Cách Gen Z đối đáp trước những câu hỏi "khó đỡ" ngày Tết

Ngân Dương

(Dân trí) - Những bạn trẻ lanh lợi có cách để trả lời trơn tru trước những câu hỏi "khó đỡ" đến từ người lớn trong ngày Tết.

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm và có vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa người Việt. Tết cổ truyền bắt đầu cho việc khởi đầu một năm với những niềm tin về ước vọng một năm thành công, an lành. Đây cũng là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ, nghỉ ngơi, sum họp gia đình với nhiều phong tục tốt đẹp.

Thăm hỏi họ hàng, trò chuyện với người thân là nét đẹp truyền thống không thể thiếu từ xưa đến nay mỗi khi đến Tết. Tuy nhiên, có những câu hỏi mang tính chất cá nhân khiến nhiều người khó xử không biết phải trả lời như thế nào mỗi khi gặp phải. Người trẻ cần làm gì khi nhận được sự quan tâm khiến ta khó xử này?

Cách Gen Z đối đáp trước những câu hỏi khó đỡ ngày Tết - 1

Thăm hỏi họ hàng là truyền thống đẹp của văn hóa người Việt (Ảnh: IMT Solutions).

"Thành tích của cháu đủ để làm hài lòng bố mẹ ạ"

Ở độ tuổi các em học sinh cấp 2, cấp 3 vẫn còn đang cắp sách đến trường thì những câu hỏi liên quan đến vấn đề học hành luôn được nhiều em cảm thấy muốn trốn tránh nhất khi gặp cô dì, chú bác của mình.

Nếu thành tích tốt sẽ là điều tự hào các em muốn được người lớn biết để nhận được lời khen. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả cũng như mình mong muốn. Có thể trong năm điểm số chưa cao hay thậm chí các em học sinh chuyển cấp đã không đỗ được vào ngôi trường mơ ước của mình.

Thu Thảo - cô bé 14 tuổi đang là học sinh lớp 9 trường THCS Giảng Võ. Em có những chia sẻ thú vị về trải nghiệm của mình mỗi dịp Tết: "Hiện em đang học lớp 9 và vừa mới kết thúc kỳ thi cuối kỳ một xong. Mỗi khi đến Tết em sợ nhất là người thân hỏi những câu như "Năm nay cháu học sinh gì?", "Điểm tổng kết học kỳ vừa rồi có cao không?".

Các anh chị của em học giỏi lắm nên em sẽ cảm thấy xấu hổ với mọi người nếu kết quả học không tốt. Đặc biệt năm nay là thời gian thi lên cấp 3 nên em mong mình sẽ đỗ vào ngôi trường yêu thích để có thể khoe với họ hàng".

Cách Gen Z đối đáp trước những câu hỏi khó đỡ ngày Tết - 2

Thu Thảo và gia đình của em (Ảnh: NVCC).

Giống như Thảo, Như Quỳnh (sinh viên đại học Kinh tế Quốc dân) cũng từng rơi vào tình huống khó xử với những câu hỏi của người lớn: "Nếu như mình được hỏi về những câu hỏi khó xử mỗi khi Tết đến vào năm ngoái chắc chắn sẽ là một list (danh sách) siêu dài vì thời điểm đó mình đang ôn thi đại học.

Bản thân vốn đã rất lo lắng nên khi nhận được những câu hỏi về chuyện học hành của họ hàng sẽ khiến mình bối rối lắm. May mắn năm nay mọi chuyện đã ổn hơn rất nhiều rồi. Mình đã đỗ vào ngôi trường yêu thích và nhận được rất nhiều lời chúc từ mọi người. Chắc chắn Tết năm nay sẽ là một cái Tết vui vẻ và ấm no với mình".

Cách Gen Z đối đáp trước những câu hỏi khó đỡ ngày Tết - 3

Như Quỳnh đã bớt được phần nào lo lắng mỗi khi Tết đến (Ảnh: NVCC).

Những lúc nhận được câu hỏi như vậy, Quỳnh thường đưa ra câu trả lời "chung chung" như: "Kết quả cũng tạm được ạ", "Thành tích của cháu đủ để làm hài lòng bố mẹ". Những câu trả lời mơ hồ không đi vào trọng tâm sẽ khiến người hỏi nhận ra bạn đang tránh đưa ra một câu trả lời cụ thể nên sẽ biết ý không hỏi thêm nữa.

"Lương cháu cũng vừa đủ sống ạ"

Lớn hơn vài tuổi thì vấn đề học hành không còn là thắc mắc của người lớn. Giờ đây câu chuyện kiếm việc, thu nhập mới là chủ đề được đánh giá, quan tâm nhiều nhất.

Bạn Phương Anh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, chỉ vài năm trước thôi vấn đề về học tập được họ hàng cô hỏi han nhiều nhất, nhưng giờ đây đã có sự thay đổi: "Chỉ còn một năm nữa thôi là mình học xong rồi, mình muốn tập trung làm nốt luận án tốt nghiệp rồi mới tìm việc. Tuy nhiên, mình có đam mê với việc làm bánh nên muốn mở một cửa hàng bánh trong tương lai.

Công việc này khác hẳn với ngành mình đang theo học. Bởi vậy có nhiều cô chú không biết được ước mơ thật sự của mình là gì mà thắc mắc tại sao đến tận giờ rồi mình vẫn chưa làm gì liên quan đến ngành học".

Cách Gen Z đối đáp trước những câu hỏi khó đỡ ngày Tết - 4

Phương Anh khó xử với những câu hỏi về ngành học (Ảnh: NVCC).

Cách tốt nhất để đối phó với những câu hỏi về việc làm, thu nhập, bạn có thể nói khéo: "Công việc của cháu hiện tại khá phù hợp với bản thân và cháu rất hài lòng với nó", "Lương cháu cũng vừa đủ sống ạ". Nói theo chiều hướng "bẻ lái" là một chiêu khá hiệu quả: "Công việc của con cũng ổn ạ, mà dạo này con thấy cô trẻ ra quá".

"Khi nào công việc ổn định con sẽ lấy chồng"

Cuối cùng Gen Z đã đến độ tuổi bị giục lập gia đình rồi. Nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 24 trở lên, gia đình và họ hàng lúc này đã nóng lòng muốn con cháu của mình có người yêu.

Một nghiên cứu tại Mỹ thực hiện năm 2012 bởi các nhà tâm lý học Đại học Thành phố San Diego và được Hiệp hội Tâm lý học (Mỹ) công bố, những người sinh ra trong thập niên 80 và 90 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với thế hệ trước.

Họ trân trọng chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện lớn nhất là khát vọng sống cho mình. Nếu hôn nhân không thể cải thiện chất lượng cuộc sống, hoặc ảnh hưởng đến giá trị bản thân, họ sẽ không lựa chọn hôn nhân. Tại Việt Nam, theo Tổng cục thống kê thì tỷ lệ người sống độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 tăng lên 10,1% vào năm 2019.

Bởi vậy, việc nhiều bạn trẻ không muốn được nghe những câu hỏi liên quan đến vấn đề lập gia đình, sinh con là chuyện dễ hiểu.

Khánh Loan (Đồng Nai) giãi bày suy nghĩ của bản thân: "Năm nay mình 25 tuổi, đã có công việc ổn định nhưng vẫn không tránh được những câu hỏi của khách hứa vào ngày Tết như "Loan có người yêu chưa?", "Không biết bao giờ mới lấy chồng để bác có cháu bế đây?", "Tưởng yêu đứa nào sao chưa cưới?"... Ban đầu có không thoải mái lắm nhưng nghe nhiều rồi cũng quen thôi".

Cô cho rằng, ngày Tết mọi người gặp gỡ, thăm hỏi nhau là chuyện bình thường nhưng các vị khách không nên hỏi những điều quá sâu về cuộc sống cá nhân, nên để ý đến cảm xúc của người khác hơn.

Mỗi khi đối mặt với những câu hỏi khó xử trên, Khánh Loan cho biết cô chọn cách trả lời có phần né tránh: "Khi nào công việc, cuộc sống ổn định con sẽ lấy chồng".

Cách Gen Z đối đáp trước những câu hỏi khó đỡ ngày Tết - 5

Loan đã thấy quen với những câu hỏi của người lớn (Ảnh: NVCC).

Để giải quyết vấn đề trên, chúng ta có thể vui vẻ bằng những câu trả lời mang tính trêu đùa như "Thôi cháu vẫn muốn sống cùng để chăm lo cho bố mẹ", "Chắc cuối năm cháu lấy chồng, còn năm nào thì cháu chưa biết ạ". Một câu trả lời hài hước sẽ lập tức biến tình huống khó xử thành những tiếng cười rộn ràng cho ngày xuân.

Những câu hỏi trên đôi khi có thể đem lại cảm giác khó chịu với nhiều bạn, tuy nhiên ta đều biết rằng nó chỉ là cách để họ hàng, người quen quan tâm, hỏi thăm con cháu về tình hình cuộc sống sau một khoảng thời gian lâu ngày không gặp mặt.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì ta cũng cần giữ một thái độ tôn trọng nhất định với người xung quanh dù đó có là một câu hỏi vô duyên đến mấy. Bản thân bạn trẻ cần trang bị cho mình những kỹ năng đối đáp, xử lý tình huống một cách tinh tế để không làm mất lòng người lớn.

Mỗi chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh người khác và bỏ qua những câu hỏi nhạy cảm không cần thiết. Thay vì làm khó nhau, hãy quan tâm chân thành và tế nhị để ngày Tết trở nên ý nghĩa và đầm ấm hơn.