Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết

Thanh Tùng

(Dân trí) - Gà rừng bán thịt cũng như làm cảnh có giá dao động từ 1-3 triệu đồng/cặp. Mặc dù chưa đến Tết, ông chủ trại gà rừng lo không còn hàng để bán.

Gần Tết ở Thanh Hóa, ngoài những mặt hàng đặc sản như gà "tiến vua" hay gà Đông Tảo, mặt hàng gà rừng cũng là một trong mối hàng được nhiều người săn tìm. 

Mặc dù còn hơn 20 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng trại gà rừng của gia đình anh Lê Đỗ Chinh (phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã kín đơn đặt hàng. Theo ông chủ trại gà rừng, trước kia gia đình anh nuôi gà rừng chủ yếu để bán con giống. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều khách hàng lại có nhu cầu mua gà thịt và gà cảnh. Đặc biệt là trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. 

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 1

Cận Tết, gà rừng trở thành món đặc sản được nhiều người săn tìm.

"Vốn dĩ gà rừng có vẻ bề ngoài đẹp và có tiếng gáy thanh nên nhiều khách hàng rất thích chơi gà rừng vào dịp Tết để vui xuân, lấy may mắn. So với các loại gà khác, gà rừng có sức đề kháng tốt, thịt cũng ngọt và thơm nên rất được ưa chuộng trên thị trường", anh Chinh cho biết.

Theo anh Chinh, năm nay, ngoài hơn 2.000 con gà giống thì trang trại của gia đình anh có khoảng 160 con gà rừng thịt và gà cảnh để phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì toàn bộ gà thịt của gia đình anh đã "cháy hàng", gần 50 con gà cảnh còn lại cũng gần như kín đơn đặt hàng trước Tết.

Hiện, gà rừng thịt được bán với giá dao động từ 700.000 - 900.000 đồng/cặp, gà cảnh có giá bán từ 2 - 3 triệu đồng/cặp (tùy từng loại, có cặp đẹp lên đến 4 triệu đồng). Trung bình vào mỗi tháng Tết, tổng doanh thu tại trang trại gà rừng nhà anh Chinh đạt 65 - 75 triệu đồng, doanh thu này so với ngày thường thì tăng từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. 

Vài triệu đồng một cặp, chủ trại gà rừng lo không đủ hàng bán Tết

Thị trường tiêu thụ của gia đình anh Chinh "phủ sóng" toàn quốc, nhiều nhất vẫn là khu vực các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên, các đơn đặt hàng hầu hết qua hình thức online. 

Theo anh Chinh, gà rừng tại trang trại của gia đình anh là giống gà rừng tai trắng thuần chủng 100%, không qua lai tạp. Một con gà rừng trống trưởng thành sẽ có màu lông đỏ ngũ sắc, tai trắng, cựa dài và nặng từ 1-1,2kg, gà mái sẽ có màu nâu.

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 2

Nhờ bán gà rừng, doanh thu trong tháng Tết của gia đình anh Chinh đạt 65-75 triệu đồng.

Nói về kỹ thuật nuôi gà rừng, theo anh Chinh, nhiều người nuôi gà rừng phàn nàn khi nuôi vừa đủ lớn thì gà lăn đùng ra chết. Nó có rất nhiều nguyên nhân, ngoài điều kiện môi trường sống thì gà rừng có đặc tính sinh trưởng khác với các giống gà khác.

"Gà rừng có giai đoạn nuôi rất khó khăn, đó là khi gà nở ra đến 2 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, gà thường học cách thích nghi với môi trường bên ngoài và dễ sinh bệnh tật. Vì thế, người nuôi phải biết được thuộc tính của gà rừng và biết cách trị bệnh để tạo sức đề kháng cho gà. Sau 2 tháng, gà rừng sẽ có sức đề kháng rất tốt và ít dịch bệnh hơn các giống gà truyền thống", anh Chinh chia sẻ. 

Một số hình ảnh về công việc chăm sóc gà rừng được PV ghi lại:

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 3

Với giá bán 2-3 triệu đồng/cặp nhưng gần Tết ông chủ trại gà vẫn lo không có hàng để bán.

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 4

Chưa đến Tết nhưng số gà thịt tại trại của gia đình anh Chinh đã "cháy" hàng.

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 5

Gà rừng mái có màu nâu khi trưởng thành.

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 6

Gà rừng trống có màu lông ngũ sắc, tai trắng.

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 7

Và đặc biệt là đôi cựa dài, sắc nhọn.

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 8

Số gà cảnh được khách hàng đặt mua trước Tết đang đợi ngày vận chuyển đi.

Vài triệu đồng/cặp, người làm nghề nuôi gà rừng lo không đủ hàng bán Tết - 9

"Vốn là giống gà hoang dã nên việc tạo môi trường sống cho gà là rất quan trọng", anh Chinh chia sẻ.