Nữ điều dưỡng cay đắng nhận phụ cấp độc hại 10.000 đồng/ngày

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các chất hóa học, môi trường làm việc căng thẳng nhưng nhiều nhân viên y tế chỉ nhận phụ cấp độc hại vài chục nghìn đồng/ngày.

Thuộc diện biên chế ở khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở phía Nam, bác sĩ H.T.K. nhận tiền phụ cấp độc hại bằng 60% so với lương cơ bản. Nghe thì có vẻ nhiều nhưng thực chất lại chẳng bao nhiêu vì lương cơ bản của bác sĩ K. chỉ 2,4 triệu đồng/tháng. Tính ra, mỗi ngày bác sĩ này nhận được 80.000 đồng tiền phụ cấp độc hại.

Theo bác sĩ K., ông là một trong số ít người được nhận tiền phụ cấp độc hại cao của bệnh viện. Ngoài ông ra, một số nhân viên y tế ở khoa nhiễm nhận được 70% lương cơ bản, còn lại, rất nhiều nhân viên ở các khoa khác của bệnh viện chỉ nhận được 40%. 

Nữ điều dưỡng cay đắng nhận phụ cấp độc hại 10.000 đồng/ngày - 1

Với mức phụ cấp độc hại thấp, không ít bác sĩ ngán ngẩm nghĩ đến những rủi ro trong nghề (Ảnh minh họa).

"Số tiền đó không xứng đáng đối với bất kỳ nhân viên y tế nào. Đặc biệt là ở khoa cấp cứu khi nhân viên y tế là người đầu tiên tiếp xúc với chất dịch tiết ra từ bệnh nhân, không loại trừ khả năng lây nhiễm. Phụ cấp độc hại chỉ có vậy thì không đủ để bù trừ vào những rủi ro, công sức bỏ ra", bác sĩ K. thở dài.

Đang trên đường khám bệnh tận nhà bệnh nhân, bác sĩ K. vội vã dừng xe để trả lời tin nhắn. Công việc ở bệnh viện không đủ trang trải cuộc sống, bác sĩ K. phải phụ trách thêm việc ở phòng khám để tăng thu nhập.

Gần đây nhất, bác sĩ K. vừa tiếp nhận ca cấp cứu do bệnh nhân gặp tai nạn giao thông. Vụ va chạm nặng khiến cơ thể bệnh nhân đầy máu. Bác sĩ K. vì đã vào nghề lâu nên không còn thấy sợ sệt như thời gian đầu. Song, dù cố gắng tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn, nỗi sợ bị lây nhiễm vẫn còn đó.

"Ngành y tế lương thấp là chuyện bình thường, giờ ai làm nghề này cũng phải chịu thôi. Chúng tôi làm là vì yêu nghề là chính, chứ ai nói học bác sĩ để làm giàu thì không có đâu", bác sĩ K. bộc bạch.

Hiện, thu nhập của vị bác sĩ này ở bệnh viện chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập khó có thể giúp một người nuôi đủ cho bản thân, chưa nói đến việc chăm sóc gia đình, phụng dưỡng cha mẹ. 

Nữ điều dưỡng cay đắng nhận phụ cấp độc hại 10.000 đồng/ngày - 2

Cộng thêm khoản phụ cấp độc hại, thu nhập của nhiều bác sĩ vẫn chưa tới 8 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa).

Là điều dưỡng tại bệnh viện tỉnh miền Trung, chị P.H. cho hay, mình đã gồng gánh cuộc sống bằng số lương hơn 7 triệu, trong suốt 12 năm. Số tiền này đã bao gồm các mức phụ cấp.

Thua xa với bác sĩ K., chị H. chỉ được nhận hơn 700.000 đồng tiền phụ cấp độc hại trong 3 tháng.

Nữ điều dưỡng cay đắng nhận phụ cấp độc hại 10.000 đồng/ngày - 3

Khác với bác sĩ, không ít điều dưỡng còn nhận mức phụ cấp độc hại thấp hơn nhiều (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Làm việc tại khoa Khám bệnh, chị H. cũng là một trong những nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên. Không loại trừ khả năng bị lây nhiễm, nữ điều dưỡng chạnh lòng nhận mức phụ cấp chỉ 10.000 đồng/ngày.

"Mức thu nhập đó chỉ đủ lo nửa tháng thôi, còn nửa tháng sau phải tự tìm cách khác để… sống. Tôi có bán hàng online (trực tuyến), nhưng chỉ đủ ăn sáng, tiêu vặt cho con. Là điều dưỡng nên không thể mở phòng khám tại nhà được, đành chịu thôi", chị H. trải lòng.

Nữ điều dưỡng chia sẻ, chị làm việc từ 7h đến 16h45. Về đến nhà lo việc gia đình, kiểm tra đơn hàng online thì cũng đã tối muộn. Chị H. hoàn toàn không có nhiều thời gian cho bản thân.

Theo chị H., trước đây khi cơ quan còn đông bệnh nhân thì còn được nhận một số khoản thu khác. Nhưng nay chỉ có lương, cùng khoản phụ cấp độc hại ít ỏi.

"Hồi còn trẻ có biết điều dưỡng là gì đâu. Gia đình ủng hộ, bản thân nghĩ đơn giản học rồi về làm nhiều tiền. Nhưng đến năm 2 thì nhận ra không màu hồng như vậy, hối hận cũng đã muộn", nữ điều dưỡng nói.

Phụ cấp độc hại là khoản tiền trả thêm dành cho những người lao động, công chức, viên chức theo tháng, quý hoặc năm khi họ làm công việc hoặc làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại hoặc đặc biệt nguy hiểm, độc hại.

Mục đích giúp bù đắp một phần nào đó cho người lao động về những tổn hại, sức khỏe, tinh thần, thể chất, hoặc thậm chí là khả năng lao động của họ.

Mồi ngành nghề, lĩnh vực lại có những đặc trưng, đặc thù công việc khác nhau. Do vậy mà việc trả khoản phụ cấp độc hại này cũng sẽ tùy thuộc vào đối tượng lao động và những yêu cầu công việc một tương ứng với từng lĩnh vực, công việc cụ thể.

Trước đó, theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6 năm 2022, có 9.300 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.