Dự báo xu hướng trẻ 2008:

Game Việt sẽ lên một tầm mới

(Dân trí) - Tương lai của game xếp hình? Quảng cáo trong game? Liệu các game thủ có thể nổi tiếng như ca sĩ?... Hãy cùng dự báo xu hướng và sức ảnh hưởng của game tới giới trẻ qua lăng kính của những gamer có “thâm niên trong nghề” nhưng mới chỉ ở tuổi 20.

* Nguyễn Hùng Anh (James Nguyen)
Sinh năm 1987
Trưởng dự án GameK (Vietnam Game Channel - http://gamek.vn)

Game Việt sẽ lên một tầm mới   - 1

Quảng cáo trong game 

2008 sẽ là năm mà các nhà quảng cáo sẽ thâm nhập sâu hơn, mạnh mẽ hơn trong thế giới game, cả online và offline. Quảng cáo sẽ xuất hiện mọi nơi, khu mua sắm, cạnh avatar của nhân vật, trên quần áo, xe hơi…  

Một ví dụ thương mại thú vị là chiếc xe môtô Yamaha hay các linh kiện máy tính Asus trong game Cabal Online, một vật phẩm rất thú vị, lung linh, hot và rất đặc trưng. 

Quảng cáo trong game không phải là một ý tưởng quá tồi, nó sẽ làm các nhà phát hành game thực sự chú ý vào game của mình hơn, sẽ có thêm các chuyên gia thiết kế vào cuộc. Game do đó sẽ trở nên “thật” hơn, sống động hơn và đầy màu sắc hơn. 

Game Việt sẽ lên một tầm mới   - 2

Quảng cáo Heineken trong game.

Tính thương mại trong game tăng lên cũng đồng nghĩa với việc người chơi game sẽ chuyên nghiệp và khó tính hơn trong lựa chọn của mình. 

Đơn giản hóa và phức tạp hóa 

Tương tác trong game ngày càng cao, năm 2007 đã chứng kiến 1 sự cạnh tranh đầy khốc liệt giữa Wii và PS3/Xbox360.  

Nó đã không chỉ là cuộc chiến của các nhà phát hành Nintendo, Microsoft và Sony mà nó còn là cuộc chiến của sự đơn giản và phức tạp của các tay cầm: Nintendo với “cây gậy thần” đơn giản nhưng đặc sắc và rất hữu dụng Wii, trong khi 2 gã khổng lồ còn lại đang sa đà với việc phát triển các tay cầm kết hợp 14 nút bấm trên Playstation3 và Xbox360.  

Sẽ là rất thú vị khi theo dõi cuộc đối đầu này trong năm 2008, còn bạn, Wii hay (14+ PS3)? 

Liên kết, và nhiều người chơi 

Online hay offline, nhiều người chơi bao giờ cũng vui hơn, và có lẽ 2008 sẽ chứng kiến ngày một nhiều hơn sự phát triển của thể game nhiều người chơi.  

Sự thành công của các game offline như Call of Duty 4, Fifa 2008, của máy game Wii, hay hàng loạt các game online đang có trên thị trường đều mang dáng dấp của chế độ nhiều người chơi Multi-players.  

Sự quay trở lại kịp thời và rất đáng được mong chờ của Gamer Việt cũng như thế giới với Starcraft 2 trong năm 2008 sẽ một phần chứng tỏ điều đó. 

Game xếp hình sẽ có hàng triệu người chơi 

Có những thứ không bao giờ thay đổi. Và đó là sự thành công của những Tetris (xếp hình) và Snake (rắn săn mồi)! Một sự đơn giản xuất sắc và đầy tính hiệu quả.  

Bỏ qua những game 3D với các card màn hình GeForce 8800 đắt tiền, đâu đó vẫn còn hàng triệu người chơi mong muốn một sự đơn giản, chỉ để giết thời gian, không phải là điều xấu chứ? 

Các máy game Không-phải-PC sẽ phát triển 

Đó là Playstation 3, PSP, Xbox 360, Mobile Game, Wii,… Sự phát triển của Game Console sẽ trở lại với Việt Nam. Tại sao lại là trở lại? Không chỉ có PS2, chẳng phải Việt Nam cũng đã từng 1 thời vang bóng với “Điện tử 4 nút” đấy thôi, là chiếc máy NES của Nintendo đấy! 

Game Online “nhẩy sang” Offline nhiều hơn  

Các event, các bữa tiệc game sẽ có mặt nhiều hơn, đầy sắc màu, âm nhạc và quyến rũ với cả sự xuất hiện rất được mong chờ của các nữ Cosplay xinh đẹp. 

Năm 2007 đã mở đầu lác đác với một vài game show truyền hình, và chỉ có Auditon trên VTC gây được ấn tượng tốt nhất. Nhưng game giờ đây sẽ không còn chỉ xuất hiện trên màn hình máy tính nữa, nó sẽ có mặt trên các show truyền hình với mức độ tương tác lớn hơn rất nhiều.  

Một thời gian không xa nữa, bạn sẽ đuợc chứng kiến những trận đánh đẳng cấp cao Starcraft 2 nảy lửa, những trận cầu sôi động ở sân cỏ Winning Eleven, những bữa tiệc game trên màn hình TV vào “giờ vàng” của game: 11h tối!  

Game Free sẽ vẫn sẽ có chỗ đứng 

Luật 5 giờ chơi được áp dụng cho game online khiến cho Gamer Việt chọn lọc một cách khắt khe hơn với thời gian mình bỏ ra, cụm từ “cày game”và “chặt chém” đã, đang và sẽ bị cạnh tranh khốc liệt từ những game đơn giản dễ chơi (casual) hay cuộc sống ảo.  

Với lợi thế không cần bản quyền, sẽ có nhiều nữa những game miễn phí, không chỉ online mà cả offline xâm nhập vào Việt Nam trong năm tới. 

Lợi thế hội nhập của game thủ 

Thị trường game tại Việt Nam rất khác với Trung Quốc từ nền văn hóa, người chơi, cũng như hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ của nước này. Trong khi đó, Gamer Việt vốn đã quen với việc “chơi lại” game từ nước ngoài nên dễ dàng thích nghi hơn, và hoàn toàn có thể chấp nhận những game mang tính quốc tế.  

Đó chính là điểm sáng được đánh highlight trong bản đồ phát triển của những game mang tính cộng đồng lớn như Second Life, World of Warcraft, hay Final Fantasy XI (Online). Dĩ nhiên, các nhà sản xuất sẽ không bỏ lỡ một thị trường đầy tiềm năng như vậy. 

* Lưu Vũ Hà Trung
Sinh năm 1987
Leader proArmy.Gaming
Giải 3 World Cyber Game - game StarCraft
 

Game Việt sẽ lên một tầm mới   - 3

Gamer Hà Trung (áo đỏ): "Năm 2008, Gamer Esport sẽ trở thành một nghề. Tương lai, nó sẽ là một môn thể thao". 

Game esport Việt - đã vươn ra khu vực 

Bắt đầu bằng World Cyber Game (WCG) năm 2003, phong trào esport tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện. Cho đến năm 2007, WCG đã trở thành giải đấu số 1 thế giới với số lượng Gamer tham dự lên đến hàng ngàn người tại mỗi quốc gia. 

Đến nay, giới game thủ đã có nhiều giải đấu chuyên nghiệp do Việt Nam tự tổ chức. Từ năm 2006, tổ chức VEN (Vietnam Entertainment Network) đã được thành lập để quản lý và tổ chức các giải đấu game chuyên nghiệp trong nước (esport.vn). Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã quan tâm nhiều hơn đến game.  

Esport Việt 2007 phát triển về cả chất lượng và số lượng người tham gia thi đấu các game esport, trình độ tiến dần ngang bằng so với thế giới.  

Gamer sẽ trở thành siêu sao 

Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu đã công nhận game esport là một môn thể thao chứ không còn là một trò chơi giải trí đơn thuần. 

Viễn cảnh có một “trung tâm đào tạo Gamer” tại Việt Nam có lẽ không còn xa. Khi đó, các công ty về IT như FPT hay Trần Anh chẳng hạn, sẽ tập hợp các game thủ giỏi lại như tập hợp một đội bóng, sẽ trả lương và đào tạo họ. Sẽ có những giải đấu nhà nghề, bán chuyên hoặc dưới nữa. 

Tại Hàn Quốc, các game thủ hàng đầu nổi tiếng không kém các ngôi sao ca nhạc. Muốn xem những trận đấu của họ, bạn sẽ phải mua vé, rồi truyền hình trực tiếp trên truyền hình, mua bản quyền… 

Viễn cảnh này sẽ xảy ra sớm tại Việt Nam, biết đâu lại là năm 2008 này! 

Phương Thành Trung (ghi)