Bệnh đãng trí của giới trẻ: Chuyện thật như đùa!

Chịu một sức ép tâm lý lớn trong chuyện học hành, lao động... nên nhiều bạn trẻ hiện nay đã mắc bệnh đãng trí, một hậu quả của stress. Và cách chữa trị bệnh đãng trí của họ cũng thật "độc đáo"!

Đến thăm người bạn thân thời phổ thông tại làng Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, vừa bước vào nhà thì Tuấn - cậu chủ nhà liền mang chiếc ổ khóa to tướng ra... khóa cửa lại (!) Té ra đó là cách chống lại bệnh đãng trí mà cậu đang mắc phải.

Tuấn đang là sinh viên năm cuối ĐH Kiến trúc Hà Nội. Từ ngày học PTTH, Tuấn đã tỏ ra có... bệnh đãng trí. Ngoài chuyện học hành, cứ thỉnh thoảng cậu lại quên việc này, việc nọ. Nhiều lần Tuấn làm bạn bè và ngay cả cô bạn gái phát cáu vì cậu sai hẹn do "tự nhiên quên khuấy mất".

Lên đại học, việc học hành càng vất vả, bệnh của Tuấn ngày một nặng. Khá nhiều lần cậu để quên cuốn sách, cái cặp hay cả bộ quần áo ở những nơi mà cậu "chẳng còn nhớ nữa".

Chỉ cách đây độ vài tuần, vì thời hạn nộp đồ án rất gấp, Tuấn phải ngồi bên bàn máy tính từ sáng đến chiều. Hoàn thành xong đồ án thì trời đã tối, người mệt rã rời, Tuấn leo lên giường ngủ luôn. Khi mò dậy đánh răng rửa mặt buổi sáng, Tuấn không tin vào mắt mình: cửa vẫn khép, vậy mà cả dàn máy vi tính cùng con "cuốc Nhật" của cậu đã biến mất tăm không dấu vết.

Bần thần một lúc, Tuấn mới nhớ ra đêm qua mình đã không khóa cửa. Lòng đau như cắt, cậu đành ngậm ngùi chấp nhận coi đây là một bài học xương máu. Từ đó, Tuấn tự đặt ra cho mình cái thói quen là mỗi khi bước khỏi cửa là phải khóa ngay. Bạn bè kêu ca cũng mặc. Nhiều lần cậu tâm sự: "Có những khi ngay cả ngày sinh tớ cũng không nhớ nổi nữa!". Bạn bè đặt cho cậu biệt danh "thằng ba ngơ" do tật đãng trí.

Nguyễn Văn Quyết - sinh viên khoa Văn, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - cũng khiến mọi người phải lắc đầu khi nghe câu chuyện của cậu. Năm học mới, vì đạt thành tích xuất sắc trong học tập, Quyết được bố mẹ mua cho một chiếc xe Wave Alpha mới coóng để cậu đi lại đỡ vất vả. Quyết lao vào học như điên, lại "cày" thêm gia sư lấy tiền đổ xăng và trang trải sinh hoạt chốn đô thành đắt đỏ.

Do làm việc, học tập với cường độ cao, lại không khoa học nên cậu mắc cái tật rất hay quên. Muốn nhớ được cái gì, cậu thường phải ghi ra giấy rồi luôn đem bên mình để thỉnh thoảng giở ra soát lại. Hôm ấy, sau khi trải qua bài thi căng thẳng, Quyết cảm thấy đầu óc trống rỗng. Cậu phóng xe như một cái bóng vào ký túc xá ăn cơm. Sau đó, cậu về thẳng nhà mà không nhớ mình đã dựng xe trước cửa quán.

Áp lực của công việc, học tập hoặc vì một số lý do nhất định đã khiến cho nhiều bạn trẻ mắc phải một thứ bệnh mới trong thời đại công nghiệp là bệnh "stress".

Câu chuyện nữ sinh viên Hồng Mai - ĐH Ngoại thương - vừa phải chia tay bạn bè, trường lớp vì bị suy nhược thần kinh trầm trọng là một ví dụ điển hình về sự lan tràn stress trong giới trẻ.

Đa số giới trẻ khắc phục bệnh đãng trí bằng cách chịu khó ghi chép hay... sai đâu rút kinh nghiệm đó, chứ chưa có biện pháp nào khác để chữa khỏi hẳn. Thực ra, stress cũng được coi như là một trong những chức năng sinh tồn của cơ thể và có vai trò gần giống với hệ miễn dịch. Để tránh stress, cần phải có một lịch học tập, sinh hoạt khoa học. Tập trung cho một việc là tốt, song đừng vì quá tập trung vào nó mà trở nên lơ đãng với tất cả những chuyện khác.

Theo Minh Tiến - Thanh Niên