PhotoStory

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng

Thực hiện: Thúy Diễm

(Dân trí) - Mưa lớn, kéo dài tại Đắk Lắk, nước sông Krông Na dâng cao, đê bao vỡ khiến cả trăm héc ta lúa bị nhấn chìm. Để cứu cả nghìn héc ta còn lại, nông dân gồng sức đắp đê ngăn nước.

Trong 2 ngày 29 và 30/7, người dân tại xã Buôn Triết (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đứng ngồi không yên khi nước sông Krông Na liên tục dâng cao sau những trận mưa lớn. Hơn 100m bờ đê đã vỡ.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 1

Nước sông Krông Na đổ thẳng vào ruộng, gây ngập 320ha lúa đang làm đòng. Lo lắng cả nghìn hecta lúa còn lại nước đang ngập băng đồng, chính quyền và nông dân xã Buôn Triết huy động máy móc, dùng các biện pháp đắp đê cứu lúa.

Anh Trần Đăng Hải (thôn 12, xã Buôn Triết) trầm mình hàng giờ dưới sông để phủ nilon lên bờ đê vừa đắp, cắm các cọc cố định hạn chế nước sông tràn vào ruộng lúa.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 2

Anh Hải cho biết, từ rạng sáng 29/7, bờ đê bao quanh sông bị vỡ, nước sông lên nhanh, bà con hô hoán nhau chặt cây làm cọc, lấy đất từ ruộng lúa kề bên để đắp đê chắn tạm.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 3

"Năm ngoái, nước lũ tràn, ngập cả ngàn héc ta lúa, bà con lâm cảnh trắng tay. Gia đình tôi năm nay còn khoảng 1,6ha lúa đang làm đòng, dự kiến cho thu hoạch khoảng 13 tấn thóc nhưng tình trạng hiện tại rất lo lúa ngập hết nếu không có phương án khắc phục.

Tôi nghe chính quyền đang triển khai xây dựng bờ kè phía nam sông Krông Na nhưng dự án chưa hoàn thiện. Việc này khiến chúng tôi thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ về ", anh Hải tâm tư.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 4

Tương tự, nhà anh Mai Phú Kiên có khoảng 4ha lúa đứng trước nguy cơ mất hỏng do ngập. Anh cùng bà con đã nỗ lực đắp đê để hạn chế nước tràn vào.

"Đây chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu mưa còn kéo dài, chắc chắn bờ sông sẽ vỡ thêm nhiều đoạn và rất khó cứu được lúa", anh Kiên lo lắng.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 5

Dọc bờ sông Krông Na, nông dân khẩn trương thay phiên nhau múc bùn đất đắp cao bờ ruộng. Nhiều người còn bỏ dở bữa cơm trưa, hỗ trợ nhau với mong muốn hạn chế thiệt hại ít nhất có thể.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 6

Sốt ruột, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, cũng ra hiện trường, phụ giúp bà con đắp đê.

Theo ông Hải, dọc theo sông Krông Na qua địa bàn xã Buôn Triết, đê bao bị vỡ 3 đoạn với chiều dài hơn 150m. Sau khi xảy ra sự cố, chính quyền phối hợp với người dân đào đắp bờ đê, tạm thời ngăn nước tràn vào ruộng.

Chủ tịch xã Buôn Triết cho biết, diện tích lúa hè thu năm nay của xã khoảng 2.100ha, phần lớn đang ở giai đoạn làm đòng và trổ bông.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 7

"Nước sông đang tiếp tục đổ về nên lũ có thể tràn bờ bất cứ lúc nào. Khu vực này có hơn 1.000ha lúa của người dân, nếu nước không rút kịp, diện tích ngập sẽ còn tăng lên. Nước dâng cao nhanh trong khi sức đắp đê thủ công của bà con có hạn nên việc vỡ đê chỉ là sớm muộn.

Về lâu dài, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Na, chỉ có vậy mới giải quyết được tình trạng ngập lụt", ông Hải nói.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 8

Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk, tính đến chiều 29/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn huyện có mưa lớn và nước từ các lưu vực sông suối đổ về khiến mực nước sông Krông Na dâng cao, gây ngập hơn 750ha lúa hè thu.

Có 3 xã bị ngập nhiều nhất là xã Buôn Triết, ngập hơn 320ha, xã Đắk Liêng, ngập 268ha và xã Buôn Tría, ngập 106ha.

Nông dân căng mình đắp đê cứu nghìn héc ta lúa nguy cơ ngập trắng - 9

Lượng nước từ các nơi vẫn đang đổ về sông Krông Na lớn, diện tích ngập dự kiến tăng trong 1-2 ngày tới. Để ứng phó với việc ngập úng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk đề nghị các địa phương kịp thời vận động người dân khắc phục sự cố, chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.