Bài học cảnh tỉnh cho những nữ sinh

Dư luận TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ những ngày cuối tháng 3/2008 xôn xao lên về vụ một nữ sinh trường THKT Dược Phú Thọ đột nhiên trở về KTX trong một thể trạng tinh thần hoảng loạn, thể xác rã rời, ngất lên ngất xuống và được bạn bè đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh.

Sự việc chỉ được làm sáng tỏ những thông tin về việc T - nữ sinh này đột nhiên vắng mặt tại phòng ở suốt khoảng 5 giờ đồng hồ, từ 10 giờ tối ngày hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau được trình báo lên cơ quan Công an.

 

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, các điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP.Việt trì đã tích cực vào cuộc. Cơ quan Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng, đó là các tên: Bùi Văn Nghĩa (SN 1988); Nguyễn Quốc Nhân (SN 1985) đều thường trú tại Khu 8, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao và Nguyễn Duy Tôn (SN 1986), thường trú tại khu 20, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

 

Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Do đã có một số lần lân la đến phòng trọ 112 của trường THKT Dược chơi nên có để ý đến T, một nữ sinh quê ở Sơn La, người dân tộc Thái. Buổi tối hôm xảy ra sự việc, 3 đối tượng thấy T ra cổng trường mua sữa chua cho bạn. Một đối tượng bèn lại gần và mời T đi uống cà phê. T nói muộn không muốn đi nhưng các đối tượng tiếp tục mời mọc, lôi kéo, có tên nói với T là quen bảo vệ cho vào và khống chế T lên xe máy.

 

Các đối tượng chở T đến một quán chè. Sau khi thanh toán tiền cho 4 cốc chè. T nói muốn trở lại trường. Các đối tượng cho T lên xe máy. Nhưng càng đi càng mất hút. Bản thân T từ Sơn La mới về Việt Trì trọ học nên cũng chưa thông thạo đường đi lối lại.

 

Ba thanh niên đưa T đến đầu làng Dục Mỹ, huyện Lâm Thao, cách Tp. Việt Trì hơn chục cây số. Đối tượng Nhân táp xe vào một con mương và lôi T xuống định thực hiện hành vi đồi bại. Nhưng 2 đối tượng còn lại bảo Nhân vào nhà nghỉ.

 

Bọn chúng tiếp tục đưa nữ sinh này đến một nhà nghỉ tại Sơn Vi, Lâm Thao và thay nhau hãm hiếp nữ sinh T trong nhiều giờ đồng hồ. Khoảng 2 giờ sáng hôm sau, 3 đối tượng, một tên nói với bảo vệ của trường: "Chúng cháu đi thăm người nhà bị ốm, về muộn" và xin cho T vào.

 

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Đỗ Ngọc Thanh - Phó trưởng công an TP.Việt Trì cho biết: Đây là một vụ án vi phạm nghiêm trọng đạo đức và pháp luật, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Từ vụ án này cho thấy trong công tác quản lý học sinh sinh viên ngoài giờ học của nhà trường còn bộc lộ nhiều thiếu sót, nhà trường cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ, hữu hiệu người ra vào để tránh xảy ra những trường hợp tương tự.

 

Phóng viên đã có cuộc làm việc với bà Phan Thị Mai Hương - Trưởng phòng Đào tạo Trường THKT Dược Phú Thọ và được bà Hương cho biết: Với hai loại hình đào tạo: Dược sỹ trung học và dược tá sơ cấp, hàng năm, nhà trường có hàng trăm học sinh từ khắp các tỉnh thành trong cả nước như: Đăk lăk, TP.Hồ CHí  Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái... theo học.

 

Ông Hoàng Văn Thuật, Trưởng ban Quản sinh trường THKT Dược Phú Thọ trong cuộc làm việc với chúng tôi khẳng định: Trong nhiều năm nay, công tác quản lý sinh viên của trường đã được duy trì thường xuyên và được thể hiện trong nghị quyết và quy chế cụ thể. Theo đó, các đối tượng không phải là học sinh của trường muốn vào trường thì phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân và bảo vệ nhà trường sẽ gọi học sinh ra để nhận mặt, nếu thấy đúng thì mới được vào trường.

 

Ban quản sinh nhà trường trong mỗi ngày khai giảng đều tổ chức phổ biến nội quy, quy định của nhà trường trong toàn thể học sinh trong 2 ngày, thậm chí những quy chế này còn được in ra và phát cho từng lớp học.

 

Tuy nhiên, đó là trong "nghị quyết", còn trên thực tế, công tác quản lý học sinh sinh viên nơi đây còn bộc lộ nhiều thiếu sót. Khi vụ việc của T xảy ra, Cơ quan Công an có đến tìm bảo vệ của trường để xác minh một số vấn đề nhưng không thu được kết quả gì vì bảo vệ hôm đó không nhớ được chi tiết nào về việc xuất hiện 3 thanh niên ngoài số vé 66 đã được trả lại.

 

Sự việc 3 thanh niên nhiều lần đến phòng trọ trong ký túc xá chơi nhưng không lần nào phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, rồi việc em T được họ trả về vào khoảng 2 giờ sáng tại cổng trường... đều cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản sinh.

 

Ông Thuật cũng cho biết, tổ bảo vệ của nhà trường có 6 người, mỗi ca trực có 2 người, thời gian của mỗi ca kéo dài một ngày một đêm, từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ chiều hôm sau. Quan sát qua thực tế vào thời điểm đó, chúng tôi thấy, cổng Trường Dược vào buổi tối là nơi ra vào, tụ tập của nhiều người là việc ra vào chỉ được kiểm soát qua những chiếc vé xe, không đăng ký tên tuổi, địa chỉ, không xuất trình giấy tờ tuỳ thân. Thiết nghĩ, theo như quy chế, công việc của tổ bảo vệ không đơn giản chỉ là trông giữ xe máy, xe đạp...

 

Tuy nhiên, từ vụ việc đáng tiếc này - theo ý kiến của ông Thuật - ban quản sinh nhà trường sẽ đưa ra kiểm điểm và có những biện pháp khắc phục để tránh xảy ra trường hợp tương tự.

 

Song, điều người viết bài muốn nói thêm đó chính là ở mỗi sinh viên. Vụ việc đau lòng này thiết nghĩ có thể mỗi nữ sinh có thái độ kiên quyết, trước hết là với chính bản thân mình. Nếu T không muốn đi chơi với những thanh niên mới chỉ quen biết qua một hai lần đến chơi tại phòng trọ, chưa kịp biết tên, tuổi, địa chỉ, T hoàn toàn có thể kháng cự bởi cổng trường vào thời điểm đó vẫn có rất đông người, hơn nữa, phòng bảo vệ lại ở ngay cổng ra vào.

 

Vả lại, nếu T đủ tỉnh táo để nhận biết nguy hiểm đang rình rập mình thì em đã phải có ngay những biện pháp để tự bảo vệ, không thụ động trước hàng loạt những biểu hiện không đàng hoàng của 3 thanh niên lạ, vì ở quán chè hay ngay cả khi đến nhà nghỉ. T có thể cầu cứu để nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh.

 

Vụ án khép lại, kẻ gây án sẽ bị pháp luật nghiêm trị, nhưng bài học cảnh tỉnh đối với những nữ sinh trong điều kiện sống xa nhà vẫn còn đó, bởi nỗi đau tinh thần và thể xác không dễ nguôi ngoai.

 

Theo Bảo Vệ Pháp Luật/TTOL