông xáo trong các hoạt động mang tính cộng đồng và luôn cười toe với những tấm huy chương từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp…

Vốn là vận động viên cầu lông của Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia III, đang trên đà tiến tới vận động viên chuyên nghiệp thì Nghĩa đột ngột chuyển hướng thi vào đại học. Đỗ tới 2 trường đại học, vẫn “giật” huy chương đều đều trong các cuộc thi dành cho môn cầu lông, là một trong những thành viên tích cực của BTC chương trình gặp mặt Earth Hour - Chung tay tắt điện, bật tương lai diễn ra vào tối ngày 28/3 vừa rồi ở Sài Gòn. Không chỉ vậy Nghĩa còn “chạy chân trong chân ngoài” cho những dự án xây dựng sân cầu lông mới cho thể thao quận 7 lẫn ở trường đại học đang theo học, kiêm nốt chân CTV của dự án từ thiện GFO ở TPHCM, thế nhưng mọi điều với anh chàng này chỉ là “em làm cho vui thôi mà!”.


Gặp chàng trai chỉ thích “làm cho vui thôi” - 1

Mặc dù đảm nhiệm ở nhiều vị trí khác nhau trong các hoạt động của trường, của các tổ chức... nhưng Trọng Nghĩa luôn bảo "em chỉ làm cho vui thôi".
 

 

Bước ngoặt đầu tiên

 

14 tuổi, cậu bé dong dỏng cao với khuôn mặt cười hiền lành vác balô ra Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia III (Đà Nẵng) để theo đuổi sở thích cầu lông của mình. Trúng tuyển trong một đợt tuyển chọn hạt giống mới cho những giải trẻ, sau khi bàn bạc kĩ với ba mẹ, Nghĩa quyết tâm đặt chân lên con đường “chinh chiến” khi tuổi đời còn rất trẻ.

 

Ở một nơi hoàn toàn xa lạ, lịch tập luyện dày đặc ngay từ đầu đã khiến cậu bé từ miền quê xa xôi của tỉnh Quảng Ngãi ít nhiều nản lòng. “Nhưng nam nhi chi chí, quyết tâm ra đi thì phải có gì đó mới trở về”, Nghĩa muốn chứng minh ý chí của mình từ khi còn là một cậu bé con như thế.

 

Những sáng dậy từ 4h, chạy ròng rã 10km để tập luyện, bơi nửa tiếng, 8 tiếng tập luyện kỹ thuật liên tục ở sân cầu lông là những tháng ngày “kinh khủng” đối với anh chàng. Những ngày đi về, Nghĩa chỉ trông mong đổ vùi xuống giường và ngủ. Nhưng rồi Nghĩa vẫn phải tự vực mình dậy, đến lớp. Sự khác biệt về việc học văn hóa ở một trường điểm và một trung tâm huấn luyện thể thao cũng khiến Nghĩa càng phải cố gắng để không bị bạn bè theo học chính quy bên ngoài bỏ lại.

 

“Em có một bà chị rất ghê gớm, và phải đảm bảo yêu cầu vừa luyện tập, vừa theo đủ chương trình kiến thức chính quy mới được tiếp tục. Cả nhà em ai cũng đánh giá cao việc có kiến thức làm nền tảng đầu tiên, luyện tập được xếp sau đó”, Nghĩa gãi gãi đầu “giải trình” về việc theo học văn hóa một cách nhiệt tình của mình.

 

Sau những giải lớn bé dành cho những vận động viên trẻ, Nghĩa chỉ luôn đem về những tấm huy chương hoặc bạc, hoặc đồng. Điều đó khiến anh chàng suy nghĩ không ít về chính khả năng thể thao của mình. Để rồi sau đó khi có sự định hướng mới, Nghĩa đột ngột chuyển hướng sang theo học văn hóa và từ bỏ sự nghiệp thể thao của mình.
 
Gặp chàng trai chỉ thích “làm cho vui thôi” - 2

 

Đôi nét về Trọng Nghĩa:

 

Sinh ngày: 14/9/1989

 

- 8 năm liền là học sinh giỏi xuất sắc.

 

- Có một bộ sưu tập huy chương bạc với đồng các giải cá nhân cầu lông xuất sắc toàn quốc, các giải nghiệp dư mở rộng.

 

- Huy chương đồng giải Cầu lông trẻ Quốc tế.

 

- Đỗ thủ khoa kỳ toàn tỉnh thi tốt nghiệp bổ túc lớp 12.

 

- Top đầu trường ĐH TDTT, đỗ khoa Quản Trị Kinh Doanh trường Tài Chính Marketing.

 

- Thành viên BTC chương trình EarthHour tại TP HCM đêm 28/3/2009

 

- CTV của hội từ thiện GFO

 

- Trưởng nhóm cầu lông trường Marketing, trưởng dự án xây dựng sân tập cầu lông của trường.

Bước ngoặt thứ hai

 

“Thật ra người ta bảo cần sự mạnh mẽ, kiên trì để theo đuổi sở thích và đam mê, còn em thì nghĩ phải cần dũng cảm thì người ta mới từ bỏ sở thích của mình. Em tự nhận thấy năng lực của mình còn yếu kém, muốn phát triển lên đến mức độ chuyên nghiệp, ghi danh trên đấu trường quốc tế như anh Tiến Minh là điều không tưởng. Nên em lựa chọn những điều thực tế hơn, dù đôi khi sự từ bỏ sự nghiệp cầu lông khiến em bứt rứt không ít”, Nghĩa ngậm ngùi chia sẻ.

 

Ngay khi kết thúc học kỳ I của lớp 12, ở TT huấn luyện TT có sự biến đổi lớn. Hoặc bạn lựa chọn thi đấu để tiếp tục tiến lên chuyên nghiệp, hoặc xách vali và về nhà. Sau khi đắn đo và phân vân, Nghĩa đã quyết định xách vali về quê để tiếp tục theo học ở một trường bổ túc. “Điều đáng buồn là những vận động viên khi trở lại sẽ không được theo học chính quy. Khi mới về, em rất buồn vì bị nhiều người dòm ngó, nói này nói kia. Nhất là quê em lại nhỏ, ai cũng biết nhau. Nghe người ta xì xào cũng buồn là tại sao mình lại phải theo học bổ túc”. Nhưng rồi cũng chính vì những lời xì xào đó đã hun đúc cho chàng trai sắp 18 tuổi nghị lực để theo đuổi chương trình của 3 năm cấp III trong vòng 5 tháng của học kỳ II còn lại.

 

Trong vòng 5 tháng ngắn ngủi, Nghĩa đã phải “nạp” vào mình một lượng lớn kiến thức bị hổng, bị thiếu sót, bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất. Ba mẹ anh chàng phải lấy uy tín để đảm bảo cho Nghĩa theo học kèm tại gia với các thầy cô giáo giỏi của tỉnh. “Có cô còn nói rằng không dám đảm bảo cho em vì sợ kiến thức hổng nhiều quá! Nên nếu cô dạy thử một hôm mà thấy được, cô mới nhận lời để dạy”. Để không phụ lòng của ba mẹ thêm một lần nữa, Nghĩa đã quyết tâm chứng tỏ được mình khi mỗi ngày đều “cày” trên bàn học đến độ ngủ gục thì thôi.
 
Gặp chàng trai chỉ thích “làm cho vui thôi” - 3

 

Bước ngoặt thứ 3

 

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau khi đỗ thủ khoa toàn tỉnh kỳ thi tốt nghiệp bổ túc, Nghĩa đã đỗ một lúc 2 trường đại học Tài Chính Marketing khoa Quản trị kinh doanh và nằm trong top của trường Đại học Thể dục Thể thao. Khi cầm giấy báo trúng tuyển đại học trên tay, lời đầu tiên Nghĩa nói là lời cám ơn ba mẹ.

 

Lần thứ 2 trong đời, anh chàng sắp tròn 18 tuổi vác vali “chinh chiến” xa nhà. Cũng từ đây, tính năng nổ trong hoạt động Đoàn của Nghĩa có dịp được “phát tiết”. Trở thành lớp trưởng bởi cái dáng vẻ “có uy” ngay năm đầu, tham gia tích cực trong mọi chiến dịch của trường. Ngay năm nhất, anh chàng còn ẵm luôn giải vô địch cầu lông toàn trường bởi “nghề của em mà”. Không những thế, Nghĩa còn phụ giúp các thầy trong chương trình tổ chức giải, rồi còn hướng dẫn các bạn trong giờ học thể dục thể chất bắt buột ở trường. “Có vẻ như em được thừa hưởng gen của ba mẹ nên em có năng khiếu về thể thao”, Nghĩa cười cười.
 
Gặp chàng trai chỉ thích “làm cho vui thôi” - 4

 

Năm hai, Nghĩa “từ chức” lớp trưởng, trở thành liên chi phó Đoàn trường “thầu” tất thảy những chương trình dự án lớn bé. Không chỉ có năng khiếu về thể thao, Nghĩa còn được ưu ái thêm năng khiếu về âm nhạc. Tự học breakdance và phô diễn không kém bất cứ dân breakdancer nào, giọng ấm, thậm chí từng được một cô giáo luyện thanh - người quen của chị gái khen là có chất giọng, và hướng vào con đường giải trí. Nhưng “mòn mặt” với những sân thi đấu, với khán giả cổ vũ như thế, nhưng Nghĩa lại “khớp” nếu phải đứng trên sân khấu, dù vẫn tham gia hội diễn văn nghệ hàng năm của trường một cách xông xáo. 

 

Bài và ảnh: Hà Phan