Tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt đến mức báo động

(Dân trí) - Quần thể các loài sinh vật nhiệt đới đang bị suy thoái với tốc độ nghiêm trọng trong khi nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người tăng vọt, cao hơn 50% so với khả năng mà trái đất có thể chịu được.

Đó là thông tin được đưa ra tại Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF (Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên)  năm 2010 - khảo sát hàng đầu về sức khoẻ của hành tinh (The Living Planet Report),

Báo cáo này thực hiện hai năm một lần, được tiến hành với sự hợp tác của Hội Động vật học Luân - Đôn và Mạng lưới Dấu ấn Sinh thái Toàn cầu, đã sử dụng các chỉ số Sức sống Hành tinh toàn cầu làm thước đo sức khỏe cho khoảng 8,000 quần thể của hơn 2,500 loài. Chỉ số toàn cầu cho thấy sức sống của hành tinh bị suy thoái  30% kể từ năm 1970, nghiêm trọng nhất là tại các vùng nhiệt đới nơi bị suy thoái 60% trong chưa đầy 40 năm qua.

“Sự suy thoái đa dạng sinh học ở các nước thu nhập thấp đang ở mức báo động, thường là tại các nước nhiệt đới. Trong khi đó, các nước phát triển lại sống trong một thiên đường bấp bênh và không bền vững với mức tiêu thụ dư thừa và lượng phát thải các-bon cao,”  Jim Leape, tổng giám đốc WWF Quốc tế cho biết.

Báo cáo cũng cho thấy quần thể của các loài nhiệt đới nước ngọt giảm xuông gần 70% - tốc độ suy thoái mạnh hơn rất nhiều so với bất kỳ loài nào được khảo sát trên đất liền hay ở dưới biển. Dấu ấn sinh thái, một trong những chỉ số được sử dụng trong bản báo cáo, cho thấy nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người tăng gấp đôi kể từ năm 1966, và từ đó tiếp tục tăng với cấp số nhân. Từ đây một cảnh báo được đưa ra: Nếu con người tiếp tục sống với nhu cầu lớn hơn khả năng cung cấp được của trái đất, thì đến năm 2030 phải cần đến 2 hành tinh như trái đất để đáp ứng nhu cầu hàng năm của con người.

Các-bon được khẳng định chính là thủ phạm chính gây ra sự suy thoái hệ sinh thái trên hành tinh. Trong 5 thập kỷ qua, lượng phát thải các-bon đã tăng gấp 11 lần- chiếm hơn một nửa Dấu ấn Sinh thái Toàn cầu. 10 quốc gia đứng đầu về lượng phát thải các-bon bình quân trên đầu người là các nước thuộc tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar, Đan Mạch, Bỉ, Mỹ, Estonia, Canada, Úc, Kuwait và Ireland.

Trong khi đó, phân tích mới trong bản báo cáo cũng cho thấy sự đa dạng sinh học bị suy thoái nặng nề ở các nước có thu nhập thấp với mức suy giảm gần 60% trong gần 40 năm.

 Báo cáo Sức sống Hành tinh còn cho thấy dấu ấn sinh thái cao và mức tiêu thụ cao không đồng nghĩa với sự phát triển. Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp quốc, dựa vào tuổi thọ dự tính, thu nhập và trình độ học vấn, có thể đạt mức cáo tại các quốc gia có dấu ấn sinh thái trung bình. Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp cần thiết để đảm bảo trái đất có thể nuôi sống được dân số thế giới, dự kiến hơn 9 tỉ người trong năm 2050.

“Bằng cách này hay cách khác, phải tìm ra cách đáp ứng nhu cầu của dân số đang ngày càng gia tăng về số lượng và nhu cầu trong khuôn khổ nguồn tài nguyên của hành tinh này. Tất cả chúng ta phải tìm ra những lựa chọn tối ưu nhất về những thứ tiêu dùng cũng như trong phương thức sản xuất và sử dụng năng lượng”- ông Leap phát biểu.

P. Thanh