Anh hùng tuổi teen - một quan niệm lỗi thời

(Dân trí) - 12 năm trước, tuổi teen Trung Quốc luôn mang trong mình tinh thần sẵn sàng hy sinh. Nhưng giờ đây, tinh thần đó không còn được khuyến khích nữa.

12 năm trước, các bạn trẻ vị thành niên Trung Quốc đã dấy lên một làn sóng mạnh mẽ trên khắp cả nước về việc học hỏi người anh hùng tuổi teen Lai Ning (1974 - 1988). Cậu bé Lai đến từ miền Nam Trung Quốc đã chết khi cố gắng dập tắt đám cháy rừng. Lúc ấy, cậu mới vừa tròn 14 tuổi.

Tháng 11 năm 1988, Lai được tôn vinh “Liệt sỹ” và được coi là tấm gương cho các thanh thiếu niên khác noi theo.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, trong tâm trí các bạn tuổi teen, hình tượng cậu bé Lai Ning dũng cảm ngày nào đã bị “đánh bật” bởi các ngôi sao nhạc Pop đến từ Đài Loan hay Hồng Kông như Jay Chu hay nhóm nhạc 3 thành viên người Đài Loan là S.H.E. Người dân nước này đang nỗ lực để tìm ra câu trả lời liệu điều đó đúng hay không.

Các điều khoản trong Bộ luật đạo đức dành cho học sinh của chính phủ Trung Quốc, như “Không sợ chiến đấu” và “Cố gắng cứu người gặp nạn” đã bị thay bằng “Hãy báo cho người khác khi có nguy hiểm” và “Học cách bảo vệ bản thân.”

Không chỉ có thế, theo thông tư về quản lý an toàn dành cho các trường tiểu học, trung học và mẫu giáo, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn không khuyến khích những cử chỉ anh hùng tuổi vị thành niên. Thông tư này yêu cầu các trường không được phép sử dụng các học sinh nhỏ tuổi trong các hoạt động cứu trợ khẩn cấp.

Cũng theo thông tư trên, chỉ có các chuyên viên và người trưởng thành được khuyến khích tham gia các nỗ lực cứu nguy khẩn cấp.

“Sự thay đổi này cho thấy bước tiến bộ trong suy nghĩ về tinh thần anh hùng tuổi niên thiếu ở Trung Quốc”, các chuyên gia nước này cho biết.

“Để bảo vệ các bạn thanh thiếu niên, chính phủ Trung Quốc không nên khuyến khích các thiếu niên nhỏ tuổi giúp đỡ người khác trong các tình huống khẩn cấp và tuyên dương tinh thần anh hùng ở lứa tuổi này”.

Cứu cuộc sống của một người là một việc làm cao cả. Nhưng cuộc sống của người cứu giúp cũng quý giá như của người đang gặp nguy hiểm. Đạo đức con người không nên khuyến khích những nỗ lực giải cứu không chắc chắn. Đó là bình luận của nhật báo Thanh niên Trung Quốc.

Bình luận này nhấn mạnh rằng hầu hết những hoạt động giải cứu có sự tham gia của trẻ vị thành niên đều chỉ mang đến bi kịch.

Đối với các bậc phụ huynh Trung Quốc, những người không thể có được “tiểu vương” hay “tiểu công chúa” do chính sách một con của nước này là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho bước đi này của đất nước 5000 năm tuổi, vốn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lý thuyết về lòng nhân hậu và đức hy sinh của Khổng Tử.

9% những người tham gia cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trên mạng Sichuan Online đồng ý rằng khi con em họ gặp tình huống nguy hiểm, điều quan trọng nhất là chúng phải tự bảo vệ bản thân và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Đừng “lấy trứng chọi đá” và cũng không bao giờ được thể hiện lòng dũng cảm trong trường hợp khẩn cấp đã cho thấy thái độ của một số phụ huynh đối với tinh thần anh hùng tuổi teen.

“Trẻ vị thành niên rất giỏi bắt chước và sức mạnh của các tấm gương là vô cùng lớn. Vì vậy, sẽ có thể có rất nhiều bất hạnh nếu chính phủ khuyến khích điều này”, ông Zhang Mingliang, một người tham gia phỏng vấn cho biết.

“Đừng có vội vàng cứu người khác là một cách nghĩ tốt”, nhật báo Thanh niên Trung Quốc kết luận.

Linh Nam
Theo Chinadaily