Tìm giải pháp để lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phát triển bền vững

(Dân trí) - Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai địa phương. Do đó, các nhà khoa học, lãnh đạo hai địa phương này đã tổ chức đối thoại để tìm giải pháp phát triển bền vững khu vực này.

Ngày 21/11, tại TP Hội An (Quảng Nam), tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thông qua “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF)” phối hợp với Quỹ Hanns Seidel (HSF) đã tổ chức đối thoại bàn tròn cấp cao về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng – Quảng Nam: một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”.

Tham gia buổi đối thoại có lãnh đạoBộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng và các cơ quan, sở ban ngành cùng các tổ chức quốc tế có liên quan.

Đối thoại bàn tròn cấp cao về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam tổ chức ngày 21/11 tại Hội An
Đối thoại bàn tròn cấp cao về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam tổ chức ngày 21/11 tại Hội An

Mục đích của đối thoại là hiểu được thực trạng phát triển và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mối quan hệ với vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng và các rào cản đối với phát triển bền vững lưu vực sông và vùng bờ biển; xác định được các mâu thuẫn, xung đột lợi ích chủ yếu trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng; tăng cường được cơ chế điều phối liên vùng và phối hợp liên ngành trong quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam – Đà Nẵng dựa trên cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển” (R-R).

Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong các hệ thống sông lớn của khu vực miền Trung và cả nước, với diện tích lưu vực 10.350km2. Lưu vực này chiếm khoảng 2,5% nguồn nước quốc gia, sản xuất khoảng 1,5% GDP và khoảng 2% sử dụng cho tưới tiêu.

Lưu vực bao gồm phần lớn diện tích đất của tỉnh Quảng Nam (chiếm 80%) và TP Đà Nẵng cộng với một phần nhỏ các tỉnh Kon Tum (chiếm 5,4%) và Quảng Ngãi.

Vùng bờ biển tỉnh Quảng Nam có diện tích tự nhiên khoảng 1.587 km2 (chiếm khoảng 15% diện tích đất toàn tỉnh), đường bờ biển dài 125 km.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho rằng, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai địa phương.

“Việc xây dựng một chương trình liên vùng nhằm quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng là rất cần thiết. Chương trình liên vùng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh của các địa phương ảnh hưởng lẫn nhau trong các lĩnh vực giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính lành lặn của các hệ sinh thái, quản lý việc khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững”, ông Huỳnh Khánh Toàn phát biểu.

Theo các nhà khoa học tại buổi đối thoại, lưu vực sông, vùng bờ biển và biển là những khu vực có mối quan hệ tương tác với nhau. Vùng bờ biển là bộ phận rất quan trọng nằm chuyển tiếp giữa lưu vực sông và biển bên ngoài.

Tuy nhiên các hệ thống này lại thường được quản lý một cách biệt lập. Vì thế, cần có những hiểu biết và cách tiếp cận tích hợp để lồng ghép quản lý lưu vực sông với vùng bờ biển dựa trên mối liên kết sinh thái, thủy văn và kinh tế - xã hội. Một trong những cách tiếp cận đó là “từ đầu nguồn xuống biển”.

Đây là cách tiếp cận còn khá mới mẻ bởi hiện nay quản lý tổng hợp vùng bờ và quản lý tổng hợp tài nguyên nước vẫn được tiến hành riêng lẻ và chưa có các thực hành tốt. Trong khi cách tiếp cận mới này đòi hỏi phải tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, khuyến khích và thể chế hóa sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng trong phạm vi lưu vực và vùng bờ biển.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi trình bày tại buổi đối thoại
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi trình bày tại buổi đối thoại

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi (ĐH quốc gia Hà Nội, Trưởng ban điều phối quốc gia chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai) – cho rằng, vấn đề quản lý tổng hợp không gian để tích hợp các chiến lược và kế hoạch phát triển giữa/từ đất và/ra biển đã được đề cập và áp dụng ở nước ngoài từ khoảng 10 năm qua, đặc biệt ở Thụy Điển, Hoa Kỳ và gần đây là ở Trung Quốc.

“Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn còn mới đối với Việt Nam và để áp dụng thành công trong thời gian tới cần có sự thay đổi nhận thức ở cấp cao – những người hoạch định chính sách và ra quyết định cho các phương án phát triển lưu vực sông và vùng bờ biển…”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi phát biểu.

Bên cạnh đó, để có được những hiểu biết và cách tiếp cận tích hợp trong quản lý lưu vực sông với vùng bờ biển, cần phải đưa tư duy hệ thống vào quá trình quản lý của các cấp lãnh đạo. TS. Nguyễn Văn Thành (Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khoa học Hệ thống thế giới (ISSS) của Hải Phòng, Thành viên Hội đồng ISSS thế giới) cũng có cùng chia sẻ về vấn đề này.

Biển Cửa Đại, nơi hai con sông Vu Gia và Thu Bồn đổ ra biển Đông
Biển Cửa Đại, nơi hai con sông Vu Gia và Thu Bồn đổ ra biển Đông

TS. Nguyễn Văn Thành phát biểu: “Tư duy hệ thống là một cách nhìn khoa học giúp các nhà lãnh đạo, quản lý đưa ra những giải pháp xử lý, giải quyết vấn đề mang tính tổng thể, lồng ghép, liên ngành, liên vùng, liên địa phương; nhằm tập trung xử lý tận gốc rễ vấn đề chứ không xử lý triệu chứng và tình huống trước mắt như hiện nay vẫn xảy ra trong công tác lãnh đạo và quản lý”.

Với những nhận định trên, đối thoại bàn tròn cấp cao lần này mong muốn đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để tiến tới quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia –Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng; thảo luận mô hình thể chế và cơ chế quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng có thẩm quyền quản lý và kiểm soát phát triển, giải quyết tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước trên lưu vực và các tác động xấu xuống vùng bờ biển và đề xuất thỏa thuận phối hợp thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng giữa các bên liên quan.

Công Bính