Chàng kiến trúc sư, ca sĩ trên đấu trường kinh tế

Hơn 10 năm chu du nước ngoài, làm GĐ bộ phận Quốc tế vụ của tập đoàn Schneider Electric tại Pháp, rồi GĐ Chất lượng Hệ thống TCKT châu Á - Thái Bình Dương dòng sản phẩm ISC tại Hong Kong..., người kiến trúc sư kiêm nhà quản trị ấy quyết định về nước lập nghiệp.

Giấc mơ R&D

 

“Anh có nghĩ, mình còn có dịp quay lại sống ở Hồng Kông nữa không?”, khi người vợ trẻ xinh đẹp thì thầm bên tai như vậy, tân GĐ Chiến lược của FPT, Nguyễn Hữu Thái Hòa đã không đắn đo trả lời: “Không em ạ. Lần này mình về hẳn rồi!”.

 

Chuyến bay ngày cuối năm 2010 đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) mang theo gia đình Việt trẻ xa xứ. Đó là Nguyễn Hữu Thái Hòa, một doanh nhân thành đạt cùng vợ và cậu con trai mới tròn 3 tháng tuổi.

 

“Những ai có điều kiện đi xuyên suốt chuỗi giá trị sản xuất, mới thấy cay đắng khi phải mặc chiếc áo gia công nô dịch” – Thái Hòa bắt đầu kể về lý do về nước của mình.

 

Làm kinh tế nhiều năm, những người như anh mới thấu hiểu sự thiệt thòi của những quốc gia chuyên nai lưng gia công cho các ông chủ tư bản hưởng lời. “Phải tiến tới tự nghiên cứu và phát triển (Research and Development R&D)”, anh đã góp ý như vậy cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ từ nhiều năm trước.

 
Chàng kiến trúc sư, ca sĩ trên đấu trường kinh tế - 1

Một Thái Hòa với những ước vọng cống hiến cho đất nước.
 

Vì thế, khi còn ở nước ngoài, Thái Hòa vẫn đi lại như con thoi về Việt Nam để tư vấn cho bộ này trong Chương trình Quản lý chất lượng - Vươn tới đỉnh cao.

 

Giờ đây, đang làm GĐ Chiến lược cho Tập đoàn FPT, vị doanh nhân giàu tham vọng muốn người Việt chiếm được những khâu khó nhất, nhưng béo bở nhất trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

 

“Phần xác có thể của nước ngoài. Nhưng phần hồn - nội dung số bên trong - sẽ mang dấu ấn Việt Nam”, Thái Hòa hồ hởi nói.

 

Triết lý bánh đà

 

Trước khi về nước, nhiều người e ngại vì không tin vị doanh nhân này sẽ làm được gì lớn ở Việt Nam. “Tại sao lại không thể khi đất nước ta có đến 3 nguồn lực lớn là dân số trẻ, tiềm lực về nông nghiệp và nguồn tài chính trong dân vẫn chưa khai thác hết”, Thái Hòa phân tích.

 

Anh biết, có những người trí thức hay chỉ trích, đòi hỏi chế độ, nhưng lại không đưa ra được biện pháp để cải tiến tình hình. “Khi ném đá hội nghị như vậy, họ sẽ chẳng làm được gì. Đó không phải là bản chất của tri thức”, Thái Hòa phân tích.

 

Lấy ví dụ về một Công ty gạch nổi tiếng, anh kể rằng suốt 2 năm qua những trí thức trẻ đã nghiên cứu, thử nghiệm, giúp sức cho hệ thống của chính họ giảm tỷ lệ hư hỏng từ 27% xuống còn 12%, bằng các biện pháp quản lý và công nghệ hiện đại.

 

Kết quả đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Số tiền đó rất có ích cho đồng bào; hơn là ngồi than vãn, bình phẩm những chuyện vĩ mô, nhưng thiếu trách nhiệm.

 

Thái Hòa làm chúng tôi nhớ đến một người bạn của mình, đang học xử lý chất thải ở một trường kỹ thuật của Nhật Bản. Hằng tháng, anh vẫn nhờ bạn bè chuyển giúp các tài liệu về ô nhiễm nước trong các sông của Hà Nội, về những công việc của chính quyền địa phương để làm sạch môi trường... Để sau này, khi học xong, người bạn đó sẽ trở về, quyết tâm thau sạch những con sông đang kêu cứu trên quê hương.

 

“Tuổi trẻ như chiếc bánh đà. Khi một động cơ khởi động phải cần bánh đà tạo sức trước. Nếu tất cả người trẻ Việt Nam đều chịu vận động tư duy thì sẽ là nguồn lực cực lớn cho đất nước tiến lên”, Thái Hòa chiêm nghiệm.

 

Trái tim tràn ngập yêu thương

 

Trước khi gặp Thái Hòa, tôi đã biết anh còn là một ca sĩ được nhiều người khen ngợi, vì hát nhạc Trịnh hay. Nhưng khi nghe album anh tặng, không thể tua cho nhanh như nhiều đĩa từng nghe, tôi cảm nhận được vẻ đẹp của thứ âm nhạc người ta luôn ca ngợi.

 

“Này em trong mỗi con tim/ nhớ mang quê hương mình/ như một hòn bi xanh/ trái đất này quay tròn/ vô tình ta cùng chọn/ nơi này làm quê chung”, Thái Hòa hát chầm chậm, run run mà sâu lắng, khiến người ta hướng thiện. Có lẽ vậy mà toàn bộ số tiền kiếm được từ việc phát hành các CD nhạc Trịnh, chàng ca sĩ này đều dành tặng những nạn nhân nhiễm dioxin.

 

“Đã có người hỏi mình, khi thế giới phẳng, người ta có thể ở Hồng Kông làm việc, mà vẫn giúp ích cho Việt Nam được, đâu cần trở về?”, Thái Hòa đáp: “Thế giới phẳng chỉ là qua lý trí của người phương Tây, khi nhiều người trong họ luôn muốn hàm số hóa mọi thứ. Nhưng thực ra, thế giới...không hề phẳng, bởi sâu thẳm trong tim mỗi người, chỉ có một quê hương”.

 

 

Nguyễn Hữu Thái Hòa sinh năm 1969. Anh từng theo học Khoa thanh nhạc và piano cổ điển tại Nhạc viện TPHCM (1986 - 1990); học kiến trúc nội thất tại Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto, Canada (1991-1995); Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học CEIBS, Thượng Hải, Trung Quốc (2005-2007).  

 

Theo TPO