Nghề cưỡi "hung thần", phải chấp nhận lỡ vợ không còn kiên nhẫn chờ đợi

Nguyễn Vy

(Dân trí) - 2h sáng, Hoàng giật mình thấy hiện trước mũi container một vật thể lạ trên đường. Đường mờ sương, người cầm lái chiếc "hung thần xa lộ" không đủ gan dừng xe để xác nhận nghi ngờ lạnh gáy của mình...

Bốc máy gọi cho tài xế lái xe phía sau, Hoàng xót xa, đó là thi thể của một người bị tai nạn giao thông, chiếc xe máy đã rơi xuống con suối cạnh đó. Người gây ra tai nạn được xác định đã bỏ trốn.

Lau mồ hôi lạnh ngắt, Hoàng cố lấy lại bình tĩnh. Mỗi khi nhớ lại cảnh kinh hoàng đó, anh vẫn rùng mình, ám ảnh và luôn tự dặn mình cẩn trọng hơn nữa để lái xe an toàn.

Nghề cưỡi hung thần, phải chấp nhận lỡ vợ không còn kiên nhẫn chờ đợi - 1

Tài xế container đường dài là một trong những nghề phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, đánh cược bằng cả mạng sống trên xa lộ (Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

"Bước lên xe như bước tới trước cửa tử, lần nào cũng về đến nhà tôi mới thấy... hồi sinh. Mỗi khi cầm lái, tôi chỉ hướng đến mục tiêu an toàn trở về với vợ con", anh Hoàng (32 tuổi, quê Nghệ An), một tài xế container đường dài, lặng lẽ hút thuốc trong giờ nghỉ trưa, nói với phóng viên Dân trí.

Đèo bòng hay chấp nhận nếu vợ hết kiên nhẫn?

Chở lô hàng trái cây từ Đồng Tháp đến cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), tài xế Hoàng nói đây là chuyến đi dài nhất trong đời anh. Qua đủ khâu kiểm duyệt giấy tờ, hàng hóa, anh vẫn hồi hộp như ngày mới vào nghề. 

Nghề cưỡi hung thần, phải chấp nhận lỡ vợ không còn kiên nhẫn chờ đợi - 2

Cảnh dòng xe di chuyển đến cửa khẩu Hữu Nghị là hình ảnh tài xế Hoàng lần đầu chứng kiến trong chuyến đi dài nhất của mình cho tới giờ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nghề tài xế lương "ba cọc ba đồng" như anh Hoàng miêu tả, mất một chuyến hàng là cả gia đình phải chịu đói.

Nằm chờ trong buồng lái đã bám đầy bụi đường, Hoàng lại ngắm nhìn tấm ảnh vợ con để bên cạnh. Đôi lúc anh lấy ra, mân mê tấm ảnh rồi ngủ quên lúc nào chẳng hay.

"Ở nơi đất khách quê người, cánh tài xế chúng tôi lúc nào cũng phải cảnh giác. Ngủ phải nằm gần xe, còn nếu đi một mình thì chỉ có thể chợp mắt vài phút. Đã nhiều lần tôi bị trộm nhảy vào xe đến khi phát hiện ra, ngay đấy mà đuổi không kịp", nam tài xế kể.

Anh cho biết có con gái năm nay lên 7 tuổi mà đằng đẵng những năm qua không mấy khi được thấy cảnh con đến trường. Bởi mỗi năm vào mùa việc, các lô hàng từ miền Trung, miền Nam ra vào liên tục, cứ nửa năm anh mới được về nhà một lần.

Những lúc neo xe ở bãi đỗ để chờ chuyển hàng là lúc rảnh rang, chờ đợi là khoảng thời gian nhớ nhà, nhớ con nhất. Người bố thường xuyên xa nhà nhiều lần rơi nước mắt khi nhìn con qua màn hình điện thoại, chứng kiến cảnh những gia đình khác quây quần bên nhau.

Vợ anh thương chồng, ban đầu thường rong ruổi theo xe trên những hành trình dài nhưng khi có con rồi chỉ có thể nén nỗi nhớ nhung, cố gắng chăm sóc con thay cả phần chồng.

Nghề này, không ít tài xế thường đưa theo vợ, thậm chí cả con nhỏ sau cabin buồng lái để đỡ nỗi cô đơn trên những chặng đường dài, nối tiếp tháng ngày.

Nhưng khi có con, anh Hoàng không muốn cả gia đình chịu cảnh sống khổ, vất vưởng nay đây mai đó như mình. Anh chọn phần cô độc.

Nghề cưỡi hung thần, phải chấp nhận lỡ vợ không còn kiên nhẫn chờ đợi - 3

Thỉnh thoảng, anh Hoàng gửi vài tấm ảnh trên đường đi cho người thân, thay cho tin báo bản thân vẫn an toàn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Để vợ con theo thì con tôi cũng vất vưởng, phải bỏ học, rồi sau này cũng phải đi lao động như tôi, vất vả lắm. Thôi tôi đi một mình cũng quen rồi, không có thời gian cho gia đình nhưng may mắn vợ cũng thấu hiểu, thông cảm. Nhưng lỡ có ngày cô ấy không còn kiên nhẫn, tôi cũng chỉ thầm trách phận mình và chấp nhận điều đó", anh Hoàng nói.

Nghĩ đến gia đình để nhấn ga… nhẹ hơn

Trước đây, muốn lên làm tài xế, anh Hoàng phải chấp nhận 1 năm làm phụ xe với đồng lương bạc bẽo. Dần dà, nỗ lực trau dồi để được cầm tay lái của anh thành hiện thực. Vậy mà thấm thoát đã hơn 10 năm anh Hoàng gắn bó với chiếc "hung thần".

Suốt 10 năm rong ruổi, vò võ tháng ngày, nam tài xế bộc bạch, có nhiều chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc. Năm 22 tuổi, thực hiện những chuyến đi đầu tiên ở huyện Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận, đến giờ anh Hoàng vẫn nhớ sự cố chiếc container to lớn bỗng tắt máy ở giữa chợ.

Cậu thanh niên năm đó bất lực, vội đi tìm đồ sửa đến khi trời tối sập. Bụng đói, hàng quán xung quanh đóng cửa, Hoàng nhớ lúc đó chỉ biết đứng khóc.

Nghề cưỡi hung thần, phải chấp nhận lỡ vợ không còn kiên nhẫn chờ đợi - 4

Những chuyến hàng dài ngày có thể giúp tài xế container nuôi sống cả gia đình (Ảnh minh họa: Vận tải Trọng Tấn).

"Nhìn xung quanh, tôi thấy có nhà sáng đèn, đang dọn dẹp sau đám giỗ. Lúc đó ngại lắm, nhưng đói khát quá, tôi quyết định đến xin một cốc nước. Bất ngờ là gia đình đó tiếp đãi nồng hậu, mời ăn rồi còn cho tôi ngủ lại đến sáng, không mảy may lo lắng, nghi ngờ như thái độ vốn thấy dành cho cánh lái xe đường dài", nam tài xế xúc động kể.

Những khoảnh khắc, chi tiết nhỏ nhặt như thế giúp anh Hoàng có thêm động lực để trụ lại với nghề cho đến giờ.

Anh cười xòa về biệt danh "hung thần xa lộ" cánh lái xe công đường dài thường bị gọi. Ban đầu nghe cũng chạnh lòng nhưng rồi anh lại nghĩ đến chuyện gia đình xa lạ cho mình ăn ở nhờ vô điều kiện đêm năm nào để thấy cuộc sống vẫn luôn có nhiều điều tốt đẹp, chân thành. 

Anh Hoàng chỉ mong xã hội không quá kỳ thị, "đánh đồng" mọi tài xế. Với bản thân, anh luôn tâm niệm, đoạn đường người khác đi 10 phút, mình chấp nhận đi chậm hơn, để giữ an toàn cho bản thân và cho người đi đường khác.

"Thực tế, có những chuyến hàng chở trái cây, chúng tôi phải tuân thủ giờ giấc chạy nhưng tôi khẳng định chỉ tiêu nào cũng khả thi, chỉ cần lái tập trung, chạy vừa đủ là có thể đến nơi kịp lúc, an toàn. Những chuyện chạy đua, vượt ẩu bất chấp... là tùy vào ý thức của chính mỗi người cầm lái", anh Hoàng nhấn mạnh.

Nghề cưỡi hung thần, phải chấp nhận lỡ vợ không còn kiên nhẫn chờ đợi - 5

Dẫu vất vả, tài xế Hoàng vẫn rất yêu nghề, công việc giúp anh nuôi sống được cả gia đình (Ảnh minh họa: Đình Thảo).

Anh Hoàng nói, nghề này rất khó chia sẻ với ai và cũng nên hạn chế nghe những gì người khác về mình. Trong thâm tâm, anh chỉ luôn nghĩ kiếm tiền và giữ mạng sống là hai điều quan trọng nhất cần làm cho gia đình, người thân.

"Làm tài xế, khó nhất là phải luôn tỉnh táo, không ngừng tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, cần luôn luyện trí nhớ và thật rành đường. Mỗi chuyến đi là một hành trình nguy hiểm, chểnh mảng một chút là xem như đá luôn cả chén cơm, cuộc sống của mình", anh chia sẻ.