Đề xuất 9 giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường

(Dân trí) - Nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về Bảo vệ môi trường (BVMT), trên cơ sở 8 năm thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 9 giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Hội thảo Khoa học “Chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường  - Thực trạng và giải pháp” vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, từ năm 2005 đến 2013 được coi là giai đoạn thành công trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó phải kể đến Luật Đa dạng sinh học, Luật Thuế Tài nguyên, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Cùng với đó, quá trình xây dựng và ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật đã tạo nên một hệ thống pháp luật về BVMT ngày càng toàn diện, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác BVMT trên phạm vi cả nước. Vấn đề tạo hành lang pháp  lý cho công tác BVMT trong quản lý vùng, lĩnh vực liên ngành được chú trọng thông qua việc phê duyệt hàng loạt các quy hoạch đề án, chương trình như: Đề án BVMT lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam…

Về cơ bản, đến nay, hệ thống chính sách pháp luật về BVMT tương đối đầy đủ và đồng bộ, có những quy định cụ thể và chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực; tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về BVMT trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế và quốc tế. Tuy nhiên, qua 8 năm  triển khai trong thực tế, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2005 đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải sớm có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Từ những yêu cầu thực tiễn, Quốc hội đã lập kế hoạch xây dựng Luật BVMT sửa đổi nhằm từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về BVMT, phù hợp với điều kiện  phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Ô nhiễm làng nghề đang là vấn đề của Hà Nội
Ô nhiễm làng nghề đang là vấn đề của Hà Nội

Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT, trên cơ sở  8 năm thi hành Luật BVMT 2005 và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 9 giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT, cụ thể: Cần thiết phải lập quy hoạch môi trường làm căn cứ để lồng ghép các nội dung BVMT trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Cam kết BVMT và kế hoạh BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải sản xuất; Tăng cường bảo vệ các thành phần môi trường gồm bảo vệ môi trường nước song, các nguồn nước khác,đất và không khí; Tăng cường bảo vệ môi trường làng nghề  cụ thể về trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề và nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện, tỉnh đối với BVMT làng nghề; Tăng cường quản lý chất thải ; Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước về BVMT; Xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư; Chú trọng nguồn lực cho BVMT.

Với 9 giải pháp đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng sẽ là công cụ pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm, giữ gìn, bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững...

Phạm Thanh