Thừa Thiên Huế:

Phạt tiền và cưỡng chế các hộ nuôi tôm trái phép

(Dân trí) - Ngày 8/12, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với Dân trí liên quan đến việc nuôi tôm chân trắng trái phép ồ ạt tại thị trấn biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc thời gian qua.

Như Dân trí thông tin, sau khi tìm hiểu, chỉ một thời gian ngắn tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc 1 năm trở lại đây đã xuất hiện rất nhiều hộ dân nuôi tôm chân trắng trái phép, làm ảnh hưởng đến môi sinh đến môi trường biển tại đây.

Theo ông Đức, sau khi có quyết định số 72 của UBND tỉnh về việc nuôi tôm chân trắng có điều kiện ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, cơ quan chức năng đã cấp phép cho bà con 50 ha vùng đầm phá nuôi tôm ở huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà. Nhưng thực tế qua kiểm tra đã nuôi hơn 100 ha, trong đó ở Phú Lộc nhiều nhất.

Cụ thể ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc nuôi tôm chân trắng trái phép nhiều nhất tỉnh. Ở thị trấn biển du lịch này có hơn 30 ha vi phạm với 97 hộ gồm: 15 ha đủ điều kiện nhưng đang làm thủ tục; 10 ha nằm trong quy hoạch nhưng chưa đủ điều kiện nuôi, phải cải tạo các điều kiện về diện tích, kỹ thuật thì mới nuôi được; và 6,7 ha nuôi tự phát trái phép với đến 50 hộ nuôi.

 

Hàng loạt hồ nuôi tôm chân trắng trái phép ở thôn Lập An sát đầm Lập An
Hàng loạt hồ nuôi tôm chân trắng trái phép ở thôn Lập An sát đầm Lập An

Nguyên nhân nuôi tôm chân trắng ồ ạt 1 năm trở lại đây là do khi giải tỏa các hộ nuôi hàu lấy vôi ven đầm Lập An thì họ chuyển sang nuôi tôm; một số hộ buôn bán, mở café thấy một số hộ nuôi được bèn nuôi theo; hay các hộ nằm trong vùng quy hoạch chưa được cấp phép đã tự ý nuôi…

Trước câu hỏi môi trường nước sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi nuôi tôm trái phép? Ông Đức trả lời: “Việc nuôi tôm không đảm bảo này thời gian dài sẽ làm cho nguồn nước đầm phá Lập An gần đó sẽ bị ô nhiễm. Việc tự ý xây dựng ao, bể nuôi, hệ thống ao lắng, ao xử lý nước không đảm bảo theo quy định là nguy cơ làm ô nhiễm môi trường nước nói chung, gây mất cân bằng sinh thái, mất bền vững về hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân quanh vùng đầm Lập An.

Hiện việc nuôi này cũng không hiệu quả khi tôm chết nhiều. Nguyên nhân là không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật như ao lắng, ao xử lý thải. Đã có 30 hộ bỏ nuôi sau 2 vụ nuôi không có lời”.

 

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời phóng viên
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời phóng viên

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra, lập biên bản hành chính, xử phạt từ 3-5 triệu/hộ đối với cả 97 hộ vi phạm. Đặc biệt, Chi cục Thủy sản đã gửi hồ sơ về huyện Phú Lộc củng cố 7 hồ sơ vi phạm nặng để huyện ra quyết định cưỡng chế trong thời gian tới.

Ông Hồ Vang, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa gửi văn bản đề nghị UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo UBNB Thị trấn Lăng Cô tiến hành các thủ tục buộc dừng và tiến hành trả về hiện trạng ban đầu đối với các hộ đang tiến hành xây dựng hồ, bể xi măng để nuôi tôm chân trắng. Riêng các hộ đang nuôi vi phạm thì tiến hành lập biên bản, cam kết không xả nước ra môi trường khi chưa được xử lý, khi kết thúc vụ nuôi thì tiến hành tháo dỡ.

 

Rất nhiều hộ dân sát QL 1A đào hồ tôm ngay sân vườn nhà
Rất nhiều hộ dân sát QL 1A đào hồ tôm ngay sân vườn nhà

Để tạo điều kiện cho bà con được tiếp tục làm đúng luật, cán bộ Chi cục Thủy sản đã về hướng dẫn các hộ đang nuôi buộc phải dừng hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi (như nuôi cá giống sau đó bán lại). Các hộ nằm trong vùng quy hoạch thì phải làm thủ tục đăng ký để tạo điều kiện cho nuôi tôm chân trắng tiếp. Đồng thời cán bộ cũng phân tích, tư vấn cho dân hiểu cách nuôi. Vì nếu nuôi không đúng cách, không đầy đủ kỹ thuật thì tôm chân trắng sẽ rất dễ chết. Thực tế chứng minh đã có 30 hộ mới sau 1 năm nuôi đã bỏ hồ do quá lỗ.

Đại Dương