Căn bệnh của tuổi 20

Xuất hiện lần đầu vào tháng 5/2001 trong cuốn sách “Căn bệnh của lứa tuổi 20+: Những thách thức trong cuộc sống” của Alexandra Robbins và Abby Wilner, căn bệnh này đang ngày càng lan rộng trên thế giới và nhanh chóng được thừa nhận như một trong những căn bệnh của thời đại.

Dạo gần đây bạn làm việc không hiệu quả. Vẫn bỏ ra ngần ấy thời gian lao động chân tay lẫn trí óc nhưng kết quả bạn đạt được không xa số 0 là mấy. Tệ hơn, mọi việc trở nên rối tung, vô nghĩa, và nằm ngoài tầm kiểm soát.

 

Nhìn sang bên phải, bạn thấy có kẻ đang gục đầu giống mình. Nhìn sang trái, một người khác cũng chung cảnh ngộ. Phía trước, phía sau, hơn 200.000 người từ Á tới Âu đang ở trong tình trạng tương tự. Và chẳng có gì đảm bảo là con số này sẽ chỉ dừng lại.

 

Căn bệnh của lứa tuổi 1/4 cuộc đời không phải là một nạn dịch có nguyên nhân từ gia cầm hay thảm họa tự nhiên. Xuất phát của nó khó kiểm soát hơn: tâm lý.

 

Khủng hoảng những con số

 

Bối rối, lo lắng, hoài nghi, thậm chí đổ vỡ bởi những ước mơ không thành sự thật, kết luận là: bạn đã "mắc bệnh" rồi.

 

"Tôi 23 tuổi, nhưng tôi thấy mình giống một đứa bé lạc đường hơn là một người trưởng thành với quãng thời gian... thất bại vì không tìm được việc. Đôi khi, tôi không có hứng làm bất cứ việc gì" - Nghe có vẻ buông xuôi, nhưng Lisa Warden chỉ là một trong số vô vàn con bệnh trẻ hiện nay.

 

Những tin tức về khủng bố, bắt cóc, đạn bom, động đất, thiên tai... cả việc đồng đô la liên tục bị tụt giá cũng đặt ra cho thế hệ 8X những dấu hỏi cho thời kỳ chuyển giao từ học sinh, sinh viên sang một thế hệ trưởng thành hơn.

 

91% những người được hỏi cho biết họ đang rất lo lắng về công việc, các mối quan hệ và cả vấn đề tài chính. 62% thú nhận rằng bản thân họ đang phải chịu đựng sự suy sụp đáng sợ. Những "tổn thất tinh thần" này lại không may rơi vào một đối tượng còn rất trẻ.

 

Mới chân ướt chân ráo ra trường, hớn hở cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. Họ bị dội một gáo nước lạnh khi phải gánh chịu một thị trường cạnh tranh việc làm gay gắt chẳng khác nào "sóng thần". Và nếu có may mắn xin được việc thì chưa hẳn mọi thứ đã xuôi chèo mát mái. Họ thường xuyên gặp những áp lực tâm lý nặng như "búa tạ".

 

"Tôi làm việc 40 giờ một tuần, ngày nào cũng như ngày nào. 244 ngày làm việc một năm hoàn toàn khác so với 136 ngày đi học trước đây. Không thể hiểu nổi tại sao nhiều người lại có thể tiếp tục những việc này được 30, 40 năm. Tôi không biết liệu mình có thể chịu đựng thêm 10 năm nữa hay không?", một thanh niên chia sẻ cảm giác.  

 

Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học, trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã tiến hành 46 cuộc thảo luận, người tham gia đến từ 10 lĩnh vực khác nhau. Sau khi đưa ra 1.408 bản thăm dò ý kiến, kết quả tìm được cho thấy có tới ... 8.545 loại stress. Những loại này được chia thành 10 nhóm riêng biệt: môi trường xã hội, công việc, thành đạt cá nhân, thu nhập, quan hệ, hỗ trợ xã hội, đời sống gia đình, nhà cửa, con cái và cuộc sống cá nhân.

 

Căn bệnh của tuổi 20  - 1

Xác định được khả năng của bản thân, ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống của chính mình sẽ giúp các bạn trẻ tránh khỏi stress.

Các nhóm stress này là cơ sở để tiến hành một cuộc điều tra với 7.999 người. Trong suốt thời gian từ 2001 đến 2004, hàng ngàn bản thăm dò ý kiến được đưa ra, và kết quả là 71% những người bị "khủng hoảng tâm lý" là ở độ tuổi 20, so với 67% người tuổi 30, 66% tuổi 40 và 68 % ở vào tuổi 50.

 

Các nhà nghiên cứu cho biết, số người ở độ tuổi 20 chịu nhiều áp lực hơn vì họ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt ngay khi mới bắt đầu một cuộc sống độc lập, và việc thiếu kinh nghiệm cần thiết khiến họ không thể vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng.

 

Thế giới của những người "mắc bệnh"

 

Macah Sommers, 26 tuổi, sau một năm làm việc tại một công ty mạng có chi nhánh tại New York, đã cảm thấy không hài lòng với cuộc sống "không quá phức tạp cũng chẳng dễ chịu chút nào" này. Macah hiểu không thể đổ lỗi cho ai.

 

"Tôi biết mình phải chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Mọi thứ tại đây thật ảm đạm, và người ta luôn muốn sáng tạo một cái gì đó, thật hơn". Thế giới tuyệt vời của Macah là phải có một hình mẫu lý tưởng để anh có thể học theo và làm theo "không có ai đứng mũi chịu sào và đôi khi tôi không biết làm cái gì thì đúng và cái gì thì sai".

 

Bác sĩ tâm lý Metzel nói: "Những người trẻ tuổi đến điều trị ở chỗ tôi đều tự đánh giá bản thân họ rất khắt khe, và họ dường như đều không hoàn toàn tự tin vào mình". Cynthia Steele, 27 tuổi, một trợ lý tại Pittsburgh Symphony, nghĩ rằng mình đã tính toán được mọi thứ. Nhưng, mọi việc suôn sẻ quá lại làm Cynthia phải đắn đo: "Tôi bắt đầu thấy lo lo, có phải tôi đã có được tất cả những gì tôi thực sự mong muốn?".

 

Nếu nhìn từ bên ngoài, rất nhiều trong số những người này được coi là thành đạt, thậm chí còn có thể trở thành hình mẫu lý tưởng cho người khác. Nhưng kỳ thực những lo lắng, mất tự tin và hoài nghi về một cuộc sống quá nhiều biến động đã trầm trọng hơn căn bệnh này của giới trẻ 20. Nhưng, thay vì làm thêm phép cộng cho con số 200.000 người, nhiều người đã làm theo lời khuyên của bác sĩ Drew Pinsky "phải xác định cho bằng được khả năng của bản thân, ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống của chính mình".

 

Theo Sinh Viên Việt Nam