Mỹ tham gia tẩy chất độc da cam tại Sân bay Đà Nẵng

(Dân trí) - Mỹ sẽ đầu tư 43 triệu USD cho hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường bằng phương pháp khử hấp thu nhiệt để làm sạch dioxin và khắc phục hậu quả chất da cam tại khu vực sân bay Đà Nẵng.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố thiết kế sơ bộ hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường bằng phương pháp khử hấp thu nhiệt sẽ được sử dụng để làm sạch dioxin, khắc phục hậu quả chất da cam tại khu vực sân bay Đà Nẵng.

Ông Donald Steinberg, Phó Giám đốc toàn cầu USAID cho biết, phương pháp kỹ thuật khử hấp thu nhiệt hay còn gọi là IPTD là một công nghệ tiên tiến được áp dụng ở Mỹ, châu Âu và châu Á để làm sạch các bãi chất thải nguy hại và bảo đảm môi trường sạch cho hàng triệu người và cho các thế hệ sau.

IPTD đã được chứng minh có tác dụng làm giảm mức độ tồn lưu dioxin đến mức bằng hoặc thấp hơn mức mà mục tiêu của dự án này đặt ra, và USAID tự hào được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc sử dụng phương pháp này. Theo đó, USAID dự kiến cuối mùa hè năm nay sẽ bắt đầu triển khai dự án này. Dự tính tổng chi phí cho dự án này khoảng 43 triệu USD. Trước đó, nhóm nghiên cứu hỗn hợp Việt - Mỹ đã công bố một báo cáo cho rằng cần có 300 triệu USD  để tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất da cam/dioxin ở Việt Nam trong 10 năm.

Cũng theo ông Donald Steinberg, nhà thầu được USAID ký hợp đồng thiết kế và triển khai chiến lược khắc phục hậu quả chất độc tại dự án này là TerraTherm. Tháng 6/2010, USAID đã tiến hành đánh giá môi trường tại sân bay Đà Nẵng và xem xét một số công nghệ phù hợp để xử lý ô nhiễm ở đây.

Quy trình khắcp phục được chọn là: đất và bị nhiễm dioxin được đào lên và được đặt trong một kết cấu chứa được xây dựng tại công trường được gọi là mố, rồi xử lý bằng công nghệ khử hấp nhiệt. Mố IPTD rộng khoảng 70m, dài từ 90 đến 105m, cao khoảng 7,7-8m. Đất sau khi xử lý được đưa trả lại sân bay Đà Nẵng. Dự kiến, tổng diện tích khu vực cần đào xúc là 191.400m2, tổng khối lượng là 72.900m3.

Mỹ tham gia tẩy chất độc da cam tại Sân bay Đà Nẵng
Điểm "nóng" Dioxin tại sân bay Đà Nẵng. (Ảnh: VTV)

Sân bay Đà Nẵng là một trong ba điểm nóng về dioxin tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của một công ty Canada, mức ô nhiễm dioxin tại một số điểm ở khu vực này cao gấp hàng trăm lần mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, hiện sân bay Biên Hòa và Phù Cát cũng được coi là những “điểm nóng” dioxin do tồn dư hóa chất trong đất sau chiến tranh.

Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã thả hơn 70 triệu lít chất diệt lá, trong đó có loại chứa dioxin xuống miền trung và nam của Việt Nam. Dioxin được cho là có liên quan đến một loạt bệnh tật và dị tật ở người. Việt Nam ước tính có 3 triệu người bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chất dioxin.

 Thanh Trầm