Emo Group - Trào lưu hay cái giá của nước mắt

“… Nhìn đời dưới con mắt hơi bi quan, dễ dàng oà khóc thảm thiết trước đám đông, hội chứng Emo giống như cách cảm nhận khác về cuộc sống của một bộ phận lớp trẻ…” (Trích Văn hoá Emo).

>> Phong trào “tôn sùng” nước mắt

 

>> Văn hóa EMO của giới trẻ Matxcơva

 

Nhận diện một Emo Group Việt

 

Văn hoá Emo du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây như bằng chứng cho việc xoa dịu cái ngông, thích nổi bật của một bộ phận giới trẻ. Vì sao lại là Emo Group? Chỉ đơn giản là giới trẻ Việt chạy theo trào lưu Emo và họ chỉ thực sự là Emo khi họ tụ tập thành nhóm, mỗi nhóm đều có một thủ lĩnh và cùng nhau tôn thờ một số lĩnh vực mà có thể … khiến họ sụt sùi nước mắt ngắn dài trong chốc lát.

 

Tôi diện kiến một nhóm Emo của Đại học Hà Nội trong quán nước gần trường. Thu Hằng (20 tuổi) đang thao thao bất tuyệt kể về những mối tình đẹp đẽ dường như chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết. Chỉ một lúc sau, cả nhóm gồm 5 người đã cùng Hằng phiêu lưu trong những tình yêu chẳng bao giờ “đụng hàng”, thậm chí dẫn chứng ra cả những cuộc tình như Phạm Công - Cúc Hoa. Và để thuyết phục hơn, cô bạn Vân Anh đã kịp rơi vài giọt nước mắt xót thương cho nhân vật.

 

Hằng, tự xưng là thủ lĩnh của nhóm thường đưa ra một chủ đề nhất định và cái kết của cuộc thảo luận bao giờ cũng là … nước mắt. Họ tôn thờ tình yêu, mục tiêu của họ là những tình yêu tinh khiết và những phút giây lãng mạn.

 

Trái ngược với nhóm Emo của Hằng, Tuấn (18 tuổi) cũng tự xưng là một Emo Leader của nhóm có 3 thành viên. Thoạt nhìn 3 người, tôi cũng chỉ đoán là những anh chàng nhiễm thời trang Unisex vì vẻ bề ngoài hào nhoáng một cách lập dị. Tuấn cắm cúi vào màn hình vi tính một lúc rồi bỗng cất lên tiếng hét thất thanh khi lỡ vào một trang web … đang có cảnh một đôi tình nhân đang hôn nhau kiểu Pháp.

 

Cả 3 anh chàng thành viên trong nhóm này đều tôn thờ lối sống trong sáng, thánh thiện và nếu… lỡ ai đó lên án lối sống này, Cả 3 có thể cùng rầu rĩ chẳng thèm tiếp chuyện bạn.

 

Để nhận dạng 1 Emo không khó. Nam Emo thường rất gầy như người thiếu ăn, tóc luôn vuốt keo xù xì và cách ăn mặc nữ tính còn nữ Emo thiên về lối trang điểm ấn tượng như tô mắt màu sáng, ăn mặc màu đồng hoặc đen, tóc tai dị thường không theo mốt.

 

Trào lưu hay “cái giá” của nước mắt

 

Người xung quanh có thể nhìn các Emo Group như những kẻ lập dị và có phần trẻ con chưa lớn, thậm chí dở hơi. Tuy nhiên, những hội chứng cảm xúc đó khiến cho các Emo sống thường rất có tình nhưng… hầu như không hợp lý. Các Emos mà tôi có cơ hội diện kiến đều cố gắng thể hiện một lối sống lành mạnh, sự tôn thờ trong họ luôn bất diệt nhưng cũng có những Emos tôn thờ những suy nghĩ tiêu cực, thiếu lạc quan trong giới trẻ.

 

Emo Group Việt chưa nhiều nhưng đang có biểu hiện thành một trào lưu sống của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ còn xem Emo là mốt, biết buồn rầu và biết khóc mới là giới trẻ hiện đại. Bên cạnh đó, việc tồn tại những Emo nửa vời, biến thái và suy nghĩ lệch lạc trong tình cảm cũng đáng báo động. Có những bạn trẻ đến với Emo chỉ đơn giản là áo quần, thích ăn mặc khác người và tự cho rằng đấy mới là cá tính.

 

Emo Group Việt mới chỉ là những nhóm tự phát và lan truyền ở mức độ nhẹ và thực sự cần những định hướng đúng đắn dù cho đó là trào lưu hay văn hoá. Từ đó, có thể tránh được những suy nghĩ tiêu cực ở lứa tuổi teen và hơn hết là có phù hợp với văn hoá Việt Nam hay không?

 

Các bạn trẻ nói gì?

 

Nguyễn Hùng Anh, 20 tuổi, Hà Nội  

 

Emo Group - Trào lưu hay cái giá của nước mắt  - 1
  

Thời gian gần đây tôi có nghe nói nhiều về trào lưu này chứ thực sự không quan tâm lắm. Tôi đã gặp những người như vậy nhưng bây giờ tôi mới biết họ có tên gọi hẳn hoi. Ngoài những Emo giả tạo, nửa mùa thì thực sự những người Emo đều là người tốt và tình cảm.

 

Có một thời gian tôi ở nước ngoài, tôi đã gặp một nhóm teen ăn mặc hơi khác người và… một bạn nữ trong nhóm bỗng ôm chầm lấy tôi và khóc lóc thảm thiết khi chứng kiến những người ăn xin khốn khổ ở vỉa hè.

 

Trần Lê Bích Ngọc, 19 tuổi, Wesber University, Thái Lan  

 

Emo Group - Trào lưu hay cái giá của nước mắt  - 2

 

Emo Kid cũng xuất xứ từ những gì dòng nhạc Emo Punk đang thịnh hành trên thế giới. Câu nói cửa miệng của các Emo là “Noone understands me” chỉ chính là những gì họ thương hại chính bản thân họ.

 

Tôi không biết nhiều về Emo tự phát ở Việt Nam, nhưng các Emo kid nói chung hãy nhớ rằng rất nhiều bạn trẻ gặp những rắc rối tương tự hay thiệt thòi về thể chất nhưng họ đang tìm cách vượt qua chứ không bi quan như Emo kid.

 

Đông Âu, 18 tuổi, TPHCM

 

Emo Group - Trào lưu hay cái giá của nước mắt  - 3
   

Gần đây, phong trào style Emo trong cách ăn mặc ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ. Tôi không thể không nhìn khi thấy những anh chàng “khúc xương di động” và ăn mặc khác người đến dị dạng.

 

Một người bạn của tôi cũng theo trào lưu Emo và bản thân tôi thấy rằng tôn sùng nước mắt cũng chẳng có gì ghê gớm nếu đó thực sự xuất phát từ bản năng, trong khi một số nhân vật lại dùng việc này để cố tình gây sự chú ý khiến gây không ít phản cảm.

 

Xã hội phân chia ra nhiều kiểu người. Emo cũng có thể gọi là một cách sống, một “luồng văn hoá” mới của teen. Tiêu cực hay không tiêu cực, xấu hay không xấu thì chỉ người trong cuộc mới biết được.

 

Theo Thế Giới Học Đường