Búp bê giấy của nữ sinh phố cổ

Những con búp bê giấy đẹp “long lanh” tới từng chi tiết, do hai cô nữ sinh Hà Nội sáng tạo đã thu hút khá nhiều người trong và ngoài nước.

Búp bê giấy của nữ sinh phố cổ - 1

Vân và Dương - hai cô chủ của những con búp bê xinh xắn

 

Hai cô gái khéo tay

 

Trên vỉa hè ở phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm, Hà Nội, mỗi buổi tối có một góc nhỏ trưng bày những món đồ chơi cũng nhỏ như hạt cườm làm móc chìa khóa, tô tượng, và đặc biệt là những con búp bê bằng giấy.

 

Ở đấy, lúc nào cũng có những đứa trẻ khoảng 5-10 tuổi, líu lo trò chuyện, xếp hình. Và, bên cạnh là hai cô gái với gương mặt tròn, rất nhẹ nhàng chăm sóc các em. Đó, chính là Thùy Dương (sinh viên năm 2 trường ĐH Kính doanh và Công Nghệ) và Hà Vân (sinh viên năm 2 trường Học viện Ngân hàng).

 

Vân và Dương là bạn thân từ thời cấp 2, lúc còn học chung trường Nguyễn Công Trứ. Ngày bé, tuổi thơ của cả hai là những tháng năm rong ruổi với phố cổ, đến khi lớn lên, một bạn học ở trường THPT Phan Đình Phùng, một ở trường Việt Đức nhưng cả hai vẫn gắn bó với nhau.

 

Vân kể: “Hồi học lớp 10, em và Vân quen và giúp cho một chị chuyên làm búp bê giấy, thế rồi mê búp bê lúc nào không hay. Khi người này không còn làm búp bê nữa thì cả hai vẫn còn say sưa với những gương mặt, mái tóc xinh xắn được làm bằng giấy".

 

Con búp bê đâu tiên mà Vân và Dương làm trọn vẹn là một búp bê mặc váy dài, xòe rộng, váy màu hồng, tóc nâu buộc hai bên. Sản phẩm này được cả hai dành tặng cho cô giáo cấp 2 của mình cách đây 4 năm.

 

Dương tâm sự: “Búp bê giấy là một tác phẩm nghệ thuật, để làm nó thì thực sự phải có hứng và niềm đam mê”.
 
Búp bê giấy của nữ sinh phố cổ - 2

Búp bê xích đu - cô dâu chú rể

 

Mọi chi tiết của búp bê đều được làm bằng giấy, từ “khung” đến váy, từ những lọn tóc được quấn tỉ mỉ đến những bông hoa bé xinh gài lên áo, váy… Để hoàn thành hết những công đoạn này, người sáng tạo mất khoảng 3-4 tiếng, hoặc chậm hơn thì 5 tiếng.

 

Tuy nhiên, cũng có những búp bê được làm tỉ mẩn hơn, sáng tạo hơn như cặp đôi yêu nhau, xích đu, cô dâu chú rể, búp bê ông già, bà già Noel… Vân kể: “Có khá nhiều khách hàng đặt bọn em làm búp bê cô dâu chú rể, nhưng làm rất cầu kỳ, như có thảm đỏ cho cả hai đi vào, có cổng chào bằng hoa, có bánh kem…, tóc thì phải màu gì, váy ra sao… Những yêu cầu như thế thì mình phải đầu tư công sức hơn, nhưng cũng hạnh phúc vì được sáng tạo và mang đến niềm vui cho người khác”.

 

Không chỉ thế, có bạn còn mang ảnh của mẹ đến và nhờ hai bạn làm một con búp bê y hệt như gương mặt người trong ảnh. Hay dịp 8/3, có những nam sinh cấp 3 đến đặt búp bê để làm quà tặng cho các bạn gái trong lớp, ngoài dáng truyền thống ra thì mỗi nàng búp bê này còn cầm một tấm thiệp hình trái tim rất dễ thương.

 

Mơ một quán cà phê búp bê

 

Đến lớp 11, Vân và Dương mới bắt đầu làm búp bê để bán. Cả hai vẫn nhớ hình ảnh con búp bê đầu tiên bán được: “Hôm đó khi bọn em chuẩn bị mang búp bê đi bán thì ngay khi vừa ra cửa gặp một cô là bạn của mẹ Vân, cô ấy thấy xinh quá nên mua về làm quà cho con gái”, Dương kể.

 

Chỉ với vài chục ngàn đồng, khách hàng đã có thể mua búp bê giấy của Vân và Dương. Với những loại búp bê đặt thì tùy theo mức độ phức tạp mà có giá trên 100.000 đồng. Dương cho biết: “Thực ra công sức và chất liệu làm là tương đương nhau, nhưng nhiều người cứ cho rằng nhỏ hơn thì tiền ít hơn nên em để giá cả như thế cho hợp”.

 

Chuyến bán hàng đầu tiên của đôi bạn này là tại một lễ hội văn hóa ở trường ĐH Hà Nội vào khoảng tháng 9/2008. Hôm đó, cả hai thuê lại ¼ gian hàng của một nhóm sinh viên khác, rồi bày khoảng 20 búp bê giấy của mình lên. Tuy nhiên, góc bán quá tối nên chẳng ai quan tâm, hai cô nàng quyết định mang ra trưng bày ngay trên lối đi nhỏ của lễ hội, và điều bất ngờ là toàn bộ số búp bê đã được bán hết sạch.
 
Búp bê giấy của nữ sinh phố cổ - 3

Những sản phẩm búp bê của Vân và Dương

 

Khách hàng của Dương-Vân không chỉ có các bạn trẻ mà khá nhiều du khách nước ngoài và những người trung tuổi. Từ việc khách hàng mua về trưng bày, dần dần có những người mua để làm quà tặng, rồi gửi đi xa, từ TP HCM cho đến nước ngoài. Chính vì thế nên 2 cô chủ thường tìm những chất liệu tốt hơn để khi vận chuyển thì sản phẩm nhỏ, gọn và không bị nhàu. Đến giờ, khi cầm trên tay một búp bê giấy của Vân-Dương, bạn sẽ thấy nó rất mềm mại, và lúc xếp gọn vào hộp thì các đường nét không hề thay đổi.

 

Hiện tại, ngoài việc tham gia lễ hội văn hóa ở các trường THPT, ĐH, một tuần vào các tối thứ 2,4 hai cô sẽ bày bán búp bê tại vỉa hè nhà Dương (21 Hàng Gà).

 

Dương chia sẻ: “Vui nhất là những dịp Trung thu, tết, chúng em huy động hết cả bố mẹ, anh em, bạn bè để cùng làm búp bê. Sau đó thì cả hai sẽ bán ở phố Hàng Mã, như đợt Trung thu vừa rồi chúng em bán được khoảng 100 con, sau đó thì có thêm người đặt hàng để làm quà tặng cho bạn bè ở xa nữa”.

 

Tuy nhiên, hai cô nữ sinh cũng mong muốn rằng sản phẩm của mình không chỉ bán nhỏ lẻ tại các cửa hàng lưu niệm hay thỉnh thoảng xuất hiện ở các lễ hội văn hóa, mà họ còn hi vọng sẽ làm lớn hơn. "Chúng em vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư để mở rộng thị trường và có cơ hội phát triển khả năng của mình hơn"- Dương chia sẻ. Đồng thời, hai cô bạn cũng bày tỏ ước mơ mở một quán cà phê búp bê giấy. Đó sẽ là nơi để nhiều người đến thư giãn, ngắm nghía và chọn cho mình một con búp bê giấy thật xinh!

 

Theo Zing