Chàng trai gốc Việt “làm nên chuyện” ở tờ New YorkTimes

Một chàng trai gốc Việt mang tên Khoi Vinh đã giúp cho tờ Thời báo New York (New York Times) tăng gấp đôi lượng độc giả nhờ vào lý thuyết “tương tác với bạn đọc”. Trong khi đó, nhiều tờ báo ở Mỹ đã phải tuyên bố đóng cửa do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

 
Chàng trai gốc Việt “làm nên chuyện” ở tờ New YorkTimes - 1

Khoi Vinh được xem là chàng trai "cứu rỗi" New York Times

  

Bạn đọc đối thoại trực tiếp với phóng viên

 

Qua hàng loạt các cuộc thử nghiệm, Khoi Vinh đã cho ra mắt một trang điện tử Thời báo New York nhiều tính năng giống như một thư viện báo chí. Trên website nytimes.com, độc giả sẽ bắt gặp trang blog, khuyến khích người đọc phản hồi trực tiếp với phóng viên. Mạng xã hội của tờ Thời báo (Times People) tạo điều kiện cho bạn đọc chia sẻ và thảo luận những bài báo họ ưa thích. Global Edition cho phép người sử dụng xem tờ báo tùy theo sự quan tâm của họ đến các tin tức quốc tế. Times Extra thì cung cấp link đến các nguồn tin bên ngoài về cùng một chủ đề.

 

Vinh cho biết: “Ban đầu, Ban biên tập cũng lưỡng lự khi đưa ra phương án “tương tác” này. Nhưng bây giờ thì sự giao lưu giữa phóng viên và bạn đọc lại trở thành niềm say mê của cả hai”.

 

Khác hẳn với xu hướng thiết kế website truyền thống, Vinh quan tâm đến sự tương tác của tờ báo với độc giả nhiều hơn là hình thức của nó. Mục đích của anh là biến tờ báo điện tử trở nên tiện dụng tối đa với người đọc, họ có thể xem trên internet, điện thoại di động hoặc các công nghệ hiện đại trong tương lai.

 

Khoi Vinh là một người đi tiên phong trong lĩnh vực thiết kế tương tác. Anh hướng đến việc xây dựng mối quan hệ giữa người đọc và tờ báo trở thành “cuộc đàm thoại”. Trong hệ thống như Times People, người dùng không chỉ đọc nội dung, họ còn xây dựng cộng đồng với các công cụ mà Vinh cung cấp - những công cụ giúp phát triển một cộng đồng trong thế giới ảo rộng lớn.

 

“Chúng tôi muốn tạo nên một diễn đàn cho bạn đọc, nytimes.com thực sự là một diễn đàn giúp mọi người tạo nên hầu hết các nội dung tin tức của chúng tôi. Họ không chỉ đọc nội dung, mà có thể tận dụng tối đa để sử dụng chúng”, Khoi Vinh nhấn mạnh.

 

Người thiết kế tương lai của New York Times

 

Sinh năm 1971 tại TPHCM, Khoi Vinh chuyển đến Baltimore cùng gia đình khi mới lên 3 tuổi. Từ thủa nhỏ, anh đã đam mê môn vẽ và quyết tâm theo học ĐH Thiết kế và Nghệ thuật Otis tại Quận Cam, California. Tốt nghiệp năm 1993, ban đầu anh làm công việc thiết kế in truyền thống. Sau đó làm người thiết kế web cho Rare Medium, một công ty công nghệ tại New York. Đến năm 2001, khi Rare Medium thành lập phòng thiết kế cũng chính là lúc Khoi Vinh cùng 4 người đồng nghiệp mở ra studio riêng.

 

Behavior Design (tạm dịch Thiết kế cách cư xử), tên của studio đã nói lên tất cả. Ở đó Khoi Vinh tạo dựng tên tuổi của mình trong ngành thiết kế ở một thế giới rộng hơn. Trong khi các công ty thiết kế khác phải vật lộn để theo kịp xu hướng thiết kế mới, Behavior Design lại nổi lên với phong cách khác biệt: “người sử dụng web không có được ấn tượng chỉ bằng mắt, mà còn bởi sự tương tác với các thông tin trên đó”.

 

Thời điểm New York Times mời về làm Giám đốc thiết kế, anh đã suy nghĩ nhiều khi phải chia tay công việc kinh doanh riêng của mình. Nhưng cuối cùng Vinh đã chấp thuận.

 

Steven Heller, nguyên giám đốc nghệ thuật của Thời báo New York băn khoăn: “Trong tương lai, không biết loại hình tin tức nào của tờ thời báo sẽ ra mắt bạn đọc? Hiện nay nytimes.com đã có đủ các thể loại, bao gồm tranh ảnh, âm thanh, hình ảnh và thảo luận”. Ông nói: “Tôi cho rằng đó sẽ là trách nhiệm của Vinh, người thiết kế tương lai cho New York Times”.

 

Trả lời cho câu hỏi của Steven Heller, Vinh nói: “Tương lai nằm trong tay những người sử dụng. Nội dung là linh hồn của báo chí, nhưng chỉ có nội dung thì không hấp dẫn người đọc, họ cần có lý do để đọc chúng” . Và anh tự tin khẳng định: “Chúng tôi biết phải làm sao để thỏa mãn độc giả”.

 

Theo Đất Việt/ewyorkreviewofideas