Cảnh giác với những kẻ bệnh hoạn

(Dân trí) - Những “kẻ bệnh hoạn” xuất hiện ngày càng nhiều và thường tập trung ở những khu vực cạnh trường học, khu công nghiệp hay những đoạn đường vắng… chờ cơ hội ra tay “quấy rối” các cô gái.

Cảnh giác với những kẻ bệnh hoạn - 1
Đi một mình trên những đoạn đường vắng khiến bạn gái dễ trở thành mục tiêu của những “kẻ bệnh hoạn”. (Ảnh minh họa)

“Chới với” vì những kẻ bệnh hoạn

Có tiếng la hét tán loạn rồi ai nấy đều bỏ chạy chỉ còn mình Nga. Cô còn chưa hiểu có chuyện gì thì đằng sau một thanh niên to cao đi tới tay đang chuẩn bị lôi “của quý” ra. Nga hét lên rồi lao nhanh vào quán cà phê gần đó lánh nạn… Theo lời kể của Nga, nữ sinh một trường đại học ở quận Thủ Đức (TPHCM) thì đây không phải là lần đầu tiên, mà là lần thứ ba cô gặp phải những “kẻ bệnh hoạn”. Nhưng Nga  không thể bình tĩnh để xử lý tình huống mà lần nào cũng phải tìm nơi ẩn nấp trong tâm trạng hoảng loạn.

Nga kể: “Lần đầu khi em đang đi chơi cùng người bạn ở quận BT, tụi em đang đạp xe đạp đi vào con hẻm nhỏ thì bỗng xuất hiện một kẻ lạ mặt chặn ngay phía trước đầu xe. Hai đứa còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra cứ ngỡ đó là tên cướp giật thì hắn đã nhìn tụi em cười một cách khoái trá rồi đưa tay sờ khắp người em. Hoảng sợ, tụi em quay xe chạy một mạch ra đến đường lớn. Cũng may khi tụi em bỏ chạy hắn chỉ đứng cười thật to chứ không đuổi theo”.

Còn lần khác, khi Nga vừa lên xe bus và ngồi vào ghế cuối đủ cho hai người ngồi thì một thanh niên đến ngồi cạnh cô. Anh ta lân la làm quen, hỏi tên và số điện thoại của Nga. Cô cứ nghĩ rằng anh ta muốn làm quen thật nhưng rồi kinh ngạc khi thấy người thanh niên đưa tay vòng qua vai cô còn một tay đưa xuống đùi cô. Nga sợ quá hét lên rồi khóc và vội chạy đến bác tài xin xuống.

Mỗi lần bị như vậy Nga đều về nhà trong tình trạng hoảng loạn. Nga nói: “Có khi em bỏ ăn gần hai ngày vì mỗi lần cầm chén cơm lên ăn mà nghĩ lại chuyện vừa gặp lại thấy buồn nôn. Thật là khổ sở”.

Khác với Nga, “gặp nạn” mới chỉ một lần nhưng cũng khiến chị Thanh M., công nhân may làm việc tại khu công nghiệp Sóng Thần, “mất hồn vía” vài tuần liền.

Theo lời kể của chị M. thì hôm đó chị cùng một số đồng nghiệp khác làm tăng ca nên mãi 9g tối mới về. Chị M. và nhóm bạn đi mới được chừng nửa cây số thì gặp một đám thanh niên đứng giữa đường. Nhóm của chị M nghĩ là mấy thanh niên đứng chờ để trêu mấy cô gái nên không quan tâm và tiếp tục lái xe. Khi họ vừa đi xe tới thì khoảng 5 thanh niên đứng dàn hàng ngang miệng cười khanh khách còn tay thì đưa vào “của quý” của mình có vẻ như sắp “khoe hàng”. Chị M. và các bạn la hét và quay xe lại, nhờ một số thanh niên làm cùng đưa qua chỗ nguy hiểm đó.

Từ hôm đó, chị M. ít làm tăng ca hơn. Nếu hôm nào tăng ca cũng phải nhờ được người đưa về thì mới dám ở lại làm. Chị than: “Lương công nhân đã không được bao nhiêu, chủ yếu là kiếm cơm từ tăng ca mà giờ còn phải gặp những chuyện như thế này thì chắc không đủ ăn mất”.  

Kẻ bệnh hoạn làm việc tốt để... khoe hàng

Nhân dịp có cuộc họp lớp cũ chúng tôi rủ nhau đi chơi gặp được vài người bạn. Vô tình đề cập đến chủ đề “những kẻ bệnh hoạn” mới biết một số người bạn của tôi cũng đã từng gặp nhiều trường hợp đáng sợ tương tự như vậy.

Cô bạn Hà An của tôi kể có lần trên đường đi học về cô phải đi ngang qua một con hẻm dài gần 2 km, khi bắt đầu quẹo vào hẻm thì cô cảm thấy có ai đó cứ bám theo mình nên đi chậm lại xem xét. Kẻ bám theo cô cũng đi chậm lại. Được một đoạn, xe An vướng phải cục đá trên đường rồi lao đao và té xuống.

An đang lục đục với đống sách vở rơi trong giỏ xe ra thì anh thanh niên trinh thám đó đến đỡ cô dậy và nhặt cặp sách cho cô. An chưa kịp cảm ơn thì anh ta đã “tặng” cho cô một cái vỗ mông. Cô hoảng sợ quay xe đi thì anh ta bảo cô “Từ từ đã”. An nhìn lại thì anh ta đang lấy “của quý” của mình ra. An hoảng sợ và lên xe đi thẳng.

Đoạn đường phía sau Trường ĐH A.N. ở quận Thủ Đức (TPHCM) là nơi thường xuyên xảy ra những tình huống đáng lo ngại kiểu này với các cô gái. Đây là đoạn đường tắt gần nhất thông với nhiều trường trong làng đại học song cũng là đoạn đường tương đối vắng vẻ để những “kẻ bệnh hoạn” có thời cơ thực hiện hành vi.

Hằng, nữ sinh năm nhất của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thót tim khi kể lại chuyện vừa gặp. Phòng Hằng ở gần ngã ba đường lộ nhưng mỗi lần đi học thì cô luôn đi qua hướng từ kí túc xá đến trường vì đoạn đường này tuy hơi xa nhưng đỡ nguy hiểm.

Nhưng hôm ấy Hằng đi trễ, để tránh muộn học Hằng đành đi tắt qua đoạn đường phía sau Trường ĐH A.N. Thật không may cho Hằng là cô mới đi được một đoạn ngắn thì bị một chiếc xe tay ga bám sát bên. “Em cứ nghĩ là chủ nhân chiếc xe tránh đoạn đường xóc nên mới đi thế. Ai ngờ anh ta bám đẩy làm em té xuống đường đau điếng”, Hằng kể lại.

Sau đó, người thanh niên cũng xuống xe đỡ Hằng dậy. Hằng vừa đứng lên đã thấy “của quý” của anh ta hiển hiện trước mặt. Hằng hét lên cầu cứu còn tên kia lao nhanh lên xe vụt mất. Từ đó, Hằng không bao giờ dám đi lại đoạn đường đó một lần nữa. “Đoạn đường kia hơi dài nhưng an toàn hơn”, Hằng lý giải.

Ngày nay, những “kẻ bệnh hoạn” xuất hiện ngày càng nhiều và thường tập trung ở những khu vực cạnh trường học, khu công nghiệp hay những đoạn đường vắng… chờ cơ hội ra tay “quấy rối” các cô gái. Những mẩu chuyện trên đây có thể giúp các cô gái thêm phần cảnh giác trước những “kẻ bệnh hoạn” này.

Đông Nhi