Chữa "căn bệnh" trì hoãn ở người trẻ

Thùy Dương

(Dân trí) - Lên kế hoạch nhưng không bắt tay vào làm ngay, đang làm việc lại bỏ dở và nói "thôi để đấy mai làm", đó là biểu hiện của sự trì hoãn, nó dần trở thành căn bệnh chung của nhiều người trẻ hiện nay.

Trì hoãn là thói quen khó bỏ của nhiều bạn trẻ

Sự chần chừ, chậm chạp, để công việc dang dở, không thực hiện đúng kế hoạch đặt ra là một số biểu hiện của sự trì hoãn, những biểu hiện này diễn ra thường xuyên ở nhiều người trẻ và trở thành căn bệnh khó chữa.

Ngày nay không khó để thấy tình trạng các bạn trẻ "nước đến chân mới nhảy", Nguyễn Minh Vũ (21 tuổi, sinh viên) cho biết: "Mình thấy hiện nay hầu như ai cũng bị thói quen đó, không chỉ trong công việc, học tập mà còn ở những việc nhỏ nhất như làm việc nhà.

Mình thường xuyên có tình trạng trong đầu nghĩ phải đi dọn nhà hay làm một việc gì đấy nhưng lại không đứng lên làm luôn mà lại bảo thôi tý nữa làm cũng được. Trong việc học cũng vậy, mình hay để bài tập đến sát hạn nộp mới làm. Biết đây là thói quen xấu nhưng rất khó sửa, mình đang cố gắng sửa từng ngày".

Chữa căn bệnh trì hoãn ở người trẻ - 1

Minh Vũ nhận thấy trì hoãn là thói quen không tốt và cố gắng thay đổi (Ảnh: NVCC).

"Biểu hiện tiêu biểu nhất của sự trì hoãn ở bản thân mình là không thực hiện công việc theo đúng kế hoạch ban đầu hoặc nhiều khi đang làm việc lại dừng để làm những việc vô bổ khác như chơi game. Nhiều lần mình bảo bây giờ sẽ học bài luôn nhưng mấy tiếng sau mới ngồi vào bàn học, câu cửa miệng mỗi khi như vậy là nghỉ một tý nữa rồi làm", Nguyễn Huy Hoàng (20 tuổi, Lào Cai) cho hay.

Nhà tư vấn Tâm lý học Arushi Malik chia sẻ trên trang Healthshots: "Các bạn trẻ có xu hướng trì hoãn công việc của họ đến sát hạn nộp và cảm thấy lo lắng cao độ khi thời hạn đến. Nghiên cứu chỉ ra rằng 63% mọi người có xu hướng bỏ dở công việc đến phút cuối, trong thời gian đó họ làm việc khác hoặc sử dụng mạng xã hội".

Thay vì "phải đứng lên làm luôn" thì nhiều người trẻ lại có suy nghĩ khi nào rảnh sẽ làm hoặc điển hình là câu nói "tý nữa làm", "mai làm tiếp". Họ làm rất nhiều việc không tên hoặc viện ra nhiều lý do để trì hoãn.

Tâm lý "áp lực tạo kim cương"

Những hành động nhỏ này dần dần sẽ trở thành thói quen khó bỏ từ đó kìm hãm sự phát triển của người trẻ. Vậy nguyên nhân do đâu nhiều người trẻ lại mắc "căn bệnh" này? Hậu quả mà bạn trẻ phải nhận khi có thói quen này?

Một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Nature Communication cho biết gốc rễ của sự trì hoãn có thể nằm ở thành kiến nhận thức, tức là một người tin rằng việc thực hiện nhiệm vụ sẽ hoàn thành dễ dàng hơn trong tương lai.

Chữa căn bệnh trì hoãn ở người trẻ - 2
Huy Hoàng nhận lại kết quả không như ý khi trì hoãn (Ảnh: NVCC).

"Mình thường hay trì hoãn do bản thân thiếu năng lượng, động lực để hoàn thành công việc, mỗi khi có việc hay có bài tập, mình rất hay bị mất tập trung và thiếu sự quyết tâm. Thay vào đó là tâm lý sát hạn nộp mới nghĩ ra được nhiều thứ, hay người ta còn nói là "áp lực tạo kim cương" vì khi đó mình bắt buộc phải hoàn thành.

Thêm nữa là khi thấy việc cần làm quá đơn giản thì mình nghĩ đơn giản thôi để lúc nào làm cũng được. Còn khi quá khó mình lại nghĩ khó quá để lúc khác tìm hiểu. Từ những lý do ấy mà trì hoãn đã trở thành thói quen khó bỏ của mình. Kết quả mình nhận lại từ thói quen đó là điểm số thấp, làm việc trong sự vội vàng nên không được chỉn chu", Huy Hoàng chia sẻ.

Ông Doug Williamson, giám đốc trung tâm y tế tại Lundbeck, một cơ sở chuyên điều trị bệnh về thần kinh chia sẻ về vấn đề này trên trang Forbes: "Khi bạn trì hoãn những công việc từ nhỏ đến lớn mà bất chấp nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ, đó là dấu hiệu cho thấy sự trì hoãn của bạn là do thói quen nhiều hơn là do hoàn cảnh".

Cũng giống như Huy Hoàng, Linh Đan vì thói quen trì hoãn mà không đạt được kết quả mong muốn: "Năm nhất đại học, vì kiến thức chưa nhiều nên mình vẫn chủ quan. Trường mình có cho thời gian nghỉ nhất định để sinh viên có thể ôn tập kỹ lưỡng.

Chữa căn bệnh trì hoãn ở người trẻ - 3
"Căn bệnh" trì hoãn khiến Linh Đan có nhiều tiếc nuối (Ảnh: NVCC).

Những ngày đầu kỳ nghỉ mình không học mà nằm lướt mạng xã hội hoặc xem phim rồi tự nhủ để 3 ngày cuối ôn vẫn kịp. Nhưng có sự cố không ngờ xảy ra, mình bị ốm, chỉ còn một ngày trước thi cơ thể mới dần hồi phục. Kết quả là kỳ thi đó không đạt được kết quả mình mong muốn, điều đó khiến mình tiếc nuối.

Một lần khác mình có deadline làm tiểu luận nhưng nghĩ vì thời hạn nộp bài còn rất lâu nên đến 5 tiếng trước hạn mới ngồi gõ những dòng đầu tiên. Đến hạn mình cũng viết xong bài tiểu luận nhưng không hiểu sao lại bị mất file, tìm thế nào cũng không thấy. Mình phải nài nỉ xin cô cho mình thêm thời gian để gõ lại, may mắn là về sau mọi thứ vẫn ổn thỏa".

Linh Đan cũng chia sẻ cô đã bị hụt mất cơ hội việc làm chỉ vì "căn bệnh" khó chữa này: "Có lần mình thấy công việc phù hợp đăng trên trang tuyển dụng nhưng khi đó mình cứ chần chừ, lười viết CV. Càng để lâu hứng thú càng giảm, đến hạn nộp mình vội vàng làm CV nên kết quả là không nhận được phản hồi từ công ty, đây là một bài học cho bản thân để rút kinh nghiệm".

Chữa dứt điểm căn bệnh trì hoãn để bản thân không phải hối hận

Nhà tư vấn Tâm lý học Arushi Malik cho biết: "Hầu hết mọi người nhầm lẫn sự trì hoãn với sự lười biếng, thật ra chúng không giống nhau. Mỗi người cần phải hiểu mình đang bị trì hoãn hay lười biếng để tìm cách tốt nhất vượt qua nó".

Nhà Tâm lý học chia sẻ những cách để hạn chế sự trì hoãn: "Chia công việc thành các nhiệm vụ nhỏ hơn để khi thực hiện không bị ngợp. Khi tạo thời gian biểu để hoàn thành từng bước, công việc cần làm sẽ không quá nặng nề và từ đó bạn sẽ dễ dàng làm hết các công việc.

Nếu bạn trì hoãn vì nhiệm vụ quá nhàm chán hãy nghĩ về những cách sáng tạo để nó trở nên thú vị. Bạn có thể tự tặng cho mình một số phần thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ, một tách cà phê hoặc bữa ăn tối ngon miệng, từ đó sẽ tạo động lực để làm việc".

Huy Hoàng tâm sự qua nhiều lần trì hoãn bản thân đã có biện pháp để "chữa" được "căn bệnh" này: "Mình đã nghĩ xa hơn hậu quả của trì hoãn, sẽ ra sao nếu mình không đạt được mục tiêu mình mong muốn, nó ảnh hưởng nặng nề thế nào. Dần dần mình biến nó thành nỗi sợ, tất nhiên khi sợ thì mình không thể nào trì trệ nữa".

Còn với Linh Đan, cách để cô ngăn chặn tình trạng này là thay đổi dần từ trong nhận thức: "Bây giờ khi ôn thi mình không để sát ngày mới học ôn nữa, mỗi ngày mình học một tý để tránh nhàm chán, ngoài ra mình cũng hối thúc bản thân liên tục mỗi khi có ý định bỏ dở công việc đang làm bằng cách nghĩ đến hậu quả xảy ra nếu không hoàn thành".

Giám đốc trung tâm y tế Doug Williamson cũng chia sẻ trên trang Forbes cách để hạn chế xu hướng trì hoãn: "Kỹ thuật Pomodoro, tức là đặt đồng hồ hẹn giờ 25 phút tập trung làm việc cho đến khi hết thời gian, sau đó nghỉ 5 phút và lại bắt đầu một phiên làm việc 25 phút mới, phương pháp này giảm cảm giác mệt mỏi, giúp tăng cường sự tập trung và tạo động lực cho người thực hiện.

Ngoài ra bạn cũng có thể đến thư viện hoặc quán cà phê, thay đổi không gian làm việc để tìm cảm hứng và nguồn năng lượng mới".

Các bạn trẻ hãy xây dựng cho mình thói quen làm việc ngay lập tức, không làm việc tùy hứng, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý để có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt nhất để sẵn sàng đối diện với những thử thách, áp lực trong công việc. Cách tốt nhất để hết tình trạng này là ở mỗi bạn trẻ, cần xác định nguyên nhân nằm ở đâu và từ đó đặt ra những kế hoạch nghiêm túc với bản thân.