Truy trách nhiệm từng cá nhân nếu diện tích rừng tự nhiên bị giảm

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT cho biết, đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên bị giảm trong năm 2016, phải làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Nếu địa phương nào có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2016, sẽ phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể (Ảnh minh họa: Viết Hảo).
Nếu địa phương nào có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2016, sẽ phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể (Ảnh minh họa: Viết Hảo).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn vừa ký Quyết định số 1819/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/5 về Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016.

Theo quyết định trên, diện tích rừng toàn quốc tính đến hết ngày 31/12/2016 như sau: Diện tích rừng hiện có là gần 14.400.000 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn quốc là: hơn 13.600.000 ha, độ che phủ tương ứng là hơn 41%.

Cũng tại Quyết định trên, trách nhiệm quản lý, tổ chức bảo vệ và phát triển rừng sau khi công bố hiện trạng rừng, đối với Tổng cục Lâm nghiệp phải thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia theo quy định tại Quyết định số 1439/QĐ-BNN-TCLN ngày 25/4/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin Quản lý Lâm Nghiệp.

Tổng cục Lâm nghiệp phải tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, cơ sở dữ liệu rừng, đất lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc và của từng địa phương.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải giao UBND các cấp (xã, huyện) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính Phủ.

Các tỉnh, thành phố sử dụng số liệu hiện trạng rừng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm; làm cơ sở cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo.

Ngoài ra, trong Quyết định nói trên của Bộ NN&PTNT còn nhấn mạnh, đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên bị giảm trong năm 2016, phải làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Trước đó, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 5/2017, Bộ NN&PTNT sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật bảo vệ phát triển rừng sửa đổi. Nếu Luật này được thông qua, cuối năm 2017, một loạt cơ chế chính sách sẽ thay đổi đồng bộ để chúng ta có một hành lang pháp lý mới thích ứng với những thay đổi, những xu thế quản trị rừng, kiểm soát nguồn gốc gỗ và lâm sản cũng như động vật hoang dã mà các tổ chức quốc tế đã tham gia.

Luật bảo vệ phát triển rừng đang được Dự thảo sẽ cơ bản thay thế cho Luật bảo vệ phát triển rừng hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2004.

“Dự thảo luật này có rất nhiều điểm được thay đổi, trong đó có việc luật không chỉ điều chỉnh phạm vi giới hạn là trồng, bảo vệ để thành rừng, mà chúng ta quản lý theo chuỗi từ bảo vệ quản lý phát triển rừng đến chế biến và thương mại, đảm bảo truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đảm bảo cho tất cả sản phẩm của chúng ta, bao gồm nguồn gốc nguyên liệu trong nước, nhập khẩu đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận. Có như vậy chúng ta sẽ đẩy nhanh được kim ngạch xuất khẩu lâm sản, năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD. Nếu chúng ta làm tốt truy suất nguồn gốc này, chúng ta có thể đạt được 10 tỷ USD vào năm 2020” – ông Tuấn cho biết.

Nguyễn Dương