Chơi còi hơi: Sành điệu hay thiếu văn hóa?

Mốt chơi còi độc - còi hơi và những loại còi có âm lượng lớn khác - mới chỉ rộ lên ở các thành phố lớn vài tháng nay. Để chứng minh sự khác người, giới trẻ tìm đủ mọi cách “chế” còi mà không hề biết rằng sự “sành điệu” ấy vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông.

Xu hướng này xem ra được không ít dân chơi 8X ủng hộ. Chỉ cần bỏ ra từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng là đã có thể chứng minh với thiên hạ mình sành điệu và khác người mức nào.

 

Chỉ cần có nhu cầu, tạt xe qua “chợ Trời” ở phố Huế, chợ Đồng Xuân hay một số khu phố khác của Hà Nội là có thể tìm thấy ngay cửa hiệu bán và lắp còi.

 

Thiết kế loại còi hơi ô tô vốn đơn giản và vừa vặn nên khi lắp vào xe máy không mấy khó khăn. Thao tác lắp một bộ như thế đối với tay thợ lành nghề chỉ mất khoảng 10 phút.

 

Bộ còi hơi ô tô đấu qua một bộ điều chỉnh điện là thành ngay còi hơi dành cho xe máy. Khi khởi động, còi sẽ tạo ra một chuỗi âm thanh lớn, liên tục và kéo dài.

 

Anh Quốc, một chủ cửa hàng chuyên cung cấp các loại còi xe ở chợ Trời cho biết ở nhiều nhóm thanh niên Hà Nội, nhất là những nhóm đua xe ban đêm, đặc biệt chuộng còi hơi, đã lắp là lắp cả dàn giống y nhau, vì dàn âm thanh của còi hơi vang lớn và nghe rất có khí thế.

 

Ngông nghênh trăm kiểu còi xe

 

Thay vì chỉ phát ra những âm thanh đơn giản như trước kia, loại “dàn nhạc” cho xe máy có thể phát ra những tiếng kêu của động vật, tiếng hú còi xe cấp cứu, xe cảnh sát, còi nhạc… Thậm chí, là tiếng chó sủa, mèo kêu, bò rống hay lợn réo... Có loại còi còn phát ra tiếng rên khóc, tiếng hú hay tiếng cười rùng rợn.

 

Cấu tạo của loại còi này không cồng kềnh bầu hơi, vòi, loa như còi hơi, chỉ một vi mạch nhỏ và bộ loa bình thường là chủ xe có thể sở hữu một bộ còi có tiếng rất độc. Nó gồm 3 nút nhấn, mỗi nút một loại âm thanh khác nhau tùy sở thích của người dùng…

 

Không chỉ dừng lại ở những âm thanh đơn như trên, các tay chơi sành sỏi còn thiết kế cả dàn âm thanh hỗn hợp. Loại âm thanh dàn này chủ yếu áp dụng cho các loại xe tay ga vì có hộp chứa đồ rộng có thể đựng được cả bộ loa lớn.

 

Dàn loa hoạt động nhờ vào điện trong bình ắc quy xe, tùy chất lượng mà giá cả có thể dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Có nhiều nhóm chơi “chế” dàn cho cả nhóm, mỗi chiếc xe là một loại âm thanh trầm bổng khác nhau, khi diễu hành trên đường phố tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp lạ lùng…

 

Hùng, một tay săn còi sành sỏi ở phố Lò Đúc (Hà Nội) cho biết, lúc đầu chỉ là theo bạn bè dùng còi cho tăng tính sành điệu xe của mình nhưng sau đó lại trót nghiện cảm giác rú còi và nhấn ga, bây giờ thành thói quen. Khi hỏi: “Luật Giao thông Việt Nam có quy định cấm sử dụng còi xe máy quá âm lượng cho phép, chơi còi mà không sợ bị phạt sao?”

 

Hùng cười tinh quái: “Có luật là có cách lách luật, chỉ cần lắp thêm 2 công tắc phụ, khi bị cảnh sát giao thông phát hiện ấn nhẹ nút, còi lại kêu “tin tin” như bình thường”.

 

Sành điệu hay trò vô văn hóa?

 

Ấn tượng đầu tiên mà bất kì người nước ngoài nào đến Việt Nam đều cảm nhận thấy là tiếng ồn từ các loại còi của phương tiện giao thông. Người ngoại quốc còn rất ngạc nhiên khi dân Việt sử dụng còi như một tín hiệu, một cử chỉ giao tiếp. Đứng trước đèn đỏ, đèn xanh bật lên là lập tức các loại còi ở phía sau đua nhau rú lên, thúc giục loạn xạ.

 

Ở Việt Nam hiện nay, chưa có con số thống kê cụ thể tai nạn xảy ra do còi xe quá âm lượng cho phép, nhưng mức độ ảnh hưởng của các loại còi hơi, còi dàn đến cộng đồng chắc chắn là rất lớn.

 

Trên địa bàn Hà Nội, chuyện ngã xe, va quệt nhau do còi xe diễn ra rất nhiều. Ngày 30/5, trên đoạn đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Mai Hằng đang chở con đến ngã rẽ, giật mình vì tiếng còi hơi quá lớn.

 

Yếu tay lái loạng choạng, cả hai mẹ con ngã sấp xuống đường. Hậu quả là chị Hằng bị gãy chân trái phải nằm viện. Gã thanh niên đi chiếc xe màu đỏ, hú còi xe cấp cứu nhấn ga chạy mất.

 

Điều 8, khoản 11 Bộ luật Giao thông đường bộ sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 nêu rõ các hành vi nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong đó có hành vi: “Bấm còi và rú ga liên tục, bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h sáng hôm sau, bấm còi hơi”.

 

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm đang ngày càng trở nên trắng trợn. Trong khi đó, đối với lực lượng CSGT và người đi đường, hành vi vi phạm pháp luật và vô văn hóa này dường như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

 

Theo Việt Hưng
Tiền Phong