Nhân sự biến động kinh khủng, ngành kiến trúc, xây dựng mong "khó ló vàng"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước tình trạng nhân sự biến động, tuyển người không nổi, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, xây dựng kỳ vọng "cái khó sẽ ló vàng".

Đây là vấn đề được nêu ra tại ngày hội tuyển dụng ngành kiến trúc - mỹ thuật - nội thất & xây dựng tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) ít ngày trước. 

Nhân sự biến động kinh khủng, ngành kiến trúc, xây dựng mong khó ló vàng - 1

Các doanh nghiệp "khát" nhân sự trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế (Ảnh: A.S).

Trao đổi tại đây, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM nêu chủ trương nhà trường kết nối với doanh nghiệp sử dụng để sinh viên ngay từ năm nhất có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động, để chuẩn bị cho hành trình học tập, rèn luyện và hòa nhập với môi trường làm việc ngay khi ra trường. 

Các báo cáo chỉ ra nhu cầu nhân sự lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Dự báo nhu cầu nhân lực của ngành xây dựng tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động mỗi năm. Số lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12-13 triệu người.

Nhu cầu là vậy nhưng thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc rơi vào cảnh... "vàng mắt" tuyển người vẫn không ra. Đặc biệt thời điểm này khi kinh tế khó khăn, thị trường nhân sự biến động chao đảo thì việc tuyển người càng khó khăn hơn gấp bội. Tuyển người đã khó, tuyển người làm được việc lại càng không ra. 

Nói về tuyển nhân sự lĩnh vực thiết kế, xây dựng thời điểm này, ông Phạm Thanh Nhựt, Phó Tổng giám đốc Kiến Cons thốt lên: "Biến động kinh khủng!". Hiện tại, doanh nghiệp này đang tuyển ít nhất 10 nhân sự chuyên về mảng thiết kế nhưng không dễ.

Kỳ vọng "trong cái khó sẽ ló cái vàng", ông Nhựt cho biết, công ty xác định rõ sự biến động này chính là thời điểm vàng để chọn được những nhân sự chất lượng, phù hợp. 

"Để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, ứng viên cần có nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, lắng nghe, làm chủ được công việc và đặc biệt phải có thái độ tốt tại môi trường mới. Đối với ngành xây dựng, các bạn thiết kế, kỹ sư công trường cũng buộc phải am hiểu về các phần mềm để làm tốt công việc trong thời đại 4.0", ông Phạm Thanh Nhựt cho hay. 

Ông Đoàn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc công ty Nam Sung đánh giá, tiềm năng của ngành xây dựng, kiến trúc là không giới hạn cùng dự đoán nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ còn tăng rất cao trong những năm tới. 

Theo ông Đạt, đối với sinh viên mới ra trường rất khó để đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu. Nhưng có nhiều yếu tố các bạn có thể chuẩn bị cho mình bên cạnh kiến thức chuyên môn gồm các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học, làm việc nhóm, biết lắng nghe và trách nhiệm cao trong công việc. 

Trên thị trường, mức lương trung bình cho vị trí nhân viên thiết kế, kỹ sư xây dựng tại Việt Nam ở mức 15 - 25 triệu đồng. Với những người có kinh nghiệm, mức lương có thể cao hơn nhiều lần mức bình quân nói trên. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhân sự, để tìm được những "hạt giống vàng" có thể trả mức lương cao không dễ, nhất là khi chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Lâu nay, rất nhiều doanh nghiệp buộc phải tuyển nguồn nhân lực từ nước ngoài vào với mức chi phí cao ngất ngưởng.

Phó Hiệu trưởng đại học Hoa Sen Theo Phan Thị Việt Nam thông tin, các công trình, dự án đô thị lớn hiện nay tại Việt Nam vẫn đang phải "cậy nhờ" các nhà thiết kế, kiến trúc sư từ nước ngoài chứ không phải từ nguồn nhân lực trong nước. 

Một nhà quản lý trong lĩnh vực thiết kế tại TPHCM cho hay, thời điểm nhân sự biến động phải nói chưa từng có như hiện nay là thách thức với cả doanh nghiệp lẫn người lao động, đào thải sẽ nhiều và nhu cầu tuyển mới cũng sẽ cao. Nhưng đó cũng chính là cơ hội cho những người thật sự có năng lực về ngành nghề và cũng là cơ hội để doanh nghiệp sàng lọc, chọn được người tài, người giỏi. 

Nhân sự biến động kinh khủng, ngành kiến trúc, xây dựng mong khó ló vàng - 2

Sinh viên tìm hiểu về ngành nghề thiết kế, xây dựng (Ảnh: H.N).

Tuy nhiên, không dễ để doanh nghiệp và người lao động có thể gặp nhau ở chung một điểm, dẫn đến thị trường nhân sự trong ngành nghề thiết kế, xây dựng luôn trong tình trạng "khát" người. 

Hiện nay, tỷ lệ nhân lực ngành xây dựng qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 65%. Mục tiêu đến năm 2030 là tăng tỷ lệ lao động ngành kiến trúc xây dựng qua đào tạo đạt mức khoảng 75%.