Chuyên gia luật "nâng tầm" hiểu biết biển Đông cho sinh viên

(Dân trí) - Các chuyên gia luật cùng nhau làm sáng tỏ nhiều vấn đề về biển Đông để sinh viên thêm kiến thức trong cuộc toạ đàm về “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế”.

Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay, trường ĐH Luật liên tục mở những cuộc toạ đàm, hội thảo chuyên sâu để các chuyên gia, giảng viên và sinh viên tìm hiểu, bàn luận về vấn đề Luật biển quốc tế. Hoạt động này giúp nâng cao hiểu biết về vấn đề biển Đông trong giới luật học cũng như sinh viên nói chung.

TS. Trần Công Trục mở màn buổi 

TS. Trần Công Trục mở màn buổi  toạ đàm khoa học nói về “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế”

Vừa qua, ĐH Luật đã đứng ra tổ chức buổi toạ đàm khoa học nói về “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế”.

Tham gia buổi toạ đàm có các chuyên gia về pháp luật và luật biển quốc tế: TS. Trần Công Trục, PGS.TS Nguyễn Bá Diến, TS. Lê Quý Quỳnh, TS. Nguyễn Toàn Thắng, TS. Nguyễn Thị Thuận. Trong buổi toạ đàm, các chuyên gia về luật pháp quốc tế đã trả lời những câu hỏi của giới luật học bao gồm cả các luật sư và sinh viên trường Luật.

TS. Trần Công Trục cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 tại vùng biển Việt Nam là một cuộc xâm lược mềm nhằm chiếm tài nguyên, vi phạm quyền lợi chính đáng trên chính vùng biển thềm lục địa Việt Nam. Hành động này đã cho thấy Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quy tắc Luật biển quốc tế mà chính nước này đã thông qua năm 1982.


“Hành động của Trung Quốc là có tính toán từ trước và nằm trong một chiến lược lâu dài. Điều quan trọng là chúng ta đã phản ứng đúng và kịp thời. Trong đó tuyên bố ý nghĩa nhất là của Thủ tướng tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua. Điều quan trọng thủ tướng đã thông báo cho công chúng, dư luận trong nước và quốc tế rằng giàn khoan Trung Quốc đã đặt vào thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cùng những thông tin rất chính xác về vụ việc”, TS. Trần Công Trục chia sẻ.

Các tiến sĩ, giáo sư luật học đều có chung một quan điểm nhất quán về việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài khoá của nước ta. 5 chuyên gia cùng đưa ra những bằng chứng xác thực viện dẫn từ luật pháp quốc tế để cho thấy hành động sai trái của Trung Quốc như điều 60 và 80 của Công ước Luật biển năm 1982, điều 1 và 2 Hiến chương Liên hợp quốc...

Càng đi sâu vào phân tích vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng biển Việt Nam không khí hội trường gần 1.000 người tại ĐH Luật càng nóng.

Một trong những sinh viên trường Luật đặt câu hỏi rằng tại sao Việt Nam không dùng vũ lực ngay khi bị Trung Quốc vi phạm chủ quyền, PGS.TS Nguyễn Bá Diến cho rằng: “Hành vi hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc tại thềm lục địa của Việt Nam đã nằm trong chiến lược của Trung Quốc từ lâu, được lập trình bài bản. Với tư cách là công dân và là một nhà khoa học nghiên cứu luật pháp tôi cho rằng chúng ta có nhiều giải pháp hữu ích hơn là vũ lực để đối phó với tham vọng của người láng giềng khổng lồ.

PGS.TS Nguyễn Bá Diến khẳng định phải sử dụng cây “nỏ thần” là luật pháp quốc tế để đấu tranh

PGS.TS Nguyễn Bá Diến khẳng định phải sử dụng cây “nỏ thần” là luật pháp quốc tế để đấu tranh

Chúng ta cần phải thấy rằng sức mạnh của Việt Nam hiện nay là luật pháp, công lý. Chúng ta thuộc về lẽ phải và Trung Quốc đuối lý, chúng ta có chính nghĩa. Đó là lí do những ngày qua người dân Việt Nam và quốc tế, hay cả những công dân Trung Quốc đều ủng hộ nước ta.

Đã đến lúc ta phải sử dụng cây “nỏ thần” là luật pháp quốc tế để đấu tranh. Nếu không sử dụng ngay thì chúng ta sẽ muộn. Tôi nhấn mạnh rằng nếu không sử dụng ngay công cụ luật pháp để đấu tranh ngay thì sẽ muộn vì Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động leo thang. Cần phải đưa vấn đề này ra toà án quốc tế. Để thực hiện điều này những người nghiên cứu luật pháp cần phải đào sâu, tính toán”.

Về việc phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi vùng giao tranh thì mới đàm phán, TS. Nguyễn Thị Thuận nhận định: “Đây là một yêu cầu phi lý, không khác nào vào nhà người khác yêu cầu ra khỏi nhà rồi mới nói chuyện. Trung Quốc cũng đã đưa ra đề nghị tương tự trong vụ bãi cạn Scarborough ở Philippines và sau khi đạt được yêu sách thì chiếm luôn vùng lãnh thổ này. Đây là bài học chúng ta cần cảnh giác, không để mắc bẫy”.

Rất nhiều vấn đề nóng hổi khác liên quan tới tình hình biển Đông và vụ Trung Quốc đặt giàn khoan cũng đã được các chuyên gia và giới luật học, sinh viên đem ra phân tích, trao đổi.

Đáng chú ý buổi toạ đàm tại trường ĐH Luật Hà Nội sáng 20/5 còn có sự tham gia của Thiếu tướng PGS.TS Hoàng Văn Đồng, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và đại diện Cục kiểm ngư Việt Nam.


Nhân buổi toạ đàm này, Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng phát biểu: “Cho đến giờ phút này, anh em cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư vẫn kiên cường, dũng cảm bám trụ. Mong rằng nhân dân hãy tin tưởng và chúng tôi sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Các đại diện lực lượng cảnh sát biển và Cục kiểm ngư cảm kích tình cảm nồng thắm của nhân dân nói chung và giới luật học nói riêng dành cho các cán bộ, chiến sĩ. Nhân dịp này, đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên của trường ĐH Luật Hà Nội cũng đã quyên góp, ủng hộ chiến sĩ, đồng bào ngư dân bám biển số tiền 65 triệu đồng.

Mai Châm