Lao động nước ngoài ở Hàn Quốc bị nợ lương đến 2.248 tỷ đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Theo số liệu mới nhất do cơ quan giám sát nhân quyền Hàn Quốc công bố, các nhà tuyển dụng ở nước này đang nợ người lao động nước ngoài đến 122,3 tỷ won (khoảng 2.248 tỷ đồng).

Mei (21 tuổi, quốc tịch Campuchia), bắt đầu làm việc tại một trang trại dâu tây ở Nonsan, tỉnh Nam Chungcheong (Hàn Quốc) từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, chủ của Mei đã ngừng trả lương cho cô từ tháng 9/2023 đến nay.

Lao động nước ngoài ở Hàn Quốc bị nợ lương đến 2.248 tỷ đồng - 1

Ngày 28/4/2024, người lao động nước ngoài ở Hàn Quốc biểu tình kêu gọi lên án những hành vi cưỡng bức lao động.

Mei phải làm việc 9,5 giờ/ngày, 6,5 ngày một tuần. Mức lương hằng tháng của cô chỉ 1,8 triệu won (khoảng 33,5 triệu đồng), vì người chủ kiếm cớ xây ga ra cho cô ở để trừ vào lương. Nhưng thực tế, cô còn chưa nhận được khoản đó.

"Tôi sẽ trả tiền cho bạn sớm. Đừng lo lắng," ông chủ của cô liên tục trấn an mỗi khi Mei lên tiếng. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, Mei vẫn chưa nhận được tháng lương nào.

Nếu tính thêm tiền trợ cấp thôi việc, Mei đã bị mất khoảng 13 triệu won (hơn 242 triệu đồng). Không có tiền, cô buộc phải vay 3 triệu won để trang trải chi phí hàng ngày. Tháng 3/2024, vì không chịu nổi, Mei đành rời trang trại.

Tại một diễn đàn công cộng dành cho những người lao động nhập cư bị nợ lương, do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc tổ chức, những câu chuyện tương tự Mei tràn ngập khắp khán phòng.

Kim Hye-na, một nhà hoạt động làm việc với nhóm vận động cho người lao động nhập cư có tên là People of Earth's Station, đã đọc câu chuyện về một nạn nhân khác đến từ Campuchia.

Lá đơn của nạn nhân nêu rõ: "Sau thời gian chờ đợi, tôi nhận được thông báo chính thức rằng tôi không được trả lương suốt 20 tháng. Người chủ cũ của tôi đến nay vẫn từ chối trả tiền, giờ chúng tôi đang vướng vào một vụ kiện dân sự.

Nhưng ngay cả khi tôi thắng kiện dân sự, nếu ông chủ vẫn không trả tiền, tôi cũng vẫn sẽ phải về nước. Điều này đã xảy ra với nhiều người khác".

Theo một nghiên cứu về tiền lương quá hạn của người lao động nhập cư, do cơ quan giám sát nhân quyền Hàn Quốc công bố, tính đến năm 2022, người sử dụng lao động ở nước này đã nợ 122,3 tỷ won (khoảng 2.248 tỷ đồng) tiền lương của lao động nước ngoài. Con số này tăng từ 97,2 tỷ won so với năm 2018. 

Trong một cuộc khảo sát, 379 lao động nhập cư đang bị nợ lương cho hay họ hầu hết không tin rằng những rắc rối tài chính là lý do khiến người chủ từ chối trả lương cho họ. Trong số những người được hỏi, 37,6% cho rằng người sử dụng lao động cố tình vi phạm pháp luật; 35,6% cho rằng họ bị ngược đãi chỉ vì họ là người nước ngoài.

Các chuyên gia chỉ ra rằng người lao động nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn hơn người bản địa trong việc tố cáo hành vi nợ lương của chủ.

Thực tế, lao động nước ngoài cần phải báo cáo tiền lương quá hạn để được đăng ký vào hệ thống pháp luật, nhưng vì người lao động nhập cư rất khó thay đổi công việc nên việc báo cáo người sử dụng lao động của họ đặt ra một vấn đề nan giải. Nếu họ không thể nhận được sự chấp thuận chính thức để thay đổi nơi làm việc, họ sẽ trở thành người nước ngoài không có giấy tờ.

Ngay cả khi người lao động báo cáo số tiền quá hạn cho Bộ Việc làm và Lao động, quá trình này có thể phải mất nhiều tháng để được xử lý và xác nhận.

Thời hạn ấn định để giải quyết vi phạm là 4 năm 10 tháng. Công dân Hàn Quốc có thể yêu cầu gia hạn thêm 4 năm 10 tháng nếu mọi việc không được giải quyết trong khoảng thời gian được chỉ định. Tuy nhiên, người lao động nhập cư phải trở về nước nếu mọi việc không được giải quyết trong thời gian được chỉ định vì họ không được phép yêu cầu gia hạn.

Theo Choi Jeong-gyu, luật sư tại công ty luật Wongok, Bộ Việc làm và Lao động cần điều chỉnh các quy định để người lao động nhập cư có thể thay đổi nơi làm việc nếu người sử dụng lao động từ chối trả lương cho họ.

Trước đó, Bộ Việc làm và Lao động cho biết đang nỗ lực hết sức để cải thiện điều kiện sống và làm việc cho những người lao động nước ngoài. Đơn vị đang cử thanh tra đến nhiều nơi làm việc hơn, thuê thêm phiên dịch viên và thực thi các hình phạt đối với những người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi công nhân.

Theo english.hani.co.kr