Cứu trợ vật nuôi trong thiên tai chính là cứu trợ con người

(Dân trí) - Mỗi khi xảy ra thiên tai, người ta thường tìm cách cứu trợ con người. Tuy nhiên, với người dân nghèo, vật nuôi là tài sản và sinh kế của họ, vì vậy, cứu trợ vật nuôi trong thiên tai chính là cứu cả người và vật, đồng thời giúp bảo vệ môi trường.

Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection - WAP) vừa phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức một khóa đào tạo giảng viên về Hướng dẫn và Tiêu chuẩn Cứu trợ Vật nuôi Khẩn cấp (LEGS) kéo dài từ 6 ngày 18-23/11 tại Hà Nội.

Chương trình nhằm đào tạo 15 giảng viên người Việt Nam và 3 giảng viên người nước ngoài để sau này họ chủ động tổ chức tập huấn về các hoạt động liên quan đến công tác chuẩn bị và cứu trợ vật nuôi trước, trong và sau thiên tai.

Cứu trợ vật nuôi trong thiên tai chính là cứu trợ con người

Đàn gà của vợ chồng anh Lê Công Đức (xóm 5, xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai) chết sạch sau cơn lũ vào năm 2013 (Ảnh: Doãn Hòa)

Trao đổi với PV Dân trí, bà Hà Cẩm Tâm, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, cho rằng, khi xảy ra thiên tai, không chỉ con người mà cả những con vật trong đó có cả những vật nuôi và môi trường bị tác động. Do đó, đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là người nghèo, những người sống dựa vào nông nghiệp vì vật nuôi là tài sản và cũng là sinh kế của người dân.

Đã có những câu chuyện rất cảm động và đáng thương khi các tổ chức cứu nhân đạo đến để di dời đi chỗ khác nhưng người ta không đi mà họ muốn ở lại với những con vật nuôi của mình. Họ nói: "Chúng tôi không thể bỏ những con vật này, chúng tôi sẽ chết cùng với nó". Nhiều trường hợp, người dân được Chính phủ cung cấp lương thực cứu trợ sau thiên tai nhưng họ phải dành một phần số lương thực quý giá ấy để nuôi các con vật của gia đình họ.

“Việt Nam là một nước nông nghiệp với hàng triệu người dân sống dựa vào nông nghiệp, và hàng triệu người dân Việt Nam lấy chăn nuôi là sinh kế, vì thế vật nuôi chính là tài sản sinh kế của họ. Việc cứu vật nuôi chính là cứu được cả hai: cả con người và con vật”, bà Tâm nói.

Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi đã quyết định hợp tác với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới để tổ chức các lớp tập huấn về “Những hướng dẫn và tiêu chuẩn cứu trợ vật nuôi trong tình trạng khấn cấp” (LEGS) từ năm 2009. Đến nay, đã có 9 lớp tập huấn được tổ chức cho hơn 200 học viên thuộc 63 tỉnh, thành trên toàn quốc và đặc biệt chú trọng các tỉnh thường xuyên bị thiên tai.

Tổ chức WAP cũng đã tài trợ cho Cục Chăn nuôi cử cán bộ đi học các lớp giảng viên về tiêu chuẩn LEGS để họ có thể tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương khi trở về Việt Nam. Khóa đào tạo giảng viên kéo dài 6 ngày vừa kết thúc ngày 23/11 tại Hà Nội chính là một bước hợp tác sâu sắc hơn giữa Tổ chức này với Cục Chăn nuôi.

Từ năm 2011, Tổ chức này cũng hỗ trợ việc đào tạo về phúc lợi cho động vật cho các giáo viên THCS để sau đó họ lồng ghép nội dung vào bài học cho học sinh; đồng thời có các hoạt động bảo vệ gấu và phòng chống bệnh dại...

Cứu trợ vật nuôi sẽ giúp duy trì sinh kế bền vững cho người nông dân (Ảnh minh họa)
 
Cứu trợ vật nuôi sẽ giúp duy trì sinh kế bền vững cho người nông dân (Ảnh minh họa)

Việc làm cần thiết

Theo thống kê của Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới, có tới hơn 70% các bệnh vật nuôi mới xuất hiện và đang quay trở lại đều có nguồn gốc từ ngành chăn nuôi. Trong số 1.415 mầm bệnh trên con người thì hơn 60% có nguồn gốc từ động vật. Trung bình, cứ mỗi năm lại có một loại bệnh mới nổi lên kể từ năm 1945 và 75% các loại bệnh mới nổi này có nguồn gốc từ vật nuôi. Vì vậy, việc quản lý, cứu trợ tốt đàn vật nuôi trong thiên tai, thảm họa không chỉ giúp bảo vệ sinh kế của nông dân một cách hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Quản lý vật nuôi kém cũng là nguyên nhân chính gây nên tác động xấu đến môi trường và khí hậu toàn cầu. Ngành chăn nuôi được cho là có liên quan tới việc phá rừng, xói lở đất, làm mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nước và không khí. Ngành này chịu trách nhiệm đối với 18% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và thải ra 37% khí mê-tan do tác động của con người. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng là một đầu vào quan trọng để bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Khi trình độ quản lý vật nuôi của nông dân được cải thiện thì không những thu nhập tăng mà những thách thức về mặt môi trường cũng sẽ được giải quyết.

“Cứu trợ động vật khi xảy ra thiên tai là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam, từ trước đến nay chưa được đề cập đến một cách có hệ thống, trước mỗi mùa mưa bão, vấn đề đầu tiên được quan tâm là con người và tài sản. Vì vậy, việc Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về cứu trợ đàn gia súc gia cầm là rất đáng quý và là hướng đi cần được lưu tâm trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” - ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Nguyên An