“Đào nương” 6 tuổi

Đêm đông thanh vắng, tiếng hát xẩm lảnh lót của cô bé 6 tuổi vang lên mời gọi, khiến ai ngang qua khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, cũng phải dừng chân.

Chưa biết đọc nhưng mê hát

Ới... ới... ới ... ới ơ ới ờ/Chẳng yêu, chẳng để chẳng gì, cũng liều nhắm mắt bước đi cho đành/Một duyên hai nợ ba tình, chữ duyên chữ hiếu, chữ tình ai mang”... Những tiếng ca lảnh lót vang lên đêm đêm ở khu vực Lầu bát giác, phía sau vườn hoa Lý Thái Tổ đã níu bước chân của bao du khách thập phương. Không ít người đã coi thời gian từ 20h đến 21h mỗi tối thứ 3, thứ 5 hằng tuần là để đi gặp cô bé Thanh Thanh Tấm. Cũng ít ai biết rằng, dù chưa biết đọc nhưng gia tài của đào nương nhí này lại toàn là những bài dân ca vào loại khó hát nhất.

 

“Đào nương” 6 tuổi - 1
Thanh Thanh Tấm mê hát những bài dân ca cổ.

 

Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, bố là nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú, mẹ là nghệ sĩ hát chèo nổi tiếng Thanh Thanh Hiền, Thanh Thanh Tấm (tên thật là Hoàng Anh Thái Phương, hiện là học sinh lớp Một, trường Tiểu học Ba Đình, Hà Nội) có khả năng cảm thụ âm nhạc, đặc biệt là dân ca rất tốt. Từ khi nói sõi cũng là khi Thanh Thanh Tấm biết nghêu ngao những bài dân ca, lớn thêm chút nữa, những bài cô bé hát tự nhiên có nhịp, điệu rõ ràng. Ngạc nhiên trước khả năng của con, anh Hoàng Anh Tú dành thời gian luyện tập thêm cho con. Và khi lên 5 tuổi, cô bé đã cùng cha mình đi khắp nơi trong và ngoài nước biểu diễn.

Tuy đã quen sân khấu được một thời gian khá dài nhưng Thanh Thanh Tấm cho biết, bạn ở lớp rất ít người biết em có khả năng đặc biệt này. “Thỉnh thoảng cô giáo ở lớp có hỏi thăm việc con đi hát, nhưng con đều nói không mệt. Con vừa thích các bạn biết, vừa không thích”, Thanh Thanh Tấm kể.

Bố của Thanh Thanh Tấm, NSƯT Hoàng Anh Tú kể, Tấm có một năng khiếu đặc biệt về giọng hát và cảm nhận âm nhạc. Giờ đây để thuộc lời, thuộc nhạc một bài hát mới cô bé chỉ cần 30 phút tập trung. Tuy nhiên, để có thể biểu diễn sinh động thì Tấm cần thời gian luyện tập nhiều hơn thế. Nhưng gia đình vẫn để cháu tự tập khi hứng thú hơn là ép.

Một gia tài âm nhạc phong phú

Mới  hơn 6 tuổi, vừa học lớp một được hơn một học kỳ nhưng Tấm đã có gia tài riêng là một CD thu âm 5 ca khúc gồm bốn bài dân ca: Mời nước mời trầu, Lý Ngựa ô, Lý kéo chài, Say trăng và một bài xẩm Mục hạ vô nhân. Tấm bảo thích hát dân ca hơn, đặc biệt là những bài như Lý ngựa ô, Say trăng, vì nó ngắn, dễ thuộc. “Nhưng khán giả lại thích con hát Mục hạ vô nhân”, cô bé kể. Vì thế, lịch biểu diễn trong các show diễn của Tấm thường là hát xẩm Mục hạ vô nhân với cha và một bài dân ca.

 

“Đào nương” 6 tuổi - 2
Nhiều khán giả thích thú với màn biểu diễn Mục hạ vô nhân của Tấm cùng với bố.

 

Nguyên tắc của Thanh Thanh Tấm là mỗi lần biểu diễn chỉ hát hai bài. Cô bé cho biết, hát nhiều cũng rất mệt nên cô bé không bao giờ cố. “Kể cả khi khán giả yêu cầu con cũng không hát thêm. Con chỉ yêu các em nhỏ, nên nếu các em thích con sẽ chụp hình kỷ niệm cùng”, Thanh Thanh Tấm kể.

Fan của Thanh Thanh Tấm đủ loại đối tượng. Các em nhỏ thấy chị Tấm hát trên sân khấu cũng nhún nhảy theo. Người lớn vừa xem vừa gật gù tán thưởng. Anh Eric Joncour, người Pháp, thì thì chia sẻ, lần đầu tiên anh tới đây vì giật mình trước giọng ca của ca sĩ nhí này. Những lần sau anh tới vì thấy thích nên hằng tháng nay cứ một tuần hai buổi anh lại rủ thêm bạn tới xem.

Theo lời kể của cô bé, Tấm thường học hát sau khi ở trường về, tối đến thì học bài xong là chơi điện tử. “Bố không ép con, con thích thì học thôi, thỉnh thoảng bố chỉ cho con cách hát cho  đúng”.

Hiện, Tấm cùng với bố và Công ty văn hóa nghệ thuật T&T có lịch biểu diễn định kỳ mỗi tuần hai buổi vào các tối thứ 3 và thứ 5 ở Lầu lục giác, sau tượng đài Lý Thái Tổ. Anh Tú cho biết, chương trình nằm trong dự án bảo vệ cây đàn bầu Việt Nam do Sở văn hóa Thể thao và du lịch khởi xướng. Kinh phí thu được cho mỗi đêm diễn cho cả ê-kíp hơn 10 người chỉ có 5 triệu đồng nhưng cả đoàn vẫn làm với hy vọng, sau chương trình này tiếng đàn bầu, những bài dân ca sẽ trở nên quen thuộc trong nhịp sống hối hả hiện nay.

 

Theo Thủy Liên

Đất Việt